| Hotline: 0983.970.780

Ở nơi thí điểm tái định cư

Thứ Tư 19/09/2012 , 11:05 (GMT+7)

Sáng sớm từ Hà Nội, vượt quãng đường gần 200km, chúng tôi có mặt tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lúc xế chiều.

Theo một báo cáo của cơ quan chức năng thì hiện nay, hầu hết tại các điểm tái định cư (TĐC) thủy điện Sơn La: đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhiều hạng mục công trình xuống cấp nghiêm trọng, điều kiện sản xuất khắc nghiệt, an ninh trật tự trên địa bàn phần nào chịu tác động đáng kể. PV NNVN đã có chuyến khảo sát đến một số điểm được báo cáo này đề cập để tìm hiểu. 

Ở nơi thí điểm TĐC

Sáng sớm từ Hà Nội, vượt quãng đường gần 200km, chúng tôi có mặt tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lúc xế chiều. Nghỉ một lát, lại hỏi đường vào xã Tân Lập. Tới nơi, chúng tôi được ông Lèo Văn Pâng - PCT UBND xã tiếp và làm việc.

Ông Pâng cho hay: “Xã Tân Lập có 7 điểm TĐC thủy điện Sơn La với 384 hộ là đồng bào từ các huyện Mường La và Thuận Châu chuyển đến. Hiện tại, cuộc sống của đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đất sản xuất quá ít, nước sinh hoạt bẩn. Bà con bản Dọi kêu ca nhiều lắm. Các công trình xây dựng cho dân sinh đến nay xuống cấp nghiêm trọng”.

PV hỏi, đặt cương vị là người dân, ông thấy chính sách TĐC như thế đã thỏa đáng chưa? Ông Pâng trả lời là chưa. “Đồng bào cần được quan tâm hơn nữa về giáo dục và y tế. Điều kiện chăm sóc sức khỏe của đồng bào còn khó khăn do không được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Các điểm trường còn phải học ghép hoặc con em phải đi học xa hàng chục cây số. Một vấn đề khác là QĐ49 của Chính phủ thực hiện chính sách đất đổi đất nhưng khi triển khai ở cơ sở lại giao theo số nhân khẩu nên phần lớn đất của đồng bào TĐC ít hơn nơi ở cũ. Sự chênh lệch này chưa được giải quyết thỏa đáng cho đồng bào” - ông Pâng kiến nghị.


Để viết được bài, các cháu học sinh trường Tiểu học Tân Lập điểm bản Nậm Khao phải đứng dậy

Hiện mô hình thí điểm TĐC tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên và Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tính đến đầu năm 2012, tại điểm TĐC Tân Lập có 27 hộ với 95 nhân khẩu quay về thị trấn Mường La sinh sống; 23 hộ với 72 khẩu tại điểm TĐC Mường Nhé đã quay về Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Khi về nơi ở cũ họ dựng lán trại để ở và tiếp tục phá rừng làm nương rẫy.

Vấn đề này, ông Pâng cho hay: “Do nơi TĐC, đồng bào không hợp với thời tiết, ở đây lạnh hơn. Nơi ở mới chủ yếu là đất đồi mới san lấp nên không thể sản xuất lúa nước được. Đất mới chỉ trồng được ngô. Nơi ở mới không có chợ. Muốn đi chợ đồng bào phải vượt hơn 20km. Trong khi đó ở nơi cũ, đồng bào có điều kiện giao thương thuận lợi hơn. Một vấn đề khác là nơi ở mới đã không còn giữ được một số nét độc đáo phong tục tập quán của họ, mặc dù được tuyên truyền vận động nhưng họ vẫn quyết tâm bỏ khu TĐC để về nơi ở cũ”.

Chia tay ông Pâng, chúng tôi được anh Lò Văn Vững - cán bộ VP UBND xã dẫn vào bản Nậm Khao, khu TĐC được xây dựng theo mô hình thí điểm của dự án thủy điện. Vì là thí điểm nên mấy trăm điểm TĐC sau đó đã không làm theo kiểu như thế này (!?).

Chúng tôi có mặt tại nhà trưởng bản Tòng Văn Thương lúc trời chạng vạng tối. Anh Thương cho hay: “Bản có 5 hộ bán nhà và chuyển về nơi ở cũ rồi, kiên quyết không quay lại khu TĐC. Thanh niên bản có 6 người bị nghiện đang đi cai. Đời sống của bà con khó khăn lắm, nhất là đất đai sản xuất ít và độ dốc cao quá”.

Đi cùng chúng tôi đến một số gia đình còn có các anh trưởng, phó bản và Bí thư Chi bộ Lò Văn Phỏng. Phần lớn nhân dân trong bản đều có chung một suy nghĩ là sống trong những ngôi nhà được xây dựng bằng bê tông hết sức chật chội và bức bí.

“Chỉ làm một phép so sánh sẽ thấy rõ điều đó. Nơi ở cũ, đất nhà nào cũng rộng, nhà cửa thoáng mát. Nay ở nhà thấp nhỏ, xây tường bốn phía, đổ bê tông, chúng tôi thấy không phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào. Phần lớn đồng bào luôn có 3-4 thế hệ ở trong một nhà và gia đình nào cũng đông con. Vào mùa nắng nóng, nhà thấp và lợp bằng phờ- rô xi- măng nên nóng nực lắm. Nhà cửa của dân bản ở san sát nhau nên càng nóng nực. Đặc biệt hiện trạng nhà ở bây giờ đã xuống cấp nghiêm trọng” - một hộ dân kiến nghị.


“Nhà sàn” của đồng bào TĐC bản Nậm Khao

Các điểm trường mầm non và trường tiểu học của bản Nậm Khao hiện gặp nhiều khó khăn. Cô giáo chủ nhiệm lớp mầm non cho hay: “Lớp có 26 cháu, giờ nghỉ trưa, các cháu nhồi nhét vào 3 cái giường con con. Nhìn các cháu thương lắm. Còn các lớp tiểu học, bàn ghế không đảm bảo tiêu chuẩn nên 100% các em khi viết đều phải đứng mà không thể ngồi được do khoảng cách của bàn và ghế quá xa. Đối với các cháu lớp 1, bàn còn quá cao nên khi đứng viết còn phải nhón chân”.

Điều này cũng giống với ý kiến của một quan chức tỉnh Sơn La khi trao đổi với chúng tôi, vị lãnh đạo này nói: “Lúc đầu nhìn vào bản quy hoạch, thiết kế xây nhà thì giống như là phố phường. Song xây xong, dân vào ở thì vẫn là bản. Có điều, nó chỉ phù hợp với cuộc sống của người hưởng lương chứ với đồng bào dân tộc thì không phù hợp khi mà họ muốn chăn nuôi và làm nhiều thứ khác nữa”.

Toàn bộ dân bản không có ngành nghề nào ngoài việc trồng và chăm sóc ngô trong diện tích được giao. Đất trồng ngô ở đồi dốc, bạc màu. Phần lớn dân bản không có điều kiện để đầu tư phân bón nên ngô kém phát triển. Nhiều gia đình thiếu thốn đã phải cầm cố ở các quán, chờ đến vụ ngô mới có trả nên có những gia đình hết vụ ngô là hết cái ăn.

Anh Lò Văn Tám - phó bản liệt kê danh sách số hộ ăn sắn quanh năm cho chúng tôi ghi. Theo anh Tám, số hộ này đã nợ quá nhiều tiền cầm cố gạo ở các quán. Khi vào vụ ngô đã không thể mua được hạt giống và phân bón nên mấy năm gần đây họ hầu như chỉ ăn sắn.

Trong căn nhà của mình, anh Lò Văn Thủy dẫn đoàn xem những chỗ đã xuống cấp như cầu thang, bể nước. Đặc biệt là trên nền nhà thì gạch lát đã bị bong ra. Anh Thủy lật lên từng tấm rồi đặt xuống và nói: “Cán bộ thấy đấy, không hề có một chút xi măng nào bám vào gạch mà chỉ thấy cát. Chỉ cần cái đưa nhẹ của tay là ta có thể tùa được một đống cát lại”.



Trần nhà Lò Văn Lẻ và Lò Văn Thủy, từng tấm bê tông rơi xuống đất

Tiếp lời anh Thủy, ông Phỏng - Bí thư Chi bộ cho hay: “Một lý do mà nợ chồng chất là do người dân không có tiền mặt để thanh toán nên đều phải mất cả tiền lãi với mức 3-4%/tháng. Vì thế nợ nần đối với dân bản hiện nay là bài toán hết sức nan giải. Đất bạc màu, nếu không bón phân thì ngô không phát triển mà cầm cố để mua phân thì bán hết ngô vẫn chưa trả hết nợ”.

Rồi anh Thủy dẫn chúng tôi xuống nhà, ngoảnh cổ nhìn lên trần. Anh bóc từng miếng bê tông của cái dầm trần nhà mà ai thấy cũng có cảm giác rờn rợn về độ an toàn của ngôi nhà. Nhìn nhà của anh Thủy, ông trưởng bản bảo rằng, sự xuống cấp này cũng giống với nhà Lò Văn Hợp, Lò Văn Lẻ và nhiều nhà khác trong bản.

Trở lại câu chuyện với anh Lò Văn Thủy, chúng tôi được biết, ở Nậm Khao, vợ chồng anh được bố trí “nhà sàn” bằng bê tông, lợp phờ- rô xi- măng và một ít đất sản xuất chủ yếu là để trồng ngô. Anh Thủy nói: “Đất bạc màu lắm cán bộ ạ. Độ dốc cao, nhiều đá nên khó làm ăn lắm. Nhiều diện tích đất sản xuất bị sạt lở sau mỗi đợt mưa lớn. Mỗi vụ gia đình trồng chục cân hạt giống nên chẳng được là bao. Hai vợ chồng em lam lũ lắm mà không nuôi nổi bố mẹ già và hai con nhỏ. Nay mẹ già ốm nặng mà không có điều kiện để đi viện”.


Khu đất sản xuất của đồng bào TĐC bản Nậm Khao

Khi chuyển về nơi TĐC, anh Thủy cũng như các gia đình khác đều nhận được gạo hỗ trợ của Nhà nước trong 2 năm đầu. Sau đó, dân bản chỉ cầm cố ở quán rồi đến vụ ngô thì thanh toán. “Nhà em trồng ngô không đủ đổi lấy gạo. Vì thế nợ cứ kéo năm này sang năm khác. Chúng em cũng đầu tư mạnh lắm, cũng mua nhiều phân bón để bón cho ngô nhưng vụ ngô này bán hết cũng chỉ được 18 triệu, trong khi nợ ở quán là 25 triệu. Thú thực với cán bộ, ở đây dân bản nợ nần càng ngày càng nhiều lên và khả năng trả nợ là rất khó. Bây giờ nhà nào cũng nợ ở quán với số lượng nhiều lắm”.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.