| Hotline: 0983.970.780

Đói vốn

Thứ Năm 14/10/2010 , 13:15 (GMT+7)

Từ lâu, các lâm trường ở Yên Bái đều thiếu vốn trầm trọng, triển khai bất cứ một dự án nào cũng đều phải vay ngân hàng, vốn tự có hầu như chẳng có. Mọi thứ của nả, từ trụ sở làm việc, NM đến xe ô tô… đều đã “cắm nợ” với ngân hàng. Chưa lúc nào họ lại thiếu vốn như lúc này, nhiều lâm trường đang lả đi vì khát vốn…

Cơ sở chế biến giấy đế xuất khẩu
Từ lâu, các lâm trường ở Yên Bái đều thiếu vốn trầm trọng, triển khai bất cứ một dự án nào cũng đều phải vay ngân hàng, vốn tự có hầu như chẳng có. Mọi thứ của nả, từ trụ sở làm việc, NM đến xe ô tô…đều đã “cắm nợ” với ngân hàng. Chưa lúc nào họ lại thiếu vốn như lúc này, trên con đường vạn dặm của nền kinh tế thị trường, nhiều lâm trường đang lả đi vì khát vốn…

>> Toa thuốc nào cho những NLT bên bờ vực phá sản?

Tổng số nợ của LT Văn Yên đến ngày 2/8/2010 theo báo cáo của Sở Tài chính Yên Bái là 11,4 tỷ. Trong đó dư nợ dự án chè mà lâm trường vay của Chi nhánh Ngân hàng ĐT- PT Yên Bái là 1,676 tỷ, dư nợ lãi 713 triệu. Theo bà Nguyễn Thị Kim Nga- Trưởng phòng Tín dụng: Đây là món vay chỉ định, không phải thế chấp. Lâm trường mang số tiền đó cho nông dân vay trồng chè, họ thế chấp với lâm trường bằng đồi chè. Đến nay toàn bộ số dư nợ vốn vay và lãi đều là món nợ khó đòi. NH đã phối hợp với lâm trường vận động người dân trả tiền cho NH. Khổ nỗi, đồi chè của họ đã trở thành đồi chè…vè rồi.

Sự khốn khó của LT Văn Yên chưa bao giờ lại bi đát như lúc này. Hơn 500 ha đất bị xâm lấn, lâm trường chỉ còn chủ động trồng, kinh doanh trên diện tích 200 ha, NMSX giấy đế còn nhúc nhắc làm ra tiền, nhưng vì ô nhiễm môi trường, dân kêu la, cơ quan chức năng yêu cầu xây dựng hệ thống nước thải đúng tiêu chuẩn mới cho SX.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, GĐ: Nếu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tốn trên 1 tỷ đồng. Lâm trường chẳng có tiền, nên đành phải đóng cửa NM. Hiện lâm trường đang đề nghị tỉnh cho phép lâm trường giải thể, khi đó sẽ thanh lý NM giấy…Ngày 2/6/2010 UBND tỉnh Yên Bái có QĐ số 790/QĐ-UBND thu hồi của LT Văn Yên 9.356.395,4m2 (935 ha) đất nông nghiệp giao cho Cty CP Cao su Yên Bái để trồng cao su đại điền. Ông Nguyên cho PV NNVN biết: Hiện cán bộ và công nhân lâm trường đang trồng cao su thuê cho Cty CP Cao su Yên Bái…

Ông Phạm Đăng Hân, PGĐ LT Yên Bình cho biết: Tôi mới được giao nhiệm vụ phụ trách lâm trường từ 1/8/2010 trong tình trạng két không còn một xu. Trong khi đó nợ ngập đầu, nợ Ngân hàng Phát triển 3,9 tỷ, Ngân hàng Chính sách 100 triệu, Cty Việt Nhật 57 ngàn USD (tương đương 1,1 tỷ), nợ cá nhân 439 triệu, Kho bạc nhà nước 157 triệu, nợ lương 500 triệu. Không còn một thứ gì đáng giá là không gá nợ với ngân hàng. Chiếc xe ô tô trị giá 300 triệu cũng đã thế chấp với Ngân hàng ĐT- PT để vay 200 triệu. Đến nay thì không ngân hàng nào dám cho vay, không nhìn vào đâu ra tiền, rừng thì chưa đến tuổi khai thác, khu rừng nào khai thác được thì mấy năm trước GĐ cũ cho khai thác hết rồi. Không có vốn thì chẳng làm gì được, ngay đến việc mua gỗ nguyên liệu làm dịch vụ cho một số đơn vị đã có hợp đồng cũng phải có tiền. Chẳng còn cách nào khác, chúng tôi phải lấy nhà của mình ra thế chấp với ngân hàng, giật gấu vá vai để tồn tại đã…

LT Yên Bình đã ký hợp đồng với Cty Việt -Nhật (ViJachip CL) mua gỗ nguyên liệu cho đơn vị này làm ván dăm. Tiền thì đã vay 26.000 USD để trồng 200 ha rừng, nợ trả bằng sản phẩm, Cty Việt-Nhật hứa tiếp tục cho vay vốn, nhưng phải có sản phẩm. Lâm trường hiện chẳng có một xu để mua gỗ giao cho họ, thành ra họ chưa sẵn sàng giải ngân nốt số tiền đã ký. Ông Hân cho biết: Tôi đành thế chấp nhà của mình trước, vận động mọi người ai có tiền thì cho lâm trường vay, không chỉ lấy tiền trồng rừng mà để mua gỗ. Làm dịch vụ cho Cty Việt-Nhật có lãi chút ít để có lương cho anh em, nếu không thì chẳng còn cách nào khác, chết đói cả nút…

So với LT Yên Bình, LT Thác Bà có khá hơn, nhưng cũng trong cảnh túng thiếu. Ông Vương Quốc Đạt, GĐ than thở: LT Thác Bà từ chỗ quản lý 13.000 ha rừng phòng hộ, cán bộ chỉ đạo được hưởng lương từ nguồn ngân sách 6%. Nay bàn giao sang Ban quản lý mới, số cán bộ đang làm công việc đó hiện chưa tìm ra việc làm. Trước đây, khi giá gỗ ổn định, bán cây đứng bình quân được 50 triệu/ha, từ quí III/ 2008 đến nay giá gỗ thấp, bán cây đứng bình quân chỉ được 35 triệu/ha. Đã 5 năm nay lâm trường không được vay vốn ưu đãi dài hạn để trồng rừng, phải vay vốn ngắn hạn, lãi suất cao. Chu kỳ rừng trồng từ 6-7 năm mới được khai thác, vay vốn ngắn hạn thì không chịu nổi. Nhưng chẳng còn cách nào khác, thành ra lâm trường cứ lỗ triền miên…

Ông Ngô Phạm Khái- GĐ Xí nghiệp bức xúc: Chúng tôi chưa gặp một khách hàng nào lại chây ỳ như LT Lục Yên. Xí nghiệp đã nhiều lần cử người xuống đòi nợ, họ hứa hẹn đủ kiểu cuối cùng thì chẳng trả đồng nào. Không còn sự lựa chọn nào khác, buộc chúng tôi phải đưa họ ra toà thôi…
Trong 7 lâm trường, thì LT Lục Yên rơi vào cảnh bi thảm nhất. Không chỉ nợ quá hạn Ngân hàng Phát triển 6,347 tỷ, mà lâm trường còn nợ Ngân hàng ĐT- PT 5,703 tỷ. Nợ nần tứ tung, tổng số nợ theo báo cáo của Sở Tài chính mà lâm trường phải trả là 25,5 tỷ, trong đó có 8 tỷ nợ quá hạn. “Túng phải tính”, lâm trường đã phải bán xưởng chế biến chè để có tiền trả nợ. Không những thế, lâm trường còn nợ Xí nghiệp Phân bón hoá chất Lào Cai hơn 500 triệu do mua 100 tấn phân bón cho dự án chè từ tháng 1/2008. Đến nay, số tiền đó vẫn chưa trả được.

Hai lâm trường được coi là còn “máu mặt” đó là LT Ngòi Lao và LT Việt Hưng. Ngòi Lao có nền tài chính khá vững chắc, hiện chỉ nợ Ngân hàng Phát triển 605 triệu chưa đến hạn trả, ngoài ra không nợ ngân hàng nào khác. Trả lời chúng tôi về món số nợ 6 tỷ mà báo cáo của Sở Tài chính Yên Bái đã nêu, ông Mai Văn Hoàng, GĐ LT Việt Hưng cho biết: Hiện chúng tôi chỉ còn nợ 2,904 tỷ. Trong đó nợ Ngân hàng Phát triển 1,699 tỷ, Ngân hàng Đ- PT 1,205 tỷ. Năm 2010 lâm trường trồng 70 ha, nhu cầu vay vốn để trồng rừng là 1,5 tỷ. Bây giờ thì không thể vay vốn ưu đãi dài hạn được, chúng tôi cũng khát vốn lắm, nhưng phải tìm nguồn vốn khác để mà trồng rừng thôi… (Còn tiếp)

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 1] Cây chết dần chết mòn vì thiếu nước

Khoảng 30ha rừng ngập mặn tại hai xã Nghĩa Lợi và Phúc Thắng (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) gần một tháng qua rơi vào tình trạng khô hạn, không có nước vào, ra.