| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập "sào huyệt" gỗ sưa lớn nhất miền Bắc

Thứ Ba 22/09/2009 , 14:15 (GMT+7)

Không phải chỉ bây giờ mà cỡ mươi năm gần đây, Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) đã trở thành một nơi tiêu thụ, chế biến gỗ sưa lớn nhất miền Bắc... Trưởng thôn Nguyễn Đình Tuấn cho biết, nếu chỉ tính về giá trị sử dụng, gỗ sưa ngang với gỗ trắc mà thôi...

Nhìn ngoài, nghề mộc Nhị Khê vẫn bình thường nhưng bên trong là một sự căng thẳng

Không phải chỉ bây giờ mà cỡ mươi năm gần đây, Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) đã trở thành một nơi tiêu thụ, chế biến gỗ sưa lớn nhất miền Bắc...

Nhị Khê là một làng cổ cả ngàn năm, gắn với danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Lịch sử của nghề tiện, mộc của làng cứ như lời các bô lão còn có trước cả thời Nguyễn Trãi  nung nấu kinh sử ở đây. Tương truyền cụ tổ nghề là một kỳ nhân, đến dạy nghề và đi khỏi làng không để lại tăm tích. Dân Nhị Khê chỉ còn biết lấy ngày cụ ra đi 25 tháng 10 để tưởng nhớ tổ nghề: “Sống thì sống đủ trăm năm/Chết thì chết đúng hai nhăm tháng mười”.

Giờ làng có 500 hộ với trên 2.000 dân, nhà nào cũng theo nghiệp tổ với đủ thứ hàng hoá từ sản xuất hạt làm chiếu, vòng, ấm chén, hộp tăm, hộp bút, tượng...bán cả trong nước lẫn xuất khẩu, tổng thu ước trên 10 tỉ đồng/năm. Một “tay trong” của tôi ở làng bảo: “Không phải bây giờ khi sự kiện ầm ĩ về chuyện bắt gỗ sưa ở nhà bà Nghĩa dân làng mới biết mặt mũi loại gỗ quý này mà đây là mặt hàng đã quá quen thuộc rồi”.

Anh Nguyễn Đức Toàn-chủ một cơ sở mỹ nghệ cho biết cách đây chừng hơn chục năm, gỗ sưa nhiều lắm: “Ở mạn Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc hay một số vùng cây sưa mọc đầy. Cây to dân toàn làm cột, làm xà, cây nhỏ làm...cọc chuồng trâu, chuồng bò. Chúng tôi lên mua, họ bán ngay. Hồi ấy, cơ sở nhà tôi mua cỡ cả trăm mét khối gỗ, toàn loại cực lớn về để...phá ra làm đồ mỹ nghệ mini. Cả mấy năm trời, hơn chục thợ thuyền lúc nào cũng kỳ cạch cưa búa. Cái giống gỗ này dễ làm bởi mềm và bền lắm nên toàn chế ra bộ đồ trà, dao, thìa, nĩa... xuất sang Nhật, Trung Quốc với giá chỉ ngang gỗ thường mà thôi”.

Trưởng thôn Nguyễn Đình Tuấn cũng kể nếu chỉ tính về giá trị sử dụng, gỗ sưa ngang với gỗ trắc mà thôi: “Nó không cong vênh, mối mọt nhưng lại có nhược điểm lớn là chóng bạc màu. Gỗ quý càng để càng xuống màu, sẫm lại đằng này gỗ sưa cứ để là bạc phếch ra nên từ xưa ít ai đóng tủ, đóng bàn, đồ dùng bằng gỗ sưa là vì thế, chỉ vườn nhà ai có sẵn sưa mà nghèo mới xẻ gỗ ra sử dụng. Bản thân cây sưa là cây cũng khá đặc biệt, chúng lớn rất chậm, cỡ ba bốn mươi năm thân mới to cỡ cái phích nhưng khi quá già lại bị hiện tượng rỗng ruột, tự tiêu. Tôi thấy mấy cây sưa cổ thụ ở khuôn viên đền Chử Đồng Tử-Tiên Dung (Hưng Yên) trị giá thị trường giờ cả vài chục tỉ cũng đang bị hiện tượng tự tiêu này, xót ruột quá”.

