| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Nguy cơ giải thể một đơn vị anh hùng

Thứ Hai 20/02/2012 , 10:25 (GMT+7)

Nguyên nhân bắt đầu từ việc tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định giải tán một số lâm trường để rồi tách tách, nhập nhập, sau đó là chuyện bán đấu giá cây đứng thiếu lộ trình…

Phát triển rừng ở Hương Sơn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt

Hơn 1 năm nay, không hiểu từ nguyên nhân nào, tỉnh Hà Tĩnh lại ra quyết định giải tán một số lâm trường để rồi tách tách, nhập nhập, sau đó là chuyện bán đấu giá cây đứng thiếu lộ trình…

Ngày 29/9/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 30/2011/QĐUB, ban hành Quy chế bán đấu giá cây đứng trong khai thác gỗ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, hệ lụy làm cho 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn (Cty LN&DV Hương Sơn, trước đây là Lâm trường Hương Sơn) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Chúc A (Cty LN&DV Chúc A, trước  gọi là Lâm trường Chúc A) lao đao, nguy cơ giải thể.

Trở lại chuyện bán đấu giá cây đứng

Thực tế trước đó, khi Sở NN-PTNT phối hợp cùng với Sở Tài chính Hà Tĩnh chuẩn bị tiến hành làm các thủ tục để đưa ra bán đấu giá cây đứng trên rừng tự nhiên đã gây bức xúc đối với cán bộ, CNV cả hai đơn vị lâm nghiệp này. Thời gian đó, Báo NNVN đã phân tích bất cập trong chủ trương bán đấu giá trên (bài “Lùm xùm bán đấu giá cây rừng ở Hà Tĩnh”, NNVN số 136 ra ngày 14/4/2011).

Bài báo phản ánh, không nên lấy tài nguyên rừng ra đấu giá bởi nguy cơ tàn phá rừng rất cao. Trong lúc đó cả 2 đơn vị trên đang tập trung thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT, chọn Hà Tĩnh là 1 trong 9 tỉnh của cả nước lập đề án xây dựng rừng bền vững. Sau mấy năm trăn trở, cả 2 đơn vị đã hoàn tất phương án, được Bộ NN-PTNT thẩm định tại văn bản số 570-BNN-TCLN ngày 4/3/2011 và được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 1196 QĐ-UBND ngày 8/4/2011 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn ký.

Trong phương án quản lý rừng bền vững của Cty LN&DV Hương Sơn có ghi, tổng diện tích Cty quản lý 38.448 ha (trong đó rừng sản xuất 13.641 ha, phòng hộ 24.332 ha, đất khác 437,8 ha) nằm trên địa bàn 5 xã: Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 và thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn với tổng trữ lượng gỗ đạt trên 6 triệu m3. Vì thế, như phương án đã được phê duyệt thì đơn vị được phép tự tổ chức khai thác theo quy trình khai thác tác động thấp đúng quy định hiện hành về khai thác lâm sản; đồng thời tự tổ chức giám sát thường xuyên để khai thác không vượt tăng trưởng của rừng và đáp ứng được yêu cầu ổn định trong cả luân kỳ thì sản lượng khai thác bình quân mỗi năm Cty được phép khai thác tối đa là 6.700 m3.

So sánh với phương án xây dựng quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt, việc khai thác gỗ điều tiết rừng của Cty này bình quân mỗi năm được giao chỉ tiêu trên dưới 5.000 m3 (hàng năm mở cửa rừng khai thác từ tháng 4 và đến tháng 8 thì kết thúc). Cách điều tiết này đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng trăm lao động sống gắn bó với nghề rừng, đồng thời khai thác để đầu tư trở lại cho sự nghiệp bảo vệ, phát triển rừng ngày càng bền vững hơn.

Một cán bộ Cty LN&DV Hương Sơn cho rằng, khai thác gỗ là nghề truyền thống của Cty, có khai thác mới tạo được việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động sống chết với rừng bao đời nay cũng như nhân dân trên địa bàn. Khai thác luôn gắn với công tác lâm sinh, nhờ đó rừng phát triển bền vững, vậy mà không hiểu sao tỉnh lại đề ra chủ trương bán đấu giá cây đứng gây nên chuyện lùm xùm, dẫn đến chỉ tiêu khai thác năm 2011 của Cty không được thực hiện, và theo đà này, năm 2012 tương tự, tất cả công nhân sẽ “treo niêu”.

Quá nản, giám đốc từ chức

Phương án quản lý rừng bền vững đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt ngày 8/4/2011, cho Cty LN&DV  Hương Sơn thực hiện, nhưng lạ thay, chỉ sau 6 ngày ký QĐ phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững thì ngày 14/4/2011, cũng chính Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ra công văn giao cho Cty này xây dựng phương án bán đấu giá cây đứng! Quy trình bán đấu giá cây đứng phải thực hiện nhiều công đoạn, cần có nhiều thời gian mới đi vào khai thác được.

Thế nhưng chỉ đạo của Sở NN-PTNT là buộc Cty phải tạm dừng kế hoạch khai thác gỗ hàng năm để thực hiện phương án bán đấu giá cây đứng (ai trúng thầu người đó được khai thác). Quy trình bán đấu giá cây đứng chưa làm kịp, vì thế, hơn 1 năm qua Cty không được khai thác tấc gỗ nào, dẫn đến công nhân mất việc làm, Cty không có tiền bảo vệ rừng, trả lương và đóng bảo hiểm cho người lao động khiến nhiều nhân viên bảo vệ rừng phải nghỉ việc. Cứ thế, cả một thời gian dài, toàn bộ hệ thống công việc của Cty gần như tê liệt bởi không thể tiếp tục vay tiền ngân hàng để trả lương, trả BHXH, một số bộ phận tìm việc khác mưu sinh.

Ngày 29/11/2011, Cty LN&DV Hương Sơn đã làm báo cáo gửi tỉnh và Sở NN-PTNT đề nghị lãnh đạo Sở và tỉnh cho định hướng để doanh nghiệp biết mình sẽ phải đi theo con đường nào: “Ổn định để phát triển hay giải thể, phá sản?” (trích nguyên văn đơn). Trước tình cảnh này, Sở NN-PTNT Hà Tĩnh đã tham mưu UBND tỉnh triệu nhiều cuộc họp để nghe ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, CNV, các cuộc họp cứ kéo dài nhưng vẫn bế tắc, quá chán nản, giám đốc Cty Hồ Phúc Đồng đệ đơn từ chức.

Là người tâm huyết và đã gắn bó gần suốt cuộc đời với đơn vị nhưng ông Đồng phải ngậm ngùi bỏ cuộc bởi, theo cơ chế đấu giá đề ra, thì Cty không thể thực hiện được vì không đào đâu ra 5 tỷ nộp vào để được tham gia đấu giá. Trong lúc đó, các ngân hàng cũng đã đóng cửa giao dịch với Cty, và nữa với phương án đề ra, nếu có trúng thầu thì khi thực hiện cũng dễ bị thua lỗ…

Giám đốc cũ từ chức, Phó giám đốc được đưa lên thay thế, cũng là lúc tết đến nên việc đầu tiên là phải tiếp tục đi vay tiền để phát cho mỗi người 300 ngàn đồng ăn tết cho đỡ xót xa. Và đến nay, khi thời điểm khai thác rừng theo định kỳ hàng năm đã cận kề nhưng mọi việc chuẩn bị cho khai thác của Cty này vẫn đang nằm đâu đó trên các bàn giấy.

+ Công ty LN&DV Hương Sơn được thành lập năm 1959. Hơn 60 năm hoạt động, Cty luôn là con chim đầu đàn của ngành lâm nghiệp Việt Nam, hai lần được tuyên dương Anh hùng: Anh hùng trong kháng chiến và Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc liên tục nhiều năm, được Bộ NN-PTNT, tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều phần thưởng cao quý khác, hiện đứng trước nguy cơ giải thể vì những chính sách bất cập trong khai thác rừng của tỉnh.

+ Một cán bộ Cty LN&DV Hương Sơn bức xúc, Hà Tĩnh đang làm ngược chủ trương của Chính phủ trong chính sách khai thác gỗ và lâm sản là “đảm bảo quyền tự chủ của chủ rừng trong sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững đã được duyệt”. (Quyết định 57/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm