| Hotline: 0983.970.780

Trại lợn giống ngoại Thái Dương (Nghệ An): Cả nghìn lợn chết khát

Thứ Tư 23/06/2010 , 11:53 (GMT+7)

Sau khi đập phá, lấp 3 giếng nước ngầm, hàng trăm người dân xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã vây hãm, chặn cổng ra vào làm gần 19.000 con lợn lớn, bé bị thiếu nước và thiếu thức ăn nghiêm trọng...

* Bị đối tượng xấu kích động, hàng trăm người dân xã Đại Sơn đã đồng loạt đòi Cty TNHH Lợn giống Thái Dương phải di dời ngay trại lợn ra khỏi địa bàn xã Đại Sơn(!) 

Sau khi đập phá, lấp 3 giếng nước ngầm, hàng trăm người dân xã Đại Sơn (Đô Lương, Nghệ An) đã vây hãm, chặn cổng ra vào làm gần 19.000 con lợn lớn, bé bị thiếu nước và thiếu thức ăn nghiêm trọng. Đỉnh điểm là hơn 1.000 con lợn lăn đùng ra chết một cách thảm thương. Tổng thiệt hại của DN đã lên tới hơn 3 tỷ đồng.

Hơn chục ngày qua, lãnh đạo Cty như đang ngồi trên đống lửa. Hàng trăm người lao động cũng hết sức hoang mang...Ông Lê Quang Thành, TGĐ Cty CP Thái Dương (SJS) cho biết: Năm 2003, SJS xin cấp phép đầu tư vào Nghệ An để đầu tư xây dựng một Trại chăn nuôi lợn công nghiệp tập trung với quy mô từ 5.000 đến 7.000 con lợn nái giống ngoại nhằm cung cấp lợn giống cho nhu cầu chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ tại các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ. UBND tỉnh và huyện Đô Lương đồng ý cấp cho SJS trên 20 ha đất trên đồi nằm cạnh đập thuỷ lợi Chọ Ràn, thuộc xã Đại Sơn, huyện Đô Lương để xây dựng trại lợn với quy mô 7.000 con lợn nái. 

Một trong số 3 giếng nước ngầm đã bị phá huỷ

Sau khi được cấp đất, SJS đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để san đồi, xây dựng hệ thống chuồng trại, thuê chuyên gia Thái lan về xây dựng 2 bể biogas thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam để xử lý chất thải và thu khí mêtan...phục vụ cho máy phát điện. Do vị trí nằm trên khu vực khan hiếm nguồn nước ngầm nên SJS đã phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng để thuê ngành địa chất dùng các thiết bị thăm dò hiện đại tìm nguồn nước ngầm để khoan giếng phục vụ cho trại chăn nuôi. Năm 2004, sau khi đưa các thiết bị và công nghệ chăn nuôi của châu Âu về Đại Sơn, SJS đã đầu tư thêm 100 tỷ đồng để nhập nội 3 giống lợn ngoại siêu nạc từ Canada về trại và bắt đầu chính thức hoạt động...

Xe chở nước đến tiếp tế cho đàn lợn

Thế nhưng cho đến nay, quy mô đàn lợn nái ngoại tại Trại chăn nuôi Thái Dương chỉ mới dừng lại ở 3.000 con lợn nái (gần nửa quy mô được cấp phép), số còn lại (khoảng 16.000 con) đều là lợn con đang bú và lợn choai chuẩn bị xuất chuồng (trọng lượng từ 7 đến 18kg/con). Tuy nhiên, do hệ thống xử lý nước và chất thải vẫn không đáp ứng được lượng chất thải hàng ngày đàn lợn thải ra nhất là khi hệ thống máy phát điện dùng khí biogas bị hỏng, đường ống dẫn chất thải ra khu vực hố ga bị vỡ đã làm cho nguồn nước và chất thải tràn xuống đập Chọ Ràn khiến môi trường (không khí, nguồn nước mặt hồ đập Chọ Ràn, nước ngầm) quanh khu vực từ xóm 7 đến xóm 10 ô nhiễm.

Lợn chết hàng loạt phải tiêu huỷ

Đây là lý do khiến dư luận ở xã Đại Sơn, nhất là các xóm cạnh khu vực trang trại bức xúc. Vài năm gần đây, huyện Đô Lương đã kiểm tra, lập biên bản, nhắc nhở, giao trách nhiệm cho SJS tìm giải pháp khắc phục. Năm nay, Nghệ An bị đợt hạn hán lịch sử nên nguồn nước và chất thải từ trại lợn chảy ra đập Chọ Ràn đã bị cô lại. Bởi thế, từ ngày ngày 12 đến 14/6/2010, một số đối tượng đã kích động hàng trăm hộ dân các xóm 7, 8, 9 và 10 xã Đại Sơn đến ngăn cản không cho vận chuyển thức ăn vào trại, nguy hiểm hơn họ còn hè nhau khiêng đá hộc lấp hệ thống mương cấp nước, hố chôn cột điện 35KV vào trang trại, một số phần tử quá khích đã vượt qua hàng rào vào khu vực chuồng trại đập vỡ 17 tấm kính chống nóng cho lợn.

Sau đó họ kéo ra cánh đồng lúa, nơi đặt các giếng khoan lấy nước ngầm và hệ thống đường ống dẫn nước vào trại chăn nuôi họ vừa cắt đường dây tải điện, đập gãy hệ thống cột điện từ trại ra từng giếng và phá huỷ hoàn toàn 3 giếng nước ngầm, ném gạch đá vào ống khoan để không thể khắc phục được nữa. Chưa hết dân còn kéo đến cổng ra vào trại không cho xe vận chuyển thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khác vào trại. Bởi thế 19.000 con lợn con, lợn choai và lợn nái đã bị thiếu nước, thiếu thức ăn nghiêm trọng. Do nắng nóng và không có nước uống, lại bị cắt điện giữa cái nắng hơn 40 độ C ở vùng Đô Lương nên chỉ trong 5 ngày (từ ngày 13/6 đến 18/6/2010) đã có hàng trăm con lợn con và lợn choai và lợn nái đã chết khát một cách thê thảm. Cho đến ngày 19/6/2010, tổng số lợn con, lợn choai và lợn nái bị chết khát đã xấp xỉ 1.000 con.

Lợn chết hàng loạt phải tiêu huỷ

Điều chúng tôi lấy làm lạ là không hiểu vì sao những kẻ bao vây trại lợn Thái Dương lại có số máy di động của hầu hết các vị lãnh đạo Cty SJS và từng lái xe chở thức ăn, chở nước...Bởi thế, họ liên tục gọi điện dùng những lời lẽ thô bỉ để ngăn cản, thậm chí dọa nếu ai chở nước, chở cám vào trại thì sẽ bị họ “cắt tiết” nên không ai dám làm, những người to gan nhận làm việc đó thì ra giá vận chuyển rất cao.

Hơn 10 ngày qua, lực lượng CA huyện Đô Lương đã phải cử hàng chục cán bộ, chiến sỹ liên tục bám sát địa bàn để ngăn chặn tình huống xấu có thể xẩy ra. Thế nhưng khi thấy bóng lực lượng CA thì họ tản ra, nhưng khi CA đi khỏi là tình hình lại phức tạp trở lại...

Ông Vũ Tiến Chinh, GĐ Cty TNHH giống lợn Thái Dương nét mặt vẫn chưa hết bàng hoàng nói với chúng tôi: Mấy ngày đầu thiếu nước, nhìn thấy cả đàn lợn nái thở dốc mà thấy xót xa, số lợn mới đẻ cứ nằm sấp xuống nền xi măng không chịu cho con bú, thiếu nước, thiếu ăn chỉ 2 -3 ngày khiến đàn lợn chết như ngả rạ. Hàng trăm công nhân hoang mang không biết xử trí ra sao. Lãnh đạo Trại đã điện thoại báo cáo khẩn cấp cho lãnh đạo Cty SJS và các cơ quan chức năng ở huyện và tỉnh Nghệ An nhờ can thiệp nhưng tình hình vẫn không sáng sủa được mấy.

Để tránh thiệt hại khôn lường cho SJS, đích thân ông Lê Quang Thành, TGĐ đã phải lập tức vào Nghệ An “trực chiến”. Ông Thành phải gõ cửa Ban giám đốc CA tỉnh Nghệ An kêu cứu và ký hợp đồng với lực lượng cảnh sát PCCC để đơn vị này trực tiếp vận chuyển nước máy từ TP Vinh lên tiếp tế cho đàn lợn. Nhờ đó, đến ngày 18/5/2010, số lượng lợn chết khát mới được chặn đứng. Tuy nhiên, chi phí công vận chuyển nước từ TP Vinh lên trại lợn đã khiến Cty SJS mất thêm bình quân 40 triệu đồng/ngày với giá nước gần 200.000đồng/m3...

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.