Cách đây chừng vài năm, không hiểu do lý do tâm linh, tín ngưỡng thế nào mà thị trường Trung Quốc “ăn” gỗ sưa rất mạnh. Giá cả tăng vọt, những súc gỗ to giá trị lớn đã đành, ngay cả những đầu thừa đuôi thẹo cũng được dân Nhị Khê tận dụng triệt để. Họ sản xuất đủ thứ hàng từ những mẩu vụn gỗ sưa như tẩu, ba toong, dây tràng hạt, thìa, dĩa, tượng mini...để xuất đi TQ.

Anh Tuấn lễ mễ bê trong cái tủ ở phòng khách nhà mình ra một cái tẩu, một cái thìa và một cái bóp tay để tuần hoàn máu đều bằng gỗ sưa. Nhìn thông thường, gỗ sưa chẳng khác gì gỗ thịt khác, chúng không có màu sắc, mùi vị gì đặc biệt? Tôi hỏi. Anh lẳng lặng lấy con dao Thái Lan nhỏ-loại hay dùng để gọt hoa quả cạo, nạy từng tí trong lõi cái tẩu được một ít vụn gỗ, nói không ngoa còn nhỏ hơn...một tép heroin. Cũng bằng một động tác rất điêu luyện, anh với tay lấy chiếc bật lửa, đi một đường vào nhúm bột gỗ sưa ấy rồi đưa lên cho tôi ngửi. “Chú có thấy mùi gì không? Gỗ sưa khi cháy phát ra mùi thơm hơi hăng rất nhẹ, dân trong nghề ngửi thấy là nhận ra liền”.

Gỗ sưa có mùi đặc biệt thế khi dùng ấm pha trà, tẩu hút thuốc nó có gì khác đồ thường? Tôi hỏi tiếp. Anh Tuấn lúng túng: “Tớ cũng chưa từng thử, mà ngay cả bên Trung Quốc họ mua nhiều thế cũng chỉ để bày lấy phong thuỷ hay tâm linh gì đó chứ có sử dụng mấy đâu”. Một chiếc tẩu, cái thìa, tượng gỗ mini chỉ nhỉnh như ngón chân cái có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng.

Hiện giờ, sau vụ bắt gỗ đình đám kia, tình hình thôn xóm trở nên căng như sợi dây đàn. Qua cái cổng làng cổ kính ngót trăm năm tuổi, qua căn nhà đồ sộ của bà Nghĩa ngay kế bên, tôi vẫn thấy nhiều xưởng mộc ầm ĩ cưa xẻ. Việc ai nấy làm mà, nhưng hỏi đến vấn đề tế nhị là gỗ sưa, tôi luôn bị những ánh mắt “chiếu tướng”. Cũng “tay trong” ở làng cho tôi hay, gỗ sưa lớn bây giờ rơi vào tình trạng im lìm, nếu ai có cũng giấu biệt tăm, biệt tích chứ chẳng gì ngo ngoe ra bởi khác gì “lạy ông tôi ở bụi này” khi công an vẫn đang làm gắt.

Tuy thế, cũng có những cơ sở chế biến vụn gỗ sưa thành đồ thủ công mỹ nghệ nhưng giờ họ cũng kín tiếng lắm. Tôi làm cuộc khảo sát bất ngờ dăm bảy cơ sở, quả thật không thể tìm được tăm tích mặt hàng này. Ngay cả hai cửa hàng mỹ nghệ bám ngay con đường lớn trong làng cũng không hề có một cái tẩu, một cái thìa, tượng mini nào bằng gỗ sưa cả. Tất cả cứ như chìm trong một bức màn nhung, kín mít.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.