| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát "bột nạc", bảo vệ chăn nuôi

Thứ Tư 11/04/2012 , 10:49 (GMT+7)

"Bột nạc" là tên dân dã của nhóm chất beta-agonist, một nhóm chất có tác dụng tương tự như hoocmon tăng trưởng.

"Bột nạc" là tên dân dã của nhóm chất beta-agonist, một nhóm chất có tác dụng tương tự như hoocmon tăng trưởng. Có hàng chục chất trong nhóm beta-agonist, một số đại diện của nhóm chất này là clenbuterol, sabutamol, ractopamin, cimaterol…

>> Công khai tên cơ sở sử dụng chất tạo nạc
>> Miền Bắc cũng có chất cấm tạo nạc
>> Loạn chất tạo nạc

Sở dĩ các chất thuộc nhóm beta-agonist có cái tên bột nạc vì khi trộn vào thức ăn cho lợn chúng có tác dụng thúc đẩy quá trình phân giải mỡ và tăng trưởng nạc. Với liều 25- 50 mg/kg thể trọng, thân thịt lợn có thể tăng thêm 10-15% nạc và giảm 10-15% mỡ. Ngoài ra con vật còn mau lớn, mông vai nở nang, da dẻ hồng hào, thịt xẻ tươi mầu khá lâu, hấp dẫn cả người thu mua lợn lẫn người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bột nạc có thể lưu lại trong thịt lợn ngay cả khi thịt đã được chế biến (clenbuterol chỉ bị phân huỷ ở nhiệt độ trên 172oC). Tồn dư của bột nạc trong thịt làm cho người tiêu dùng bị trúng độc, các triệu chứng trúng độc càng nguy hiểm đối với người có bệnh tim mạch và tiểu đường.

Các triệu chứng trúng độc đã được tổng kết như sau: Tim đập nhanh hồi hộp, trống ngực mạnh. Khó thở lo lắng, căng thẳng. Run chân tay, đau đầu. Đau ngực, đau bụng, nôn mửa. Giảm đường huyết, giảm kali huyết. Tăng lactate huyết.

Một số vụ ngộ độc do ăn thịt lợn hay gan lợn đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha… Chính vì thế nước ta và nhiều nước khác trên thế giới đã cấm sử dụng “bột nạc” trong chăn nuôi.

Thực ra, một số chất trong nhóm beta-agonist như sabutamol, clenbuterol đã được dùng làm thuốc chữa bệnh hen xuyễn cho người, tuy nhiên dùng với liều cực thấp (liều 10- 20 microgram chia 2 lần mỗi ngày). Trong thú y người ta cũng dùng clenbuterol để chữa bệnh hen xuyễn ở ngựa (tên thương phẩm của thuốc là Ventipulmin, liều sử dụng là 0,8 microgram clenbuterol/kg thể trọng, chia 2 lần mỗi ngày và dùng trong 10 ngày). 

Một lô TĂCN có chứa chất "bột nạc"

Trong ngành thể thao người ta coi clenbuterol là một loại dopping vì một số vận động viên đã sử dụng nó một cách phi pháp để nâng cao thành tích thi đấu, thuốc cũng có tác dụng tăng khối cơ và giảm trọng. Nhà vô địch Tour de France năm 2009 Alberto Contador cũng đã bị cáo buộc là đã sử dụng loại “dopping” này do có dương tính với thuốc khi thử nước tiểu. Tuy nhiên Alberto khiếu nại rằng mình không cố tình sử dụng “dopping” mà chỉ là do ăn thịt bò chứa tồn dư clenbuterol.

Việc sử dụng bột nạc trong chăn nuôi lợn đang làm cho ngành chăn nuôi  lợn gặp khó khăn lớn, người dân đang quay lưng lại với thịt lợn, giá lợn hơi tụt xuống từ 5.000 đến 10.000 đồng nhưng vẫn khó tiêu thụ, nhiều bà con mang lợn ra chợ không bán được đã phải đem lợn về.

Người dân quay lưng lại với thịt lợn do các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và thú y ở một số tỉnh ở miền Nam đã phát hiện thấy ở một số điểm giết mổ, một số mẫu nước tiểu và thịt lợn có tồn dư “bột nạc”.

Việc phát hiện, cảnh cáo và xử phạt nặng người buôn bán, tiêu thụ, chăn nuôi sử dụng bột nạc là cần thiết. Tuy nhiên các biện pháp ngăn chặn, xử phạt cần nghiêm khắc hơn.

Ở các điểm giết mổ cán bộ thú y cần lấy mẫu nước tiểu gia súc gửi về phòng xét nghiệm để đánh giá tồn dư bột nạc như sabutamol, clenbuterol hay ractopamin. Đối tượng kiểm tra là nước tiểu và phương pháp kiểm tra là ELISA. Giới hạn phát hiện của phương pháp ELISA là 1 microgam/kg hay 1ppb. Nếu mẫu nước tiểu có mức trên 1ppb có nghĩa là dương tính với bột nạc.

Trong trường hợp này cần đình chỉ giết mổ, nhốt lợn lại trong thời gian một tuần và xử phạt nặng người mang lợn đến giết mổ. Sau 1 tuần kiểm tra lại tồn dư bột nạc trong nước tiểu, nếu kết quả kiểm tra âm tính thì lợn được phép giết mổ và tiêu thụ, còn nếu vẫn dương tính thì cho tiêu huỷ cả đàn lợn và truy tố hình sự người sở hữu đàn lợn đem đến giết mổ.

Kiểm soát nghiêm ngặt bột nạc và các chất cấm khác trong chăn nuôi không những ngăn ngừa được những hành vi xấu của những kẻ hám lợi mà còn có tác dụng bảo vệ người chăn nuôi chân chính, đảm bảo phát triển chăn nuôi ổn định và an toàn.

Cùng với việc kiểm soát nghiêm ngặt bột nạc nêu trên thì cũng cần tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu thụ thấy lợn “siêu nạc” không phải là lợn được nuôi bằng thức ăn chứa bột nạc.

Bằng công tác giống và thức ăn người ta đã tạo ra được những con lợn “siêu nạc”, những giống này đã được nhập vào nước ta hoặc lai tạo từ những giống “siêu nạc” nhập ngoại. Đó là các giống Yorshire, Landrace, Duroc, Pietrain, PiDu (lai giữa Pietrain và Duroc)… Những giống lợn này có thân hình nở nang, da dẻ hồng hào, thịt hồng hào tươi ngon. Năng suất chăn nuôi của  giống này rất cao, tăng trọng 800- 850g/ngày, thời gian nuôi đến lúc giết thịt 85- 90 kg chỉ có 100- 120 ngày, tỷ lệ nạc thân thịt lên tới 55- 60% (thịt lợn lai giữa lợn ngoại với lợn Móng Cái chỉ đạt gần 40%).

Mặt khác người nuôi cũng nên kết hợp với các cửa hàng bán lẻ hay các siêu thị hợp đồng cung cấp thit lợn không có bột nạc. Cơ quan quản lý về chăn nuôi, thú y và an toàn thực phẩm tại cơ sở là các tổ chức có trách nhiệm giám sát cũng như cấp giấy chứng nhận an toàn cho các sản phẩm giết mổ được bán tại các cửa hàng trên (giấy chứng nhận xác nhận mức ăn toàn về bột nạc chứ không phải chỉ là giấy chứng nhận kiểm dịch thú y).

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.