| Hotline: 0983.970.780

Vụ chặt cây gỗ huê tại Quảng Bình: Đề nghị khởi tố vụ án

Thứ Sáu 04/05/2012 , 09:48 (GMT+7)

Theo nguồn tin của NNVN, một số người dân xã Phúc Trạch (Bố Trạch) cho biết vào chiều tối ngày 2/5, tại khu vực rừng nơi tìm thấy 3 cây huê đã có xô xát xảy ra.

* Bắn nhau trong rừng, 1 người tử vong?

Gốc, rễ cây gỗ huê được thu gom tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch)

Ngày 3/5, ông Lưu Minh Thành - Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) trao đổi với NNVN: “Trên cơ sở báo cáo của đoàn công tác xác minh cây gỗ huê bị chặt hạ trong rừng thuộc Vườn, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng xem xét khởi tố vụ án phá rừng”.

Cũng theo ông Thành, hiện nay, lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng của Vườn và các cơ quan chức năng, các địa phương vẫn tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ các ngả đường trên địa bàn vườn và các địa phương nhằm phát hiện gỗ được đưa từ rừng ra. Ngoài ra, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác ngăn chặn không cho người dân vào rừng mót gỗ và vận động người dân từ rừng trở về.

Theo kết quả kiểm tra, xác minh của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào ngày 28/4, địa điểm khai thác ba cây gỗ này tại hiện trường khu vực Hung Trí (nằm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của di sản Phong Nha - Kẻ Bàng, thuộc địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch). Địa điểm này nằm giữa hai vách núi dựng đứng tạo thành lòng khe cạn có độ cao so với mặt nước biển là 731m.

 Trên diện tích rừng bị khai thác là 563m2, phát hiện ba hố đào bới sâu xác định là các hố đào gốc của cây huê. Trong đó một hố là gốc của cây huê đã khô, hai hố còn lại là của gốc cây huê còn tươi sống. Ở giữa lòng khe cạn có một bãi bằng với diện tích 80 m2 có nhiều bai, vai, vỏ, mạt cưa, lá chủ yếu là của cây gỗ huê. Tang vật thu được tại hiện trường gồm một cân bàn loại 100kg, một tấm bạt, hai xích cưa (loại 1,2m) và một số bai, vai, giác cây huê và một số cây rừng khác đã bị chặt hạ. Theo ông Nguyễn Văn Huyên - Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (là đoàn trưởng đoàn kiểm tra xác minh tại vùng rừng có cây gỗ huê bị đốn hạ) cho hay: “Tất cả sản phẩm của các cây huê nói trên đã bị tẩu tán nên không có căn cứ để xác định khối lượng gỗ”.

Đến ngày 3/5 trong khu vực rừng Hung Trí - nơi tìm thấy ba cây gỗ huê - vẫn còn khá đông người dân tụ tập với hi vọng mót được gỗ huê vụn, hoặc chờ làm người khuân vác gỗ huê thuê cho đầu nậu gỗ huê. Quãng đường đi từ xã Phúc Trạch vào dến khu vực Hung Trí là hơn 20km, nhưng tới được đó phải đi liên tục trong thời gian hai ngày trên đá tai mèo với độ dốc cao, không có khe nước. Nguồn nước duy nhất cách địa điểm đó chừng 3 giờ đi bộ.

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng nhận định là có một lượng gỗ khá lớn đang tẩu tán trong rừng, được người dân gùi đi cất dấu trong các vách núi, hang động và lợi dụng sơ hở để tẩu tán qua các đường Hung Nha (cách vườn 20km), đường về động Thiên Đường (cách vườn 12km), Vực Trô, bản Ón, Chà Nòi, đường qua biên giới Việt - Lào giáp vườn quốc gia Hinnậmnô (Lào) và nhiều đường khác. Do số lượng người dân tham gia gùi gỗ khá đông nên việc cất giấu không tập trung mà chia lẻ. Địa hình tại khu vực khai thác gỗ và đường đi vô cùng khó khăn hiểm trở chỉ có lâm tặc và người dân chuyên đi rừng mới có thể thích nghi, nên việc vây bắt của kiểm lâm và các lực lượng chức năng trong rừng là không khả thi.

Theo nguồn tin của NNVN, một số người dân xã Phúc Trạch (Bố Trạch) cho biết vào chiều tối ngày 2/5, tại khu vực rừng nơi tìm thấy 3 cây huê đã có xô xát xảy ra. Một số đối tượng đã dùng súng quân dụng bắn nhau và có một người tử vong. Hiện thông tin này đang được cơ quan chức năng Quảng Bình xác minh, kiểm chứng.
Trên địa bàn các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Lâm Trạch, Xuân Trạch (nằm xung quanh rừng Phong Nha - Kẻ Bàng), một số lượng gỗ huê khá lớn đã được người dân đưa về cất giấu. Theo một người dân thông tỏ thì nhiều tấm gỗ huê được cưa thành phác (dân mua bán gỗ huê gọi là gỗ mặt) có kích cỡ dài khoảng 2m, rộng khoảng 0,3m và dày khoảng 0,08m có khối lượng từ 55-60 kg được “chốt” với mức giá gần 1 tỷ đồng. Các “chủ gỗ” đưa ra giá bán 15 triệu đồng/kg. Ông này bộc bạch: “Mấy hôm nay, đội săn lùng mua gỗ huê theo dạng "cò con” (nghĩa là lưng vốn chỉ vài trăm triệu đồng và chỉ để mua gỗ huê vụn từ những người đi mót huê trong rừng) làm ăn khá lắm. Mỗi ngày thu gom cũng được mấy chục ký huê gốc, rễ. Mỗi ngày mua đi bán lại, lãi nhét lưng chia ra cũng được vài triệu đồng mỗi người. Vì các ông chủ lớn đang theo dạng gỗ mặt trị giá từ tỷ đồng trở lên nên anh em cò con như chúng tôi được hít thở đỡ hơn”.

Trước đó, trong thông báo số 709 ngày 24/4 về kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài, nêu rõ: “Để xảy ra sự việc nhiều người dân vào rừng tự do, trước hết là trách nhiệm của Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Chủ rừng đã không làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực được giao quản lý; thiếu trách nhiệm, thiếu phối hợp với chính quyền và người dân sở tại để nắm bắt thông tin; không có phương án ngăn chặn kịp thời, để cho số lượng lớn người dân vào rừng; khi nắm được thông tin là có người khai thác gỗ huê (sưa) thì lúng túng trong xử lý, không kịp thời báo cáo tình hình cho UBND tỉnh và các cơ quan liên quan để phối hợp, ngăn chặn và truy quét”. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.