| Hotline: 0983.970.780

Trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở Bình Dương: Chưa xác định được nguồn lây bệnh

Thứ Ba 28/02/2012 , 09:45 (GMT+7)

Theo khai báo của anh này, trước khi bị nhiễm bệnh, bản thân anh S đã đi lại qua nhiều địa phương.

* Bệnh nhân vốn rất khoái khẩu món tiết canh vịt!

Bệnh nhân Trương Phú S hiện vẫn còn nằm điều trị tại phòng hồi sức cấp cứu của BV bệnh nhiệt đới, TPHCM

Hôm qua (27/2), trao đổi với NNVN, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - GĐ Bệnh viện bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, bệnh nhân Trương Phú S. (SN 1990, quê huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Bình Dương) bị nhiễm cúm A H5N1 phát hiện vào ngày 24/2, hiện vẫn đang thở bằng máy tại khoa hồi sức cấp cứu.

Điều đáng nói là, cho đến thời điểm này, ngoài việc xác định bệnh nhân S dương tính với cúm A H5N1 thì việc xác định nguồn lây bệnh theo đánh giá của cơ quan chuyên môn là rất khó khăn, bởi vì theo khai báo của anh này, trước khi bị nhiễm bệnh, bản thân anh S đã đi lại qua nhiều địa phương.

Trước đó, anh S tạm trú tại nhà người bác họ là ông Trần Đình Hậu (tổ 12, KP 8, phường Phú Lợi, TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) khoảng 1 năm. Sau đó, anh S về quê Thanh Hóa ăn tết Nhâm Thìn ở lại 3 tuần, đến ngày 8/2 thì vào lại nhà ông bác họ. Tại đây, anh S ở lại 5 ngày, sau đó đến Trung tâm nha khoa tương lai (TX Dĩ An) ở thêm 5 ngày nữa để xin việc làm do anh S vốn là một y sĩ. Tại đây, anh đến Củ Chi, TPHCM chơi và mua một con vịt ở Đồng Dù (xã Nhuận Đức) đem về nhà ông Hậu làm món tiết canh để nhậu. Đến ngày 17/2 thì anh phát bệnh. Anh S đã mua thuốc tự điều trị, sau đó đến điều trị tại một phòng khám đa khoa tại TX Dĩ An và được chuyển vào Bệnh viện Quân đoàn 4.

Ngày 23/2 anh được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới, TPHCM điều trị với các dấu hiệu sốt, ho. Các mẫu kiểm tra cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A H5N1 và đến nay tình trạng sức khỏe rất xấu, vẫn phải nằm điều trị tại khoa hồi sức bệnh viện. Theo ông Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur, có 3 hướng nguồn lây bệnh cho anh S. Thứ nhất, tại tỉnh Thanh Hóa, vì trong thời gian về quê bệnh nhân S có ăn tiết canh vịt với tần suất rất nhiều, cứ 2 ngày ăn 1 lần, trong khi Thanh Hóa lại đang là tỉnh có dịch phát triển mạnh. Tuy nhiên, tại huyện Hoằng Hóa của anh S ở thì tỉnh chưa công bố dịch; thứ hai là tại huyện Củ Chi, bởi bệnh nhân có tham gia làm thịt và ăn thịt vịt sau khi được mua từ huyện này; thứ ba là tại Bình Dương.

Viện Pasteur TP.HCM đã yêu cầu các địa điểm mà bệnh nhân S điều trị, cũng như đến lưu trú thời gian ngắn tiến hành tiêu độc khử trùng và lập danh sách kiểm tra theo dõi, cách ly những người đã từng tiếp xúc với bệnh nhân này. Ngoài ra, tại nơi bệnh nhân S ở với gia đình người bác là ông Trần Ngọc Hậu cũng được cơ quan chuyên môn tiến hành lấy dịch vòm miệng và tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho các thành viên trong gia đình này.

Trường hợp điểm bán vịt tại Củ Chi cần có thêm thông tin và không loại trừ khả năng là vịt chạy đồng từ các tỉnh miền Tây đưa lên. “Các biện pháp chúng ta thực hiện hiện nay mới chỉ giải quyết ở phần ngọn, còn phần gốc là xác định nguồn gây bệnh vẫn đang gặp phải một số khó khăn nhất định” - ông Hữu nói.

+ “Chúng tôi đã lấy mẫu máu của 2 bầy đàn gia cầm nơi bệnh nhân S từng lưu trú, tại bầy gia cầm ở phường Phú Lợi thì kết quả xét nghiệm âm tính, còn bầy gia cầm ở TX Dĩ An hiện đang chờ kết quả từ Trung tâm Thú y vùng 3. Theo tôi, khả năng xuất hiện ổ dịch cúm H5N1 tại địa phương là rất thấp, bởi ngay tại phường Phú Lợi mà bệnh nhân lưu trú lâu nhất cũng chỉ có số lượng đàn gia cầm rất nhỏ khoảng 6.500-7.000 con và đã được giám sát và tiêm phòng đầy đủ” (ông Tạ Ngọc Khang - Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh Bình Dương)

+ “Tình trạng bệnh nhân hiện không nặng thêm, nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều so với lúc nhập viện. Bệnh cúm gia cầm thì tỷ lệ tử vong rất cao. Chúng tôi đang cố gắng điều trị, làm đầy đủ những kỹ thuật và xét nghiệm, theo dõi bệnh nhân mỗi ngày đúng theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi từ tuyến dưới chuyển lên, chúng tôi cách ly nghiêm ngặt bệnh nhân, thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học cho nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân. Đối với trường hợp một số nhân viên y tế có tiếp xúc gần với bệnh nhân, chúng tôi đã cho uống thuốc dự phòng”. (TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.