| Hotline: 0983.970.780

Dàn đồng ca "đổ lỗi"

Thứ Sáu 13/12/2013 , 10:36 (GMT+7)

Là những nhân vật lãnh đạo cao nhất trong một TCty khổng lồ về hàng hải, nhưng cả Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều "cứ tưởng" cái ụ nổi 83M "không phải là tàu biển" mà chỉ "là một thiết bị", thế nên họ mới mua, dù biết nó đã ở tuổi "thượng thọ" là 43 năm...

Đúng 9 giờ ngày 12/12, bà Ngô Thị Ánh, Thẩm phán TAND TP Hà Nội, chủ tọa phiên tòa, đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

>> Con tàu đồng nát và 2 căn hộ cao cấp
>> Xét xử vụ đại án ở VINALINES

Với hành vi bỏ túi hàng tỷ đồng trong thương vụ mua ụ nổi 83M, các bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn bị VKSND tối cao truy tố về tội "tham ô tài sản" được quy định tại khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự (BLHS), có khung hình phạt cao nhất là tử hình, nên HĐXX gồm 2 thẩm phán và 3 Hội thẩm nhân dân.

Thẩm phán thứ hai là ông Đào Vĩnh Tường, Chánh tòa Hình sự TAND TP Hà Nội. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Dương Chí Dũng tại tòa là 3 luật sư Ngô Ngọc Thủy, Trần Đình Triển và Trần Đại Thắng, đều thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội.


Dương Chí Dũng ra tòa 

Cả buổi sáng ngày 12/12 được HĐXX dành cho các thủ tục ban đầu và để đại diện VKSND TP Hà Nội công bố cáo trạng. Bản cáo trạng số 16/VKSTC-V1B ngày 1/11/2013 của VKSNDTC, dựa trên kết quả điều tra, đã nêu rõ "đường đi nước bước" khá quanh co, lắt léo xung quanh thương vụ mua cái ụ nổi đồng nát 83M của Dương Chí Dũng và đồng bọn, đặc biệt là đường đi nước bước của khoản tiền 1,66 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng) là tiền "lại quả" sau thương vụ từ Cty AP đến tay Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn, Trần Hữu Chiều ra sao.

Cáo trạng cũng đề nghị HĐXX xem xét tăng nặng hình phạt đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc vì thái độ không thành khẩn, quanh co chối tội trong quá trình điều tra.

Hành vi vi phạm điều 165 BLHS của các bị cáo theo cáo trạng của VKSND tối cao được HĐXX xem xét trước trong phần xét hỏi. Là những nhân vật lãnh đạo cao nhất trong một TCty khổng lồ về hàng hải, nhưng cả Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều "cứ tưởng" cái ụ nổi 83M "không phải là tàu biển" mà chỉ "là một thiết bị", thế nên họ mới mua, dù biết nó đã ở tuổi "thượng thọ" là 43 năm (vì tàu biển thì quy định chỉ được nhập loại tàu từ 15 tuổi trở lại tính từ ngày đóng, còn thiết bị thì không quy định tuổi).

Ngoài điểm chung đó ra thì dàn đồng ca "đổ lỗi" được cất lên tại tòa khá rôm rả. Bằng một giọng nói rất nhẹ nhàng và một thái độ điềm tĩnh khi trả lời những câu hỏi của HĐXX, Dương Chí Dũng nhận rằng mình "vụng về, không sâu sát", chỉ tin cấp dưới mà không xem hồ sơ, cũng không hỏi sâu về tuổi của ụ nổi cũng như lý do bán của bên bán, thậm chí ụ nổi 83M được mua từ năm 2008 nhưng mãi năm 2012 Dũng mới "biết mặt" nó.

Được hỏi tại sao không mua ụ mới mà lại đi rước đồ đồng nát về? Dương Chí Dũng đã trả lời rằng trong nước không đóng được, còn đóng mới ở nước ngoài thì rất đắt. Mua ụ cũ về, chỉ cần sửa chữa lại là có thể khai thác được ngay, sau mấy năm đã có thể thu hồi vốn. Chỉ vì nghèo nên mới phải làm như vậy. Việc ký hợp đồng mua ụ, trả tiền… đều là quyền và nhiệm vụ của TGĐ Mai Văn Phúc.

Thực tế cho thấy cái ụ nổi được đưa về Việt Nam mất tổng cộng 19,5 triệu USD, thuê Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy VN) sửa chữa hết 7 triệu USD nữa rồi… nằm bẹp từ đó đến nay. Khác hẳn vẻ cóm róm của Dương Chí Dũng, khi trả lời HĐXX, Mai Văn Phúc vung chân vung tay như đang chỉ đạo tại hội nghị.

Phúc cho rằng y hoàn toàn nghe lời BQL Dự án và các phòng, ban tham mưu về cái ụ nổi 83 M. Cụ thể là nghe Trần Hữu Chiều báo cáo rằng đoàn khảo đã khảo sát nhiều ụ, nhưng "chỉ có ụ nổi 83M là đáp ứng được yêu cầu của Vinalines, vì nó tốt nhất", và cho đến khi ký lệnh trả tiền cho bên bán, y cũng "chưa được nhìn bộ hồ sơ của ụ nổi 83M", dù trong phụ lục hợp đồng đã ghi rất rõ chỉ khi bên bán cung cấp đủ 18 loại giấy tờ về ụ nổi thì bên mua mới trả tiền.

Phúc cũng "khoe" rằng y đã truy hỏi Trần Hữu Chiều sau chuyến khảo sát ở Nga về rằng "Có khảo sát không? Có gặp chủ ụ không? Vì sao không làm việc với chủ ụ?". Trả lời câu hỏi của HĐXX vì sao lại hỏi những câu đó, Phúc trả lời: "Vì tôi không muốn người đứng giữa ăn quá nhiều". Kết quả là "người đứng giữa - tức Cty môi giới AP - không chỉ ăn nhiều mà còn ăn rất nhiều. Dàn đồng ca đổ lỗi còn được cất lên từ Trần Hữu Chiều cho đến Trần Hải Sơn, Mai Văn Khang…

Có một điều trong cáo trạng khiến dư luận đặt rất nhiều câu hỏi: Trong thương vụ buôn đồng nát này, nếu không có Đăng kiểm viên Lê Văn Dương và 3 cán bộ hải quan Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Triện, Lê Văn Lừng giúp sức, thì Dương Chí Dũng và ê kíp không thể thành công.

Họ không phải cán bộ dưới quyền Dương Chí Dũng. Là những người có kiến thức, họ biết rất rõ việc giúp sức Dương Chí Dũng là phạm pháp, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng vì sao họ vẫn làm? Chắc chắn phải "được gì" họ mới làm chứ không thể làm không? Nhưng cáo trạng hoàn toàn không đả động đến lý do và động cơ phạm pháp của họ. Liệu cơ quan điều tra đã bỏ lọt tội "nhận hối lộ", khi không làm rõ việc này?

Xem thêm
Khởi tố doanh nghiệp đầu độc vườn ao chuồng

Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Gây ô nhiễm môi trường với Công ty TNHH Xây dựng sản xuất và Thương mại Phú Lâm địa chỉ tại Bắc Ninh.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.