| Hotline: 0983.970.780

Đường đi và đích đến

Thứ Hai 07/01/2013 , 09:54 (GMT+7)

Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã từng nói với tôi rằng, chính Việt Nam đã vô tình vẽ ra con “ngáo ộp” cây trồng sinh học.

Việt Nam bước đầu thành công với sự kiện chuyển gen trên cây ngô, dư luận xã hội về cây trồng sinh học đã được “bẻ ghi” theo một hướng mới nhưng chặng đường để đưa tiến bộ KHKT của nhân loại này ra SX đại trà, ra thương mại hóa vẫn không ít gập ghềnh. Vậy các nước đã trồng cây chuyển gen, họ có đường đi, nước bước gì đáng để ta học tập?

Tổng thống Obama cũng xài cây trồng sinh học

Nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đã từng nói với tôi rằng, chính Việt Nam đã vô tình vẽ ra con “ngáo ộp” cây trồng sinh học bằng cách: “Đưa những hình ảnh các nhà khoa học cùng lãnh đạo chính quyền mặc quần áo, trùm mũ, găng tay, khẩu trang kín mít, trắng toát như nhà du hành vũ trụ khi bước vào ruộng khảo nghiệm cây trồng sinh học.

Chiếu cận cảnh những tường rào cách ly, những hố chôn, tiêu hủy sản phẩm sau khảo nghiệm, những quy trình nghiêm ngặt để khỏi thất thoát ra ngoài. Nó tạo ra nỗi sợ hãi cho cộng đồng rằng cây trồng sinh học là một thứ gì đáng phải đề phòng, đáng sợ trong khi đó, sản phẩm cây trồng sinh học được nhập vào Việt Nam ồ ạt cả chục năm nay để làm thức ăn gia súc, thậm chí làm thức ăn cho người thì chẳng ai đả động (dầu đậu nành, sữa đậu nành, đậu phụ… làm từ đậu tương chuyển gen)”.

Đem câu chuyện ấy cùng trò chuyện với ông SaLim M. Bootwalla-Giám đốc kỹ thuật-dinh dưỡng gia súc-Tổ chức đậu nành Mỹ, ông gật gù công nhận và khuyên rằng: “Việt Nam không nên dùng thuật ngữ cây trồng chuyển gen mà dùng cây trồng sinh học để tránh những sự lo ngại thái quá trong dư luận, xã hội. Ở Mỹ, các nữ trại chủ không bao giờ muốn chồng mình trực tiếp đi phun thuốc trừ sâu kể cả bằng máy bay.

Nông thôn của chúng tôi phần lớn vẫn phải dùng nước giếng khoan, nông dân bảo đời sống trên vùng đất này, họ không muốn môi trường bị hủy hoại nên quyết định sẽ trồng ngô, đậu tương GMO (giống cây trồng sinh học) để tiết kiệm hàng trăm, hàng nghìn lít thuốc trừ sâu vô cùng độc hại”.

Khái niệm chuyển gen không chỉ có ở trên cây trồng mà còn có ở vi sinh vật, được ứng dụng trong bào chế thuốc, vắcxin. Nước Mỹ đang chiếm khoảng 33% sản lượng đậu tương của toàn cầu. Cây đậu tương sinh học cũng tương tự như một số loại cây trồng sinh học khác, hiện có 3 thế hệ hay còn gọi là cấp độ.

Các loại cây trồng GMO mà Việt Nam đang khảo nghiệm là thế hệ thứ nhất (chống chịu thuốc trừ cỏ, sâu đục thân), ở mức “sơ khai” nhất của công nghệ sinh học. Thế hệ thứ hai của GMO sẽ giúp con người chủ động tăng giá trị của các chất trong thực phẩm như tăng hàm lượng lysine chẳng hạn. Tất nhiên khi một thứ tăng lên sẽ có thứ giảm đi, điều cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh tế để người ta quyết định chọn xem cái tăng đi đó có bù đắp được hay vượt trên những cái giảm đi hay không.

Thế hệ thứ ba của GMO sẽ là áp dụng trong SX thuốc tân dược, sẽ giúp cải thiện quy trình chế biến nhiên liệu sinh học sao cho đạt hiệu suất tối ưu nhất. Đa số các nước trên thế giới đang nghiên cứu và áp dụng cây trồng sinh học ở thế hệ 1, thế hệ 2 còn thế hệ thứ 3 thì mới đang dò dẫm để bước vào.


Ruộng khảo nghiệm ngô chuyển gen

Theo tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định trong 50 năm nữa sản lượng lương thực của loài người phải tăng lên 100% mới đủ đáp ứng cho nhu cầu. Họ cũng phân tích rõ trong đó 20% là tăng từ khai hoang đất, 10% từ tăng năng suất và tới 70% tăng từ áp dụng những công nghệ mới (GMO chỉ là một trong những giải pháp công nghệ mới mà con người ứng dụng).

Theo tôi xu hướng trồng cây sinh học vẫn tăng. Tương lai của cây trồng sinh học là gì? Là nâng cao năng lượng. Là tăng amio axit. Là tăng lysine tức tăng hiệu suất hấp thụ các chất trong thức ăn, giảm các loại đường khó tiêu, giảm các yếu tố phi dinh dưỡng, giảm các chất gây ô nhiễm môi trường.( SaLim M. Bootwalla) 

Một quốc gia chấp nhận thiếu lương thực hay đủ lương thực? Một con người chấp nhận chịu đói hay no? Đáng lẽ anh ăn mỗi ngày ba cái bánh mỳ SX từ cây trồng sinh học hay chỉ bóp bụng ăn một cái bánh mỳ làm từ cây truyền thống? Tất cả phụ thuộc vào sự lựa chọn có hay không.

Ở Mỹ hiện nay sản phẩm từ cây trồng sinh học không chỉ sử dụng làm thức ăn cho gia súc mà còn dùng để ép dầu, chế biến thực phẩm để con người ăn trực tiếp. Các sản phẩm làm từ cây trồng sinh học dù không có quy định bắt buộc nhưng các công ty vẫn tự nguyện dán nhãn khi đưa chúng vào hệ thống phân phối để phân biệt với sản phẩm cây trồng truyền thống khác.

Ở Mỹ không có khái niệm khác nhau giữa cây trồng sinh học và cây trồng truyền thống, giữa sản phẩm nội tiêu và sản phẩm xuất khẩu. Tất cả cùng một thang bậc giá trị như nhau. Đến ngay Tổng thống Mỹ Obama vẫn ăn thực phẩm làm từ cây trồng sinh học đấy thôi.

Thị trường đậu tương của thế giới từ năm 1980-2005 giá có biến động ở mức trung bình trong khoảng cho phép. Sau đó người ta chứng kiến giá đậu tăng vùn vụt, tăng gấp đôi so với chính dự báo của chính Bộ Nông nghiệp Mỹ. Công bằng mà nói nếu không có công nghệ tăng năng suất thì tốc độ tăng giá của đậu tương sẽ nhanh hơn. Giá ngô của thế giới cũng thế, trong khoảng thời gian vừa qua đã tăng gần gấp đôi.

Tôi nhớ đến chuyện Ả Rập định tự túc trồng lúa mỳ. Quốc gia đó lắm tiền nhiều của nhờ khai thác nguồn dầu mỏ nhưng khi đầu tư cho việc trồng lúa mỳ ở nước mình để tự túc lương thực đã đội giá lên gấp 4 lần lúa mỳ nhập ngoại. Sau mấy năm Ả Rập từ bỏ chuyện tự túc lương thực, chuyên tâm vào khai thác dầu mỏ để nhập lúa mỳ. Hiện nay tư tưởng chống cây trồng sinh học đã bước đầu thay đổi. Một số nước trước cấm sử dụng, không SX giờ đã nhập, đã SX. Tất cả vấn đề chỉ còn là thời gian.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: 

Theo tôi, cây trồng sinh học đã được nghiên cứu và kiểm định tính an toàn tại các nước phát triển, có điều kiện khoa học cao như Mỹ. Tại các nước đó, họ đã chứng nhận tính an toàn và cho phép sử dụng rộng rãi thì không có lý do gì một nước có nền khoa học chưa được đầu tư nhiều – mới chỉ chiến 0,3% GDP – so với các nước phát triển là 3 – 5% GDP thì lại cứ đi tranh cãi mãi về tính an toàn.

Về hiệu quả của cây trồng sinh học, bản thân tôi đã đi sang Philippines thăm các ruộng khảo nghiệm thì thấy rất rõ ràng. Ở bên ruộng đối chứng bị sâu hại tàn phá rất nặng nề, có những bắp bị sâu ăn gần hết trong khi ở ruộng biến đổi gen không hề có sâu hại, bắp rất đẹp, hiệu quả rất rõ ràng. Theo tôi, không nên cứ tranh cãi mãi.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.