| Hotline: 0983.970.780

Vô tư phá núi di sản

Thứ Tư 21/09/2011 , 09:05 (GMT+7)

Ở xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình có khoảng 20 cơ sở khai thác đá của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng...

Anh Võ Xuân Quang (đã đổi tên), chủ một địa điểm khai thác đá sát chân núi ở thôn Hà Lốt (xã Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay: “Mua đá xây dựng ở đây là nhất. Mua ngang thì 160 ngàn đồng một khối, mua lựa chọn thì 180 ngàn đồng một khối. Xe chạy thì trả tiền".

Cũng theo anh Quang thì ở vùng Phúc Trạch này có khoảng 20 cơ sở khai thác vật liệu xây dựng (đá của dãy núi nằm trong vùng bảo vệ Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng). Những lúc đơn hàng nhiều thì ngày cũng như đêm, tiếng nổ mìn phá đá cứ như pháo trận.

Khai thác đá ở núi Phong Nha - Kẻ Bàng

Cách đây khoảng 2 năm, trước thời điểm công bố quy hoạch các xã vùng đệm, thì Phúc Trạch mới chỉ có một cơ sở (doanh nghiệp tư nhân) được cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Sau khi danh sách các xã thuộc vùng đệm được công bố thì doanh nghiệp này đã chấm dứt việc khai thác.

Tuy nhiên, sau đó người dân lén lút khai thác đá về làm nhà, làm đường. Chính quyền cũng không có ý kiến gì. Hàng xóm thấy vậy cũng vác búa đi làm. Một người, hai người, dần dà hàng chục người đi lấy đá. Nửa năm sau thì hình thành những nhóm khai thác với phương tiện được đầu tư mạnh tay hơn như máy nổ, khoan đá và thậm chí có người đã dùng mìn phá đá. Chỉ hơn năm thì phong trào rộng khắp và đến bây giờ thì tất cả các mỏ đá lậu này đều hoạt động công khai, nhộn nhịp.

Theo một lãnh đạo xã Phúc Trạch thì việc này chính quyền biết rất rõ nhưng cũng không có biện pháp ngăn chặn vì cấp trên không nhắc nhở phải làm mạnh tay. Mặt khác, việc khai thác đá cũng đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm người dân nghèo trên địa bàn nên cán bộ cũng ngó lơ cho dân làm.

Việc người dân nghèo thiếu việc làm phải đi khai thác đá cũng được ông Trương Văn Xá, Trưởng thôn Hà Lốt thừa nhận: "Thôn có gần 90 hộ thì đều nằm trong diện hộ nghèo. Người dân chúng tôi không vào rừng thì cũng khó có việc làm vì đất đai thiếu và chỉ trồng được ngô, lạc thôi. Chỉ còn cái để hy vọng có miếng ăn là làm đá thôi, không thì vô các tỉnh phía Nam làm thuê”. 

Một góc núi đá bị khai thác nghiêm trọng

"Nói chính quyền bỏ mặc thì không phải. Vừa rồi chúng tôi chỉ đạo lực lượng công an gọi 7 hộ khai thác đá lên giáo dục, xử phạt và yêu cầu chấm dứt khai thác đá. Nhưng rồi cũng không ngăn được vì người dân xem đó là nơi kiếm miếng cơm manh áo", ông Nguyễn Văn Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch cho biết.

Việc khai thác đá không chỉ có ở thôn Hà Lốt mà còn lan đến các thôn Thanh Sen, Phúc Đồng, Troóc. Đến nay, can thiệp duy nhất của chính quyền và ngành chức năng trong việc ngăn chặn phá núi đá di sản là tấm biển được dựng trên con đường rẽ từ đường Hồ Chí Minh qua thôn Hà Lốt vào khu khai thác đá với dòng chữ: “Nghiêm cấm khai thác, sản xuất vật liệu đá, nghiêm cấm các loại phương tiện ra vào vận chuyển đá”. 

Nhưng cấm cũng kệ. Trên con đường dài gần 4 cây số này xe vận chuyển đá cứ ầm ầm. Bụi đá nhiều đến nỗi đã phủ kín tấm bảng cấm nói trên. Hất đầu về phía tấm bảng, tài xế xe chở đá biển số 73L-7074 cho hay: "Tất cả xe chở đá đều phải qua con đường này mới ra được đường Hồ Chí Minh. Nếu chính quyền làm mạnh tay thì chẳng có xe nào thoát được".

Từ đường Hồ Chí Minh nhìn ngược lên, thấy cả những núi đá bị khoét nham nhở, trơ màu đá trắng đến nhức mắt. Khi được hỏi về trách nhiệm của đơn vị trong việc giữ gìn tài nguyên di sản, một cán bộ lãnh đạo Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho rằng đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất