| Hotline: 0983.970.780

Xét xử các bị cáo đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài

Thứ Hai 06/01/2014 , 09:40 (GMT+7)

Trong 2 ngày 7 và 8/1/2014, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm công khai, xét xử 7 bị cáo, đều bị VKSNDTC truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” được quy định tại điều 275 BLHS. Người mà các bị cáo tổ chức cho trốn ra nước ngoài là Dương Chí Dũng...

Trong 2 ngày 7 và 8/1/2014, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm công khai, xét xử 7 bị cáo, đều bị VKSNDTC truy tố về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” được quy định tại điều 275 BLHS.

Người mà các bị cáo tổ chức cho trốn ra nước ngoài là Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT TCty Hàng hải Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ GTVT, vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên án tử hình về 2 tội “Tham ô” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong phiên tòa hình sự sơ thẩm từ ngày 12 - 16/12/2013).

Trước khi tường thuật diễn biến của phiên tòa, chúng tôi xin điểm lại quá trình tố tụng của vụ án trên, để bạn đọc tiện theo dõi.

Từ khắc tinh tội phạm đến "bạn" của tội phạm

7 bị cáo trong vụ án gồm Dương Tự Trọng (nguyên Đại tá, PGĐ, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an, em ruột Dương Chí Dũng); Vũ Tiến Sơn (nguyên Thượng tá, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng); Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hải Phòng); Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về môi trường Công an TP Hải Phòng); Phạm Minh Tuấn (nguyên GĐ Xí nghiệp Bạch Đằng - TP Hải Phòng); Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan TP Hải Phòng) và Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, một giang hồ đất Cảng). Trong số đó, Dương Tự Trọng bị coi là “đầu vụ”, bị truy tố theo khoản 3 điều 275, có khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

Dương Tự Trọng có thể nói là người có “nghề công an gia truyền”. Thân sinh của Trọng là cụ Dương Khắc Thụ từng làm Giám đốc Công an TP Hải Phòng nhiều năm, hiện đã 90 tuổi. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Dương Tự Trọng gia nhập lực lượng Công an. Từ một chiến sĩ Công an phường, Dương Tự Trọng được điều chuyển lên Công an quận rồi Công an TP, công tác tại Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội.

Do vị trí địa lý đặc biệt và là một TP công nghiệp, có cảng biển lớn nhất nước, cũng là trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất nước, nên Hải Phòng là mảnh đất khá lý tưởng cho các băng nhóm giang hồ, băng nhóm xã hội đen hoành hành với đủ loại tội phạm. Giang hồ đất cảng luôn luôn là loại giang hồ cộm cán nhất, với những cái tên như Cu Nên, Dung Hà… mà bất kể băng nhóm tội phạm nào trên cả nước khi nghe đến cũng phải kiêng nể hay khiếp sợ. Chính vì vậy mà cuộc chiến chống tội phạm ở Hải Phòng thời nào cũng cam go, khốc liệt.

Và chính tại đây, Dương Tự Trọng đã chứng tỏ được tài năng, bản lĩnh của mình. Suốt một thời gian dài, Dương Tự Trọng đã trở thành khắc tinh, thành nỗi khiếp sợ của bọn xã hội đen. Trên cương vị là Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội rồi PGĐ, Thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng, Đại tá Dương Tự Trọng đã chỉ đạo triệt phá hàng loạt băng nhóm tội phạm cộm cán vào hàng lớn nhất nước, mang lại sự bình yên cho nhân dân.


Dương Tự Trọng (thứ 2 từ trái sang) khắc tinh của tội phạm đất Cảng một thời

Cái tên Dương Tự Trọng trở thành một “thương hiệu lớn” của Công an TP hoa phượng đỏ. Ngoài tố chất hình sự bẩm sinh, Dương Tự Trọng còn được biết đến là một người hào hoa, đầy chất nghệ sĩ, Trọng từng sáng tác thơ, nhạc. Một số bài thơ của Dương Tự Trọng đã được đăng báo.

Thế nhưng không biết tự bao giờ, ông “khắc tinh” của tội phạm lại trở thành "bạn" của một số tên tội phạm đất Cảng, trong số đó có Trần Văn Dũng và Đồng Xuân Phong. Trần Văn Dũng, tức Dũng "Bắc Kạn” là một giang hồ có tiếng ở Hải Phòng, sống bằng nghề bảo kê và tổ chức cờ bạc, từng bị tù về tội buôn lậu và mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Còn Đồng Xuân Phong nguyên là một cán bộ Hải quan TP Hải Phòng nhưng lại là kẻ cầm đầu trong một đường dây buôn lậu lớn từ Singapore về Hải Phòng.

Theo đó, ngày 20/3/2012, Công an và Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh phát hiện một xe đầu kéo vận chuyển 2 container từ cảng Khánh Hội về, đang bốc dỡ và vận chuyển hàng vào kho tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Tiến hành kiểm tra, thấy 2 container đó đều là hàng thiết bị điện được nhập từ Singapore về cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng.

Đơn vị nhập là Cty Thiết bị Y tế Hà Nội do Trần Doãn Tính đại diện. Tuy nhiên giấy báo nhận hàng lại được gửi về địa chỉ thường trú của Đồng Xuân Phong ở Hải Phòng. Ngày 12/3/2012, Tính và đồng bọn đã tổ chức đánh tháo 2 container hàng trên từ cảng Chùa Vẽ ra bằng giấy tờ hải quan giả. Tiếp theo, Tính đã vận chuyển 2 container hàng này vào TP Hồ Chí Minh, và khi đang giao hàng cho Triệu Quốc Đạt để mang đi tiêu thụ thì bị bắt. Từ lời khai của Đạt và Tính, kẻ cầm đầu đường dây buôn lậu là Đồng Xuân Phong lộ diện.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt khẩn cấp Đồng Xuân Phong. Nhưng khi lệnh bắt đến nơi thì Phong đã bỏ trốn. Lập tức lệnh truy nã Phong trên toàn quốc được phát đi. Nhưng dưới sự che chở của Dương Tự Trọng, Đồng Xuân Phong vẫn ung dung “sống khỏe” tại Hải Phòng.

Chính vì “tình bạn” này mà khi anh ruột Dương Tự Trọng là Dương Chí Dũng “gặp nạn”, thì Đồng Xuân Phong và Dũng “Bắc Kạn” đã trở thành 2 kẻ giúp sức đắc lực đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài. (còn nữa)

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm