| Hotline: 0983.970.780

Sẽ chỉ dạy những gì gần gũi

Thứ Năm 31/10/2013 , 10:13 (GMT+7)

Với đổi mới chương trình sách giáo khoa từ năm 2016, Bộ GD-ĐT cho biết học sinh sẽ không còn phải học kiểu “học đi học lại”, “lớp sau học lại lớp trước”, toàn kiến thức cao siêu xa vời thực tế.

Trong đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” vừa được Bộ GD-ĐT hoàn thành vào đầu tháng 10 vừa qua có 2 điểm đáng chú ý là đổi mới chương trình sách giáo khoa và đổi mới việc thi cử, kiểm tra. 

Với đổi mới chương trình sách giáo khoa từ năm 2016, Bộ GD-ĐT cho biết học sinh sẽ không còn phải học kiểu “học đi học lại”, “lớp sau học lại lớp trước”, toàn kiến thức cao siêu xa vời thực tế. Vậy sách giáo khoa sẽ dạy học sinh những gì sau khi đổi mới? 

CHỌN LỌC NHỮNG THỨ GẦN GŨI 

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì trong dự thảo đổi mới, dự kiến chương trình sách giáo khoa được thiết kế theo hướng phân hóa để phát huy năng lực riêng từng học sinh đồng thời tránh quá tải như hiện nay. 

“Điểm cốt lõi là xây dựng một chương trình phát triển năng lực của người học. Chương trình hiện hành đang tiếp cận theo hướng chạy theo khối lượng kiến thức, nặng tính hàn lâm, không giúp người học hình thành thái độ, kỹ năng xử lý những tình huống trong cuộc sống cũng như phát huy năng lực.

Chương trình sách giáo khoa mới sẽ tích hợp cả kiến thức, thái độ lẫn kỹ năng một cách thống nhất nhuần nhuyễn để có thể giúp học sinh vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống”, ông Hiển nói.


Đổi mới sách giáo khoa đang được các bậc phụ huynh quan tâm nhất hiện nay

Như vậy, chương trình sách giáo khoa mới tiếp cận theo hướng đòi hỏi học sinh làm/vận dụng được gì hơn là học sinh biết những gì, tránh được tình trạng học sinh học kiến thức rất nhiều nhưng làm/vận dụng không được bao nhiêu; biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật. 

Trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, thành viên thường trực Ban soạn thảo đổi mới chương trình sách giáo khoa cho biết với hướng chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của người học, nội dung chương trình - sách giáo khoa tất yếu sẽ không thể hàn lâm, cao siêu, xa rời thực tế đời sống. 

“Nói như thế không có nghĩa chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 sẽ dễ hơn bây giờ, dẫn tới việc “hạ cấp trình độ phổ thông” so với hiện nay mà nội dung chương trình sách giáo khoa sẽ chỉ chọn lọc những kiến thức cơ bản nhất, tinh túy, gần gũi nhất với người học, với những gì diễn ra trong đời sống”, PGS Đỗ Ngọc Thống nói. 

Song ông Thống cũng lưu ý rằng những kiến thức cơ bản, gần gũi đó phải đóng vai trò hình thành năng lực cho người học như năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực giao tiếp, giải quyết vấn đề, ứng xử với những tình huống phát sinh trong cuộc sống (kỹ năng sống). Ban soạn thảo sẽ hạn chế tối đa việc đưa vào chương trình sách giáo khoa những kiến thức chưa cần thiết đối với người học ở bậc phổ thông. 

Theo ông Thống, việc thay đổi nội dung sách giáo khoa không những khiến người học thay đổi về cách học (vận dụng nhiều ví dụ trong thực tế) mà còn khiến giáo viên thay đổi về cách dạy. Thay vì truyền giảng kiểu đọc – chép thì giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở học sinh tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề để có được kiến thức, tăng tính chủ động của học sinh. 

GIẢM SỐ MÔN HỌC, CẶP HỌC SINH CÒN NHỮNG GÌ?

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đi liền với việc thay đổi hướng tiếp cận của nền giáo dục như trên khiến sách giáo khoa được thay đổi về kiến thức, nội dung thì thiết kế chương trình dạy dự kiến có bước đột phá. Theo đó, thay vì dạy nhiều môn cùng lúc như hiện nay, các môn sẽ được dạy tích hợp khiến số môn học giảm đi, nội dung không chồng chéo, tránh tình trạng “học đi học lại”, lớp sau học lại lớp trước. 

Tại hội thảo về hệ thống môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015 tổ chức trong hai ngày 26 và 27/10 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết căn cứ định hướng cấu trúc một số môn học, Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau 2015 đưa dự kiến số môn học và các môn học cụ thể ở từng cấp học, lớp học như sau: 

Cấp học

Chương trình hiện hành

Chương trình bắt đầu từ năm 2016 (dự kiến)

 

Tiểu học

11 môn học + 3 hoạt động

3 - 6 môn học + 4 hoạt động

THCS

13 môn học + 4 hoạt động

8 môn học + 4 hoạt động

THPT

13 môn học + 5 hoạt động

3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12)

Cụ thể: Lớp 1 và 2 học sinh phải học 3 môn bắt buộc (Toán, Tiếng Việt, tìm hiểu Tự nhiên xã hội (tích hợp môn đạo đức)). 4 hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp môn Thủ công) và Tập thể. Ngoài ra học sinh tự chọn các môn học, hướng dẫn giáo dục như: Tự học có hướng dẫn, Đọc văn, Nghệ thuật... 

Ở lớp 3, học sinh có thêm môn học bắt buộc là Ngoại ngữ 1 và thêm 1 hoạt động giáo dục là làm quen với máy tính. Các môn tự chọn không đổi. 

Lớp 4 và 5 với các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc có thêm Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên (gồm các chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất), Tìm hiểu Xã hội (gồm các chủ đề về Lịch sử, Địa lý, Giáo dục sức khỏe, Kinh tế gia đình). Các môn tự chọn không đổi. 

Ở cấp THCS, có 7 môn học bắt buộc có thêm Giáo dục công dân, Công nghệ, hoạt động giáo dục có thêm Hướng nghiệp và Tập thể. 

Lớp 10 học sinh học 11 môn học bắt buộc và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ Văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ 1, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ và 4 hoạt động giáo dục: Thể chất, Hướng nghiệp, Quốc phòng – An ninh, Tập thể. 

Lớp 11, 12 đổi mới theo hướng học sinh học 3 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1 và 4 hoạt động bắt buộc gồm Thể chất, Hướng nghiệp, Quốc phòng - An ninh, Tập thể. Các môn học hoạt động giáo dục tự chọn: Học sinh học tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Giáo dục công dân, Công nghệ, Xã hội học. 

Ngoài ra, học sinh có thể tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rông chuyên sâu thuộc các lĩnh vực: Văn, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Môi trường, Thể dục, Thể thao, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kinh tế và Kinh doanh, Nghề, Ngoại ngữ 2. 

PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết ngoài các môn bắt buộc thì học sinh có thể chủ động chọn học hoặc không học các chủ đề nâng cao tùy vào mục đích của mình. Đây cũng chính là điểm cụ thể hóa mục tiêu “thực học, thực nghiệp” mà Bộ GD-ĐT đề ra. (Còn nữa)

Giáo dục phổ thông được chia làm 2 giai đoạn 

Theo Bộ GD-ĐT, sau năm 2015 giáo dục phổ thông sẽ cấu trúc 2 giai đoạn: 

Giai đoạn 1 học 9 năm (gồm Tiểu học và THCS). Giai đoạn này cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản nhất để tạo nhận thức, hình thành kĩ năng tối thiểu, học xong THCS để đảm bảo đi học, đi làm tiếp và sống với mọi người xung quanh. Giai đoạn này không yêu cầu cao, sâu nhưng phải toàn diện cơ bản để hình thành nhân cách. 

Giai đoạn 2 (ba năm THPT) tiếp tục hoàn thiện hơn nhân cách người công dân. Song song với việc hoàn thiện tiếp giai đoạn giáo dục cơ bản - là giáo dục phân hóa để phát huy tiềm năng và năng khiếu của mỗi học sinh, từ đó có định hướng nghề nghiệp... 

Chuyển từ giai đoạn kiến tức tổng hợp cơ bản sang chuyên sâu phân hóa. Thiết kế chương trình sắp tới ban thường trực đề án đề xuất có giai đoạn chuyển hóa phù hợp, không đột ngột cho học sinh. Lớp 10 sẽ là lớp chuyển hóa từ giai đoạn tổng hợp sang giai đoạn phân hóa.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm