| Hotline: 0983.970.780

Lời giải Con Cuông

Thứ Ba 23/10/2012 , 10:05 (GMT+7)

Quản lý gần 85.000 ha rừng, trong đó có 1.000 ha rừng trồng, 74.000 ha rừng tự nhiên. Ở Con Cuông hầu như không có sự tranh chấp hay xâm phạm đến đất đai của lâm trường.

Trong thời điểm đất đai ở các nông lâm trường (NLT) đang là vấn đề nhức nhối, nan giải thì có một nơi gần như đứng ngoài khủng hoảng. Đó là Cty TNHH MTV lâm nghiệp Con Cuông, tiền thân là Lâm trường Con Cuông (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Đâu là lý do mà đơn vị này vẫn đứng vững trong khi ở những địa phương khác NLT đang giãy chết?

Đi trước chính sách gần... 30 năm

Quản lý gần 85.000 ha rừng, trong đó có 1.000 ha rừng trồng, 74.000 ha rừng tự nhiên. Ở Con Cuông hầu như không có sự tranh chấp hay xâm phạm đến đất đai của lâm trường. Tất cả đều nhờ vào sự linh hoạt, nhờ vào những cách làm rất khác người.

Tổ BVR "cây nhà lá vườn"

Giám đốc Cty Lâm nghiệp Con Cuông, ông Nguyễn Đức Sơn vẫn thích được gọi là lâm trường Con Cuông, dù từ năm 2005 đơn vị này đã chuyển đổi thành Cty TNHH MTV.

Trước khi vào Con Cuông tôi đã được gặp và nghe ông Nguyễn Thế Trung, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An ca ngợi rất nhiều về cách làm của lâm trường trong bối cảnh ở nhiều nơi NLT đang ngắc ngoải. Thậm chí, ông Trung còn nói rằng "cần phải có một cuộc hội thảo tổ chức ở Con Cuông để những nơi khác học tập".

Thành tích đáng tự hào, có thể cho phép người ta "nổ", nhưng ông Sơn giữ quan điểm khá đơn giản, thích nói đến những khó khăn hơn là thành tích của đơn vị vừa được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào tháng 6 năm rồi. "Từ khó khăn, lâm trường mới nảy sinh ra những hướng đi, cách làm, những biện pháp phù hợp với thực tiễn. Nói đi trước chính sách cũng đúng, bởi hầu hết những vấn đề mà các thế hệ lãnh đạo lâm trường triển khai sau này nhà nước đều có chính sách tương ứng", ông Sơn nói.

Vị giám đốc lâm trường cũng bảo rằng, tất cả những khó khăn, những vấn đề nhức nhối của các NLT hiện nay thì ở Con Cuông cũng đã từng trải qua, cái khó ló cái cái khôn, có thể khắc phục được, miễn là đồng lòng.


Ông Nguyễn Đức Sơn bên cánh rừng xanh ngút mắt

Ngày 8/2/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 07/2012/QĐ-TTg ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng. Trong đó có những nét mới cực kỳ cần thiết như quy định các chủ rừng có trên 1.000 ha trở lên được thành lập các tổ bảo vệ rừng chuyên trách. Quyết định này được xem là kịp thời để giải quyết bài toán bảo vệ của các chủ rừng trước những vấn đề về lấn chiếm, tranh chấp...

Ít ai biết rằng, cách đây gần 30 năm, Lâm trường Con Cuông đã tự xây dựng mô hình này. Và, thời điểm những nơi khác phải đợi đến lúc Thủ tướng có quyết định mới thành lập thì tổ chuyên trách của lâm trường Con Cuông đã có kinh nghiệm cả chục năm.

Chính xác là những tổ chuyên trách bảo vệ rừng ở Lâm trường Con Cuông ra đời vào năm 1985. Thời mà giám đốc Sơn bây giờ còn là anh tổ trưởng quen sống ở rừng hơn ở nhà. Các tổ này ra đời mang 3 nhiệm vụ chính: Tuyên truyền bảo vệ rừng, tuần tra, kiểm tra rừng và kiểm soát lâm sản. Hiện lâm trường Con Cuông có 4 tổ bảo vệ chuyên trách, mỗi tổ luân phiên từ 3 - 5 người. Mỗi tổ quản lý gần 2.000 ha rừng tại các xã Yên Khê, Châu Khê và Lục Dạ. Chính vai trò của những tổ bảo vệ này quyết định sự sống còn của tập thể lâm trường, cũng như kết hợp với người dân trong đấu tranh chống lâm tặc, bảo vệ rừng.

Với quần áo chuyên dụng, trang võng, roi điện, dùi cui điện, súng cao su..., các tổ bảo vệ chuyên trách được trang bị chẳng khác gì lực lượng kiểm lâm bảo vệ rừng. Bảo vệ ở các tổ phối hợp với 2 chiến sỹ bộ đội biên phòng là thành viên của một đường dây nóng toàn dân để nhận tin báo lâm tặc đang hoạt động, hoặc xâm hại rừng tại khu vực nào để có ngay biện pháp xử lý. Mỗi tổ bảo vệ đều có một cuốn nhật ký ghi diễn biến trong ngày. Hàng ngày theo quy định, vào 16h, các tổ bảo vệ phải báo cáo tình hình bảo vệ rừng và phương án chống lâm tặc về cho lãnh đạo lâm trường.

Đích thân ông Sơn dẫn tôi vào Trạm quản lý BVR số 2 ở trong Trung Chính, xã Châu Khê. Trạm có 4 người, ngoài việc quản lý diện tích rừng của công ty, trạm bảo vệ còn được giao kiểm tra các cột mốc phân định ranh giới với diện tích rừng của người dân.

Việc xây dựng các tổ chuyên trách bảo vệ rừng kết hợp với xây dựng đường biên đã biến diện tích rừng của Con Cuông thành cứ địa bất khả xâm phạm. Lâm trường đã xây dựng đường biên dài 54 km và phát tuyến mở đường biên cũng như cắm mốc để xác định chủ quyền.

"Các thế hệ lãnh đạo của lâm trường Con Cuông đã xác định, ranh giới đất đai là quan trọng nhất. Đã có rừng là phải có đường, đã có đường sẽ có cửa rừng. Đường chính là ranh giới bảo vệ rừng. Chỗ nào có đất nông nghiệp sẵn sàng trả lại cho người dân sản xuất, chỗ nào người dân đã trồng rừng thì trả lại cho chính quyền địa phương. Chính vì vậy, sau khi quy hoạch xong địa đồ, ranh giới, các tổ, trạm bảo vệ ra đời rất thuận lợi trong việc tuần tra, kiểm tra nhờ vào ranh giới rõ ràng, nói cách khác, đất lâm trường được quy hoạch thành một khu riêng biệt", ông Sơn phân tích.

Chính nhờ đường ranh giới và tổ bảo vệ chuyên trách đóng ở các điểm mốc quan trọng, ở lâm trường Con Cuông chẳng có vụ tranh chấp đất đai nào.

Quy ước liên thôn bản

Bên cạnh việc xây dựng tổ chuyên trách BVR "đi trước thời đại", lâm trường Con Cuông còn xây dựng thêm Quy ước liên thôn bản, một loại quy ước bổ sung kiểu chế tài dưới luật để xử lý các trường hợp vi phạm trong khi các quy định của Nhà nước chưa có.


Tổ BVR của cty thường xuyên đi kiểm tra cột mốc

Quy ước liên thôn bản được lâm trường Con Cuông xây dựng dựa trên sự thống nhất của đại diện các thôn, xã và các cơ quan ban ngành liên quan ở huyện Con Cuông dựa trên cơ sở pháp luật và tinh thần tự nguyện của người dân. Đích thân Chủ tịch UBND huyện Con Cuông là người ký bản quy ước trước sự thỏa thuận của lâm trường và đại diện dân các bản. Nhiều người tham gia ký bản quy ước đầu tiên mấy chục năm trước đã thành người thiên cổ nhưng những quy định bảo vệ rừng vẫn còn giá trị đến hôm nay.

Thành lập ngày 1/7/1955, từ tháng 10/2005 Lâm trường Con Cuông chuyển thành Cty Lâm nghiệp Con Cuông và nay là Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Con Cuông. Doanh thu từ 6,38 tỷ đồng năm 2006 tăng lên 11,29 tỷ đồng năm 2011. Rừng tự nhiên của Lâm trường Con Cuông ngày càng phát triển, lan tỏa nhanh với độ che phủ lớn nhất nhì trong toàn quốc. Tổ chức chống biến đổi khí hậu quốc tế đánh giá: Rừng nguyên sinh do Lâm trường Con Cuông quản lý được bảo vệ tốt nhất trong số các đơn vị bảo vệ rừng tốt nhất Việt Nam.

Bản quy ước có những quy định rất "lệ làng" mang tính giáo dục dựa trên tinh thần đoàn kết giữa lâm trường và người dân bản địa. Huyện Con Cuông có 70% là đồng bào dân tộc, chăn nuôi gia súc còn theo kiểu thả rông nên lâm trường phải phối hợp với các thôn bản đề ra quy ước để tránh tình trạng trâu bò, lợn gà vào phá vườn cây.

Quy ước quy định: Tất cả các hộ trong vùng, chăn nuôi gia súc không được phép thả rông, chăn thả đúng địa điểm thôn bản đã quy định. Rừng của lâm trường, rừng của các hộ dân đều được rào chắn thành những vùng riêng biệt. Bản quy ước cũng đưa các phương án xử lý nếu có trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, nhờ công tác tuyên truyền và quy ước liên thôn bản nên chẳng có trường hợp nào phải giải quyết.

Ngoài các quy định về bảo vệ rừng, quy ước liên thôn bản còn có những điều khoản hợp tác, phát triển kinh tế rừng. Lâm trường Con Cuông đã vận động được 436 hộ tham gia dự án trồng rừng nguyên liệu ở 26 bản thuộc 8 xã vùng dự án theo Chương trình 147/CP đạt 100% kế hoạch với 500 ha, tỷ lệ cây trồng sống đạt 95%. Gần 20 năm nay không xảy ra cháy rừng. 100% số hộ gia đình công nhân của công ty và nhân dân trong vùng quản lý của công ty không còn đói nghèo, tỷ lệ khá giàu tăng nhanh nhờ vào việc trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác chế biến lâm sản từ nguồn rừng trồng.

Giám đốc Nguyễn Đức Sơn đúc kết: "Lâm trường muốn phát triển, muốn bảo vệ được rừng, giải pháp quan trọng nhất là phải làm dân vận khéo với bà con đồng bào các dân tộc sống ở vùng liền kề với công ty, liền kề với rừng. Khi nhân dân hiểu, tin, cùng tham gia với công ty thì rừng sẽ tốt, dân sẽ tự giác bảo vệ rừng".

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.