| Hotline: 0983.970.780

1 ngày đan mây, được 1 kg gạo

Thứ Năm 02/02/2012 , 12:04 (GMT+7)

Đan mây đã từng có thời mang lại thu nhập chính, nhưng đến nay nó không còn đảm bảo cuộc sống cho dân.

Mây tre đan là nghề truyền thống của xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), tạo công ăn việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Có thời nghề này mang lại thu nhập chính, nhưng đến nay không còn đảm bảo cuộc sống cho dân.

Chúng tôi tìm vào một vài gia đình còn giữ lại nghề mây tre đan ở thôn Quang Tiền và thôn Phú Đa. Thật đáng buồn khi thấy chỉ có các ông bà già, người khuyết tật hay những em nhỏ làm nghề. Theo thống kê của xã Quảng Đức, toàn xã có tới 6.300 nhân khẩu nhưng chỉ có khoảng 1.000 người tham gia sản xuất mây tre đan theo kiểu làm cho có việc.

Cụ Trần Thị Chuyên (75 tuổi) ở thôn Quang Tiền cho biết, nghề không còn phát triển rầm rộ như trước, người dân bỏ đi làm thuê nơi khác có thu nhập cao hơn. Con cháu trong gia đình không đứa nào chịu học cái nghề này cả, chẳng mấy chốc nghề truyền thống sẽ không còn tồn tại.

Nếu trước kia vợ chồng cụ còn khỏe mạnh thì làm một ngày được 6 cái rổ, bán được 80.000 đồng thì nay giỏi lắm cũng chỉ làm được 2 cái, trừ mọi chi phí, chỉ thu về được khoảng 10.000 đồng. Vợ chồng nào làm cật lực cả ngày đêm cũng kiếm được từ 20.000- 30.000 đồng/ngày, không đảm bảo cuộc sống. Chính vì vậy hầu hết thanh niên trong làng dắt díu nhau đi làm thuê tứ xứ. Ông Mai Đình Hùng (60 tuổi) là hàng xóm của cụ Chuyên than thở: “Bảo con cháu học để giữ lấy cái nghề của cha ông để lại nhưng chẳng đứa nào chịu học cả. Nếu lứa tuổi như chúng tôi mà chết đi hết chắc cái nghề này cũng mất luôn”.

Cũng như làng Quang Tiền, làng Phú Đa vốn được xem là làng còn giữ và phát triển nghề mây tre đan nhiều nhất. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, nghề cũng dần bị mai một, người dân cũng bỏ nghề đi làm những công việc khác… Cả làng chỉ còn gia đình nhà anh Lê Văn Chinh giữ nghề.

Nhằm giữ nghề truyền thống mây giang xiên của cha ông, năm 2002 xã Quảng Đức đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng đan mỹ nghệ. Ban đầu, các hộ dân đều hào hứng làm nghề, thành lập cả tổ hợp làng nghề mây giang xiên, phát triển với quy mô rộng. Nhưng chỉ được một thời gian, đầu ra của sản phẩm quá thấp, không đảm bảo thu nhập nên các lao động dần bỏ nghề.

Người dân ở đây cho biết, họ muốn làm giàu bằng nghề truyền thống. Song đầu ra thấp, vốn vay lại khó khăn nên gặp trở ngại. Điển hình như xưởng của gia đình anh Phạm Văn Khắc, bỏ hơn 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị máy móc, đào tạo lao động. Nhưng do khủng hoảng kinh tế, tắc đầu ra nên gia đình khuynh gia bại sản, không vực dậy nổi.

Ông Trần Lương Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Đức cho biết, năm nào cũng vậy, trong các kỳ hội họp chúng tôi đều đưa ra chủ trương khôi phục nghề truyền thống, đưa mục tiêu đó lên hàng đầu nhưng vẫn không giải quyết được gì. Sản phẩm làm ra không bán được cho ai thì làm sao giữ được nghề nên đành lực bất tòng tâm.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.