| Hotline: 0983.970.780

1 m2 đất ruộng mật = 5 kg lúa

Thứ Năm 14/07/2011 , 09:58 (GMT+7)

Cánh đồng rộng gần 10.000m2 sản xuất 3 vụ lúa/năm là nguồn sống của 19 hộ dân thuần nông bỗng dưng bị quy hoạch thành khu dân cư.

Tại thôn Ngọc An Trung, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn, Bình Định) có cánh đồng Cựu Lợi rộng gần 10.000m2 sản xuất 3 vụ lúa/năm là nguồn sống của 19 hộ dân thuần nông bỗng dưng bị quy hoạch thành khu dân cư.

Dân không được biết, không được bàn

Ngày 10/3/2008, UBND xã Hoài Thanh Tây trình UBND tỉnh Bình Định xin xây dựng khu dân cư mới tại cánh đồng Cựu Lợi với diện tích là 1,99 ha. Mọi việc diễn ra trong âm thầm, 19 hộ dân có ruộng trong vùng quy hoạch cũng không hay. Đến ngày 7/4/2009, UBND tỉnh Bình Định có Quyết định số 243/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao đất cho UBND huyện Hoài Nhơn xây dựng khu dân cư. Đến khi UBND xã Hoài Thanh Tây tiến hành thu hồi đất thì những hộ dân có ruộng tại cánh đồng Cựu Lợi mới vỡ lẽ.

Theo hầu hết 19 hộ dân có ruộng bị thu hồi cho biết trước đó họ không được tham dự cuộc họp nào để được nghe phổ biến quy hoạch xây dựng khu dân cư Ngọc An Trung, đến khi tiến hành việc thu hồi đất họ mới được mời từng nhóm người lên UBND xã để làm việc, thậm chí còn có kiểu làm việc rất riêng lẻ.

Anh Tạ Hoa (SN 1968) ở xóm 3 cho biết: “Đến khi bị thu hồi ruộng tôi mới được mời lên UBND xã làm việc đến 5 lần 7 lượt, và chỉ có 1 mình tôi. Tôi không đồng ý giao ruộng vì 1,4 sào ruộng ở đó chính là nguồn sống của gia đình thôi. Sau đó tôi đi làm nghề cưa bạch đàn tận Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); ở nhà cán bộ địa chính xã đến tận nhà “động viên” vợ tôi ký nhận tiền đền bù; khi tôi về biết chuyện thì chuyện đã rồi”. 

Đến giờ này trong số 19 hộ có ruộng bị thu hồi còn hộ ông Phan Thông (75 tuổi) ở xóm 2 thôn vẫn chưa thỏa thuận giao 213m2 ruộng bị thu hồi. Nhưng vào đầu tháng 3/2011 UBND xã Hoài Thanh Tây vẫn tiến hành san lấp mặt bằng. 

Tuy nhiên, khi thi công đến đám ruộng của ông Thông thì việc san lấp phải dừng lại vì gia đình ông Thông không đồng thuận giao đất. Anh Phan Văn Vân, con trai ông Phan Thông, bày tỏ: “Gia đình tôi có tất cả 10 nhân khẩu mà chỉ nhận được 2 định suất đất ruộng chưa được 1.000m2, bây giờ thu hồi diện tích kia thì gia đình tôi lấy gì làm ăn? Quy đổi ruộng thì UBND xã chỉ cho vùng ruộng ngập úng. Còn bồi thường tiền thì chỉ có 35.000đ/m2, tính ra chỉ bằng 5kg lúa. Nhận được 7,6 triệu đồng mà mất cả đám ruộng làm được 3 vụ/năm nên ba tôi kiên quyết không giao đất”.

Ngày 17/3/2011, gia đình ông Thông lại được mời lên Phòng TN-MT huyện Hoài Nhơn để làm việc. Tại buổi làm việc này, Phòng TN-MT Hoài Nhơn “thương lượng” với gia đình ông Thông là nếu giao đất sẽ được nhận mức bồi thường gấp 3 lần mức áp giá ban đầu. Tuy nhiên cuộc thương lượng này cũng bất thành. Khi chuyện “thương lượng” này lộ ra, những hộ dân đã giao đất, đã tỏ ra bức xúc.

Ông Hà Văn Đức, Phó phòng Đất đai (Sở TN-MT Bình Định): “Theo quy định, chính quyền địa phương cần phải thông báo rộng rãi trước dân về dự án trước khi lập quy hoạch. Ngoài ra, khi đã đạt được 100% sự đồng thuận của những hộ dân bị ảnh hưởng và phải thực hiện hoàn tất việc áp giá đền bù rồi thì chính quyền địa phương mới được tiến hành thi công san lấp”.

Anh Cao Xuân Thanh bức xúc: “Sao cùng 1 vùng ruộng bị thu hồi mà trường hợp của ông Thông lại được đền bù gấp 3 lần ruộng của chúng tôi. Do đâu có chuyện bất minh như vậy?”. Tại cuộc họp mới diễn ra vào ngày 20/6/2011 tại thôn Ngọc Trung Tây do UBND xã Hoài Thanh Tây tổ chức, tất cả những ấm ức của 19 hộ dân có ruộng bị thu hồi đã được bày tỏ công khai, quyết liệt.

Bất chấp mọi bất thuận của người dân và dù mặt bằng của khu dân cư Ngọc An Trung còn dang dở nhưng UBND xã Hoài Thanh Tây đã phân lô đất để bán đấu giá. Khi nghe cái giá khởi điểm của mỗi lô đất lên đến trên 500 triệu đồng, những hộ dân có ruộng bị thu hồi càng bức xúc hơn.

Ông Nguyễn Nghiệp, Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An cho biết: “Tổng số tiền áp giá đền bù toàn bộ diện tích ruộng thu hồi tại khu dân cư Ngọc An Trung chỉ có hơn 395 triệu đồng. Diện tích này được phân làm 40 lô đất, mỗi lô rộng 5m, dài 30m. Từ giữa tháng 5/2011, UBND xã Hoài Thanh Tây đã tổ chức đấu giá 2 lần, lô đất đẹp nhất có giá khởi điểm là 525 triệu đồng, những lô khác là 500 triệu đồng, thế nhưng cả 2 lần tổ chức đấu giá đều bất thành vì chẳng có mấy ai tham gia”.

Cụ Võ Hơn (1935) ở xóm 3 thôn Ngọc An Tây, người bị thu hồi gần 1 sào ruộng nghẹn ngào: “Nếu thu hồi ruộng của chúng tôi để lấy đất xây dựng công trình phúc lợi công cộng thì sẽ không ai phản ứng, đằng này mua rẻ bán đắt kiểu đó khiến lòng dân không thuận”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất