| Hotline: 0983.970.780

Cơ cấu giống lúa quá bảo thủ

Thứ Năm 15/12/2011 , 14:11 (GMT+7)

Không riêng Hà Tĩnh, ở hàng loạt tỉnh khác người ta vẫn cố tình đưa những giống tầm “trung niên” vào gieo cấy với lý do dân vẫn chuộng...

GĐ Cty giống phải biết chạy điền kinh

Không chỉ ở Hà Tĩnh, người ta cố tình đưa giống lúa IR1820 có từ những năm 1960 của thế kỷ trước vào gieo cấy mà ở nhiều tỉnh khác những giống lúa quá cũ kỹ vẫn chễm chệ nằm trong cơ cấu hết vụ này qua vụ khác, trong khi giống mới công nhận không thiếu vẫn bị gạt ra ngoài…

Chỉ khác ở chỗ, ở Hà Tĩnh lãnh đạo tỉnh chỉ đạo nhấc giống IR1820 ra khỏi cơ cấu nhưng Cty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh và TT Giống cây trồng tỉnh thấy kinh doanh vẫn “ngon ăn” nên bán dấm bán dúi cho dân, bất chấp thời gian sinh trưởng của giống lúa IR1820 dài đến mức kỷ lục: 160-185 ngày. Thông tin này đưa ra khiến không ít người giật mình.

Chẳng lẽ ở một quốc gia XK gạo đứng hạng nhì thế giới, tiến bộ về giống liên tục thay đổi mà có những giống lúa đã đáng “lên lão” vẫn còn có mặt trên đồng ruộng. Nhưng không riêng Hà Tĩnh, ở hàng loạt tỉnh khác thậm chí là những vùng có trình độ thâm canh lúa đứng đầu cả nước như khu vực ĐBSH người ta vẫn cố tình đưa những giống tầm “trung niên” vào gieo cấy với lý do dân vẫn chuộng. Nhưng dân chuộng hay “quan” chuộng thì cần tìm hiểu thêm. Ở những tỉnh này thì chính cơ quan quản lý nhà nước ngăn cản giống mới- khác với Hà Tĩnh.

Nhiều DN giống nói thẳng, hiện có một quy luật bất thành văn nhưng khá rõ ràng chi phối cơ cấu giống lúa các địa phương, đó là nhiều vị lãnh đạo Sở, lãnh đạo tỉnh chỉ muốn đưa các giống lúa cũ (Q5, Khang Dân…) vào gieo cấy cho an toàn, ngại dùng giống mới sợ lỡ mất mùa thì ghế lãnh đạo của các vị lung lay. Với các giống lúa lai lựa chọn đầu tiên thường là giống “tỉnh nhà” tức giống do DN giống cây trồng của tỉnh cung ứng, sau đó đến lượt giống “quan hệ” tức giống của DN ngoài tỉnh nhưng quen biết, gửi gắm lãnh đạo Sở đưa vào cơ cấu. Các giống khác dù tốt, dù mới đến mấy vẫn đứng xếp hàng chờ đó, đợi khảo nghiệm thêm dăm ba vụ cho… chắc ăn. Rào cản vô hình này được dựng lên đã ngăn cản đắc lực nhiều giống lúa mới không thể phát huy tiềm năng trên đồng ruộng, và hậu quả cuối cùng chắc chắn ai cũng biết đó là người nông dân không được hưởng những thành tựu của công nghệ giống. Thật oái oăm!

Nhớ lại khoảng hơn chục năm trước khi lúa lai mới vào Việt Nam, DN giống từng khốn khổ chầu chực ở Cục KN-KL cũ để xin quota nhập khẩu giống lúa lai. Chẳng hiểu hồi đó các cơ quan quản lý Nhà nước nghĩ thế nào mà lại sinh ra cái “giấy phép con” là cấp quota cho mặt hàng đáng lẽ ra cần mở cửa nhanh hơn, rộng hơn để nông dân mình được hưởng tiến bộ giống của nước ngoài như lúa lai. “Đi đêm mò hôm” để có giấy phép đã tróc vi trầy vẩy, công đoạn tiếp theo DN giống nào cũng phải trải qua là xuống từng tỉnh gõ cửa Sở NN-PTNT để quý Sở cho phép đưa lúa lai vào bán. Ngẫm lại thấy kỳ lạ, theo Pháp lệnh Giống cây trồng bất kỳ giống cây trồng nào đã được công nhận giống quốc gia thì DN đều có quyền bán trên phạm vi toàn quốc, thế mà các tỉnh vẫn cố tình “ngăn sông cấm chợ”, không cho DN đưa giống vào tỉnh mình.

 GĐ một DNNK giống lúa lai có tiếng ở Hà Nội giờ đã giải nghệ sau nhiều năm theo đuổi nghiệp lúa lai vẫn chưa quên cảnh đêm tối rét thấu da thấu thịt vẫn phải lần mò đến nhà riêng vị phó Sở phụ trách lĩnh vực trồng trọt của tỉnh N. Đây là tỉnh khá “rắn” trong việc ngăn cản lúa lai. Trời tối như mực, thấy người lạ chó cắn inh ỏi, bà con lối phố tưởng có trộm túa ra. Nhưng thấy mấy vị khách không mời cũng không giống bọn trộm cắp cho lắm nên chỉ ngó ngó, nghiêng nghiêng một hồi rồi ai về nhà nấy. Phải “đi đêm” - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng vì ban ngày đến Sở xin gặp dăm lần bảy lượt nhưng vị phó Sở nọ cứ chối đây đẩy vì đang bận trăm công nghìn việc - nào lên tỉnh họp, nào kiểm tra đồng ruộng... Đành phục kích gần nhà riêng, mãi hơn 21h ánh đèn ô tô chở vị phó Sở về mới lấp lóa đầu cổng. Hồi đó, người ta lấy lý do mỗi tỉnh có cơ cấu giống lúa lai riêng nên giống A chỉ thích hợp đồng đất tỉnh B, giống C chỉ vào được tỉnh D…, nếu DN cố tình vượt biên đưa giống “lạ” vào là Sở NN-PTNT cho thanh tra đi “quét”, nhẹ thì lấy mẫu nhằm gây khó dễ, nặng thì liên ngành bắt bớ.

Sau gần 20 năm, lúa lai đã ghi công trạng trên đồng ruộng miền Bắc thì những tưởng lối suy nghĩ ấu trĩ đó đã qua, té ra đến nay việc cấm cản giống của DN này, ủng hộ giống của DN nọ vào địa bàn các tỉnh vẫn xảy ra như cơm bữa. Tuy nhiên thay vì việc cản trở bằng quyền lực cứng thì người ta lợi dụng quyền lực mềm. Đó là thông qua cơ cấu giống thường được GĐ Sở NN-PTNT phê duyệt mỗi đầu vụ gieo cấy để loại bỏ giống nọ, nâng đỡ giống kia. Bởi hiện nay văn bản phê duyệt cơ cấu giống do Sở NN-PTNT các địa phương ban hành trước mỗi vụ gieo cấy vẫn như một thứ luật tối cao mà các Phòng NN-PTNT cấp huyện vẫn dùng nó để chỉ đạo cơ cấu giống trên địa bàn huyện mình.

 Văn bản trên ai thảo cho GĐ Sở ký? Đương nhiên nó được Trưởng phòng Trồng trọt của Sở khởi thảo trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan như Trung tâm KN, Phòng NN-PTNT các huyện và đương nhiên vị trưởng phòng Trồng trọt không thể bỏ qua các ý kiến chỉ đạo của GĐ Sở, PGĐ Sở phụ trách trồng trọt. Hai vị này quan hệ với DN giống nào, yêu giống A, ghét giống B đều là tín hiệu từ xa định hình việc soạn thảo văn bản phê duyệt cơ cấu giống của tỉnh.

Trong thời buổi KHCN tiến như vũ bão hiện nay, các giống lúa liên tục bị phủ định bởi các giống khác mới hơn, tốt hơn. GĐ một Cty giống thừa nhận, phần đa các giống lúa cả lai và thuần được các DN đưa vào khảo nghiệm và công nhận mấy năm gần đây đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mà những giống ấy bên Trung Quốc đã có tuổi đời cả chục năm, đều làm lễ mừng “thượng thọ” cả rồi mà đưa về Việt Nam vẫn được khảo nghiệm (lúa lai), chọn tạo (lúa thuần) dềnh dàng hàng chục vụ nữa mới công nhận. Chưa hết, giống công nhận xong vẫn bị “om” không đưa vào cơ cấu thì hỏi đến bao giờ chúng ta mới có một bộ giống lúa tiến bộ?

Cũng có trường hợp “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết” khi 2 vị trên không đồng nhất đã gây vô số khó dễ cho trưởng phòng Trồng trọt. Nhiều trường hợp trưởng phòng Trồng trọt còn là cánh tay nối dài của lãnh đạo Sở, từ vị trưởng phòng này đã bắn tin tới tai DN phải “biết điều” nếu muốn đưa giống của DN vào cơ cấu của tỉnh.

Với những tỉnh lớn có diện tích lúa bằng vài ba tỉnh cộng lại thì tín hiệu bắn ra từ cơ quan quản lý ngành trồng trọt địa phương là rất quan trọng, nếu không nói đó là...mệnh lệnh. Thế là nhiều Cty giống lại nháo nhào vào cuộc chạy marathon, ai chạy nhanh, “trường sức” thì cán đích, “sức mỏng” hơn chấp nhận thua cuộc. Vụ sau, năm sau một cuộc chạy việt dã tương tự lại được khởi động… Và trên đường đua ấy không ít DN hỉ hả vì thắng cuộc, cũng có vô số DN thua lấm lưng nhưng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì biết nói gì đây…

Chính vì có tình trạng như vậy nên thời gian vừa qua hàng loạt giống mới được công nhận nhưng rất khó lọt qua khe cửa hẹp là cơ cấu giống các tỉnh ban hành. Mỗi năm Cục Trồng trọt công nhận không dưới 50 giống lúa, nhưng chỉ có 1-2 giống lọt vào cơ cấu, còn lại cứ điệp khúc “trình diễn” hết vụ này qua vụ khác, hết năm này qua năm khác, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của làm hội nghị đầu bờ, in ấn tài liệu, đưa đoàn lớn đoàn bé đi nước ngoài “học tập kinh nghiệm SX lúa lai”…khiến DN rất nản lòng mà không biết bày tỏ cùng ai. Tiền của cứ bỏ ra, giống thì nằm mãi trên bàn giấy, giống của DN người ta chửa chín tháng mười ngày, giống DN mình “chửa trâu, chửa voi” mãi không ra được. Có DN không đủ kiên nhẫn đành bán “lúa non”, tức bán giống đang khảo nghiệm cho DN khác trường vốn hơn để tiếp tục dùi mài kinh sử theo đuổi giấc mơ đặt chân đến cổng trường… đại học.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm