| Hotline: 0983.970.780

Siết chặt SX cá tra giống

Thứ Năm 14/06/2012 , 12:21 (GMT+7)

NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ xung quanh vấn đề SX cá tra giống.

Chất lượng cá tra giống giảm có nhiều nguyên nhân, do đàn cá bố mẹ bị suy thoái, khai thác quá mức và ương cá tra trôi nổi không kiểm soát nổi... NNVN có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng cá tra giống hiện nay?

TP Cần Thơ có 4-5 cơ sở SX cá tra bột quy mô lớn, đáp ứng cho thị trường từ 500-600 triệu con/năm. Số lượng cá giống đủ đáp ứng theo nhu cầu của người nuôi trong TP Cần Thơ và  cho các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, chất lượng cá tra giống ngày càng giảm, khả năng chống chịu bệnh rất thấp, đề kháng kém gây ảnh hưởng hao hụt rất lớn.

Chất lượng con giống giảm, trong đó có nhiều nguyên nhân, do đàn cá tra bố mẹ bị suy thoái, khai thác cá bố mẹ quá mức và phát triển diện tích ương cá tra trôi nổi không kiểm soát. Tình hình cá tra giống ở Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đều rời vào tình trạng bị giảm về mặt chất lượng.

Để nâng cao chất lượng giống cá tra, cần phải làm gì thưa ông?

Có hai yếu tố quan trọng, trước hết phải quy hoạch và chọn lọc lại đàn cá tra bố mẹ thật tốt. Năm 2011 Bộ NN-PTNT có chương trình chọn lọc lại cá tra bố mẹ, đưa ra trên 100.000 con cá tra bố mẹ dự bị cho các tỉnh ĐBSCL, trong đó Cần Thơ đã nhận gần 2.500 con. Tuy nhiên, đàn cá này khoảng 2 năm nữa mới cho sinh sản. Nói chung tình hình SX cá tra giống trên địa bàn thành phố cũng còn nhiều sơ hở, chưa siết chặc khâu quản lý.

Vì đây là ngành nghề tự do ai cũng có thể làm, thành ra người dân cũng có thể tham gia SX, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Ví dụ, hiện nay cá tra bột chỉ bán ngoài thị trường chỉ 50 đồng/con, trong khi đó giá thành SX một con cá tra bột phải mất từ 50-70 đồng/con, thì không có cách nào SX có lời với giá đó. Từ đó dẫn đến nông dân tự phát ương nuôi cá bột không có đầu tư cho cá bố mẹ thậm chí khai thác quá mức dẫn đến cá bột ngày bị kém chất lượng.

Vì xu thế thị trường SX cá tra bột lợi nhuận rất cao, chính vì vậy bà con nông dân nào cũng có thể đào ao tham gia ương nuôi cá giống để bán một cách tự phát. Đa phần làm theo cách “học lỏm” thiếu khoa học. Do đó số lượng giống rất bấp bênh, lúc thừa lúc thiếu còn chất lượng ngày càng giảm. Riêng Cần Thơ cũng đã tích cực cải thiện con giống trên địa bàn, tuy nhiên đây là con cá của toàn vùng, nếu muốn làm hiệu quả thì các tỉnh ở ĐBSCL có diện tích nuôi cá tra nhiều cần đưa ra một tổ chức chung cho toàn vùng để khâu kiểm tra, quản lý con giống trôi nổi mới cải thiện con giống ngày càng tốt, chất lượng cao.

Xin ông chia sẻ một vài khó khăn trong công tác kiểm tra và quản lý chất lượng con giống?

Việc quản lý chất lượng cá tra ở Cần Thơ có nhiều khó khăn, về chuỗi quản lý từ con cá tra bố mẹ đến xuất khẩu có nhiều cơ quan quản lý trên một chuỗi SX. Ví dụ Chi cục Thủy sản chỉ quản lý về cá tra bố mẹ, quy trình nuôi sạch. Còn Chi cục Thú y lại quản lý dịch bệnh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thì quản lý về mặt chất lượng cá tra.

Có nhiều đầu mối quản lý trên một chuỗi SX như vậy, nhưng khi có vấn đề thì không biết quy trách nhiệm về cơ quan nào, vì thế việc quản lý này tạo nhiều khe hở làm sản phẩm kém chất lượng. Khó khăn tiếp theo về SX con giống, vì đây là ngành tự do, không khống chế được số lượng dẫn đến tình trạng không lành mạnh, giảm chất lượng con giống bằng cách hạ giá thành đầu tư. Như vậy làm sao con cá tra giống đạt chất lượng theo ý muốn.

Để giải quyết khó khăn này cần tăng cường khâu quản lý chất lượng ở các hộ hoặc các cơ sở SX con giống cho đến khâu xuất khẩu, chỉ nên giao cho một cơ quan nhà nước chuyên môn có thẩm quyền. Như vậy cơ quan đó mới chịu trách nhiệm từ khâu đầu đến khâu cuối ở trong chuỗi cá tra. Để tháo gỡ khó khăn, đề nghị Bộ NN-PTNT rà soát, chấn chỉnh vấn đề nhiều cơ quan cùng tham gia trên một chuỗi SX cá tra.

Cần Thơ có những biện pháp nào để giải quyết những khó khăn đó?

Có thể nói nuôi cá tra là một trong những nghề có tính cạnh tranh rất cao ở ĐBSCL, đem về ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Chính vì vậy chúng tôi đề nghị Bộ đưa nuôi cá tra giống là ngành SX có điều kiện, tức là bà con nông dân muốn nuôi cá tra hoặc SX giống cá tra phải đủ điều kiện mới cấp phép cho SX. Như vậy mới giúp SX cá tra bền vững, ổn định.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.