| Hotline: 0983.970.780

10 năm địa ngục ở gia đình bà mẹ kế

Thứ Năm 07/11/2013 , 10:01 (GMT+7)

Án oan ở làng Me không chỉ khiến gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn rơi vào thảm kịch. Cách đó một vài xóm, hai vợ chồng ông Lý Văn Chúc (1950) và bà Phạm Thị Lành (1969) cũng chịu hoàn cảnh tương tự.

Án oan ở làng Me không chỉ khiến gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn rơi vào thảm kịch. Cách đó một vài xóm, hai vợ chồng ông Lý Văn Chúc (1950) và bà Phạm Thị Lành (1969) cũng chịu hoàn cảnh tương tự. Một sự tra tấn tinh thần vô cùng khủng khiếp bởi chỉ có họ biết hung thủ thực sự của vụ án là ai nhưng lại không thể nói ra.


Bà Phạm Thị Lành

“Thằng Chung bị bắt tao sẽ đào hố chôn mình”

Những ngày này, ngôi nhà ông Chúc, bà Lành cũng đông người chẳng kém gì nhà ông Chấn. Ông Chúc đã bị bắt cùng với con trai để phục vụ quá trình điều tra, bà Lành cũng như người mất hồn. Đau khổ, dằn vặt và lo lắng về những lỗi lầm trong quá khứ.

“Tôi nghi thằng Chung là hung thủ khi nhìn thấy chậu quần áo của nó có màu máu. Tôi đã nói với ông Chúc điều đó. Nhưng suốt 10 năm trời tôi không dám nói với ai vì sợ chồng tôi giết chết”, bà kể.

Ông Lý Văn Chúc là người dân tộc Sán Chí, quê cũ ở thôn Nà Pán, xã Nhượng Bạn (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn). Khi bà vợ trước sinh cho ông được 4 đứa con thì bạo bệnh qua đời. Ông dắt díu thằng con út là Lý Nguyễn Chung về làng Me này sinh sống.

Ở đây, bố con ông gặp bà Nguyễn Thị Lành rồi nên duyên chồng vợ. Họ có với nhau thêm một đứa con chung nữa tên là Lý Văn Tuấn. Hai vợ chồng, hai đứa con, hai sào ruộng, dù cuộc sống còn bộn bề những khó khăn nhưng gia đình ông bà ít khi nghe điều tiếng này nọ. Bản thân bà Lành cũng thương thằng Chung như con đẻ của mình.

Cho đến cái đêm nạn nhân Nguyễn Thị Hoan bị giết 10 năm trước. Bà Lành còn nhớ rõ, đó là một đêm hè: “Lúc đó dì Hậu (em gái bà Lành và là thím của nạn nhân) hớt hải gọi tôi xuống nhờ trông nhà hộ để dì ấy chạy xuống nhà cô Hoan vì có người báo tin cô ấy bị người ta đâm chết rồi. Đêm muộn, dì Hậu trở về thất thểu kể về cái chết của cô Hoan nhưng tôi cũng chỉ ngồi nghe thế thôi chứ nào có biết người gây ra chuyện ấy lại là thằng Chung.

Cho dù đêm hôm đó, thằng Chung về nhà rất muộn, không ăn cơm tối mà đi tắm rồi lên giường nằm ngủ. Sáng sớm hôm sau, tôi dậy rửa mặt thì thấy chậu quần áo của Chung ngâm nước có màu hơi hồng giống như máu loang. Tôi đem chuyện ấy nói với ông Chúc. Ông ấy ngồi thừ ra một lúc rồi gọi thằng Chung dậy nói gì đó bằng tiếng dân tộc nên tôi không hiểu.


Bà Lành bên chiếc hố mà ông Chúc đào để tự chôn mình

Tôi đi xuống nhà cô Hoan xem vụ án, đến lúc quay về nhà thì không thấy thằng Chung đâu nữa. Ông Chúc nói Chung đã về Lạng Sơn rồi. Vài ngày sau Chung về lấy đồ đạc và bảo đi Tây Nguyên làm ăn”.

Lạ một điều, Chung bỏ đi ngay sau cái chết của chị Hoan nhưng cả làng Me này, rồi thì cơ quan điều tra, công an chẳng ai mảy may nghi ngờ nó cả. Có lẽ, do thời điểm ấy Chung còn quá trẻ (sinh năm 1988). Cũng rất nhanh sau đó, vợ chồng bà Lành thấy người ta bắt ông Chấn đi tù, sém chút nữa xử tội chết thì mới biết là chỉ có ông bà nghĩ rằng thằng Chung giết người mà thôi.

Công an không biết, làng xóm không biết, nhưng cuộc sống trong gia đình bà Lành bắt đầu rơi vào cảnh địa ngục kể từ thời điểm ấy. Ông Chúc trước kia vốn dĩ hiền lành bỗng dưng thay đổi tính nết. Thường xuyên đe dọa bà Lành, thậm chí nhiều lần chỉ mặt: Mày có thích chết không?

“Ông ấy nhiều lần đe dọa tôi rằng, nếu mà nói chuyện thằng Chung với ai, nếu thằng Chung có mệnh hệ gì thì ông sẽ tự vẫn. Nhưng ông không cam chịu chết một mình. Ông sẽ giết tôi trước rồi sau đó tự mình thắt cổ. Ông cũng tự mình làm giấy chuyển nhượng nhà đất, tài sản sang cho đứa con trai chung của chúng tôi là Lý Văn Tuấn rồi mang gửi nhờ nhà bác Bình, anh trai bố tôi nhờ giữ hộ”, bà Lành kể thế.

Tình cảm vợ chồng vốn dĩ đang thuận hòa bỗng dưng phai nhạt, sợ hãi, đề phòng lẫn nhau. Mấy lần bà nghe được điện thoại ông Chúc điện cho thằng Chung dặn dò nó cứ yên tâm làm ăn chứ vụ việc kia đã có người ngồi tù thay cho nó rồi.

Cho đến khoảng thời gian đầu năm ngoái, ông Chúc không ít lần đòi thắt cổ chết khi thông tin về thằng Chung có dấu hiệu rò rỉ. Thậm chí ông còn tự mình đào hố sau vườn nhà và nói rằng đó là nơi ông nằm xuống sau khi chết. Cái hố ấy nay vẫn còn, dài độ hai mét, bốn phía thắp hương, cắm giấy trắng, nhìn nổi cả da gà.

Bà Lành bên chiếc hố mà ông Chúc đào để tự chôn mình

Đầu tháng 10 vừa rồi, khi có tin bà Chiến vợ ông Chấn đã điều tra ra thằng Chung là hung thủ thì bao nhiêu oán giận chất chứa bấy lâu ông Chúc đổ hết lên đầu bà Lành. Ông hằm hè, đay nghiến vợ rồi tự đốt đống rơm trước cửa nhà, gom quần áo bà Lành ra đốt sạch.

Thậm chí, khi bà chạy ra can ngăn ông còn thẳng tay xô vợ vào đống lửa đang cháy đùng đùng. Cũng may, nhờ bà Lành hô hoán nên làng xóm đến ứng cứu kịp thời. Từ đó, bà Lành ít khi dám về nhà mà thường xuyên ngủ nhờ nhà em gái. Bà phải viết đơn nhờ bên Viện kiểm sát cho đi lánh nạn một thời gian. Cho đến ngày ông Chúc bị bắt.

Sau khi gây án vẫn trở lại làng Me nhiều lần

Sợ hãi và đau khổ, rất nhiều lần bà Lành tự vấn mình rằng có nên nói ra hết mọi chuyện hay không? Chẳng lẽ cứ giấu trong lòng, mà chắc gì đã giấu được? Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn nghĩ, manh mối quan trọng nhất của vụ án chính là ngày 24/12/2012.

Đó là cái ngày mà ông Nguyễn Văn Hiền (75 tuổi), bố của bà Lành đi đến nhà ông Chấn nói với bà Chiến: "Chị Chiến ơi, anh Chấn oan quá". Nhưng ít ai biết rằng, ông Hiền cũng chỉ là người nghe kể. Có lẽ, nếu bà Lành không vì uất ức, tủi hờn quá mà tâm sự hết mọi chuyện với bố đẻ của mình thì ông Nguyễn Thanh Chấn chưa chắc đã được giải oan.

“Đã có nhiều lúc tôi khuyên ông ấy gọi thằng Chung về đầu thú. Chung là con riêng nhưng thực lòng tôi rất thương nó. Nếu chết đi mà trắng án được cho nó vợ chồng tôi cũng có thể làm. Nó có tội thì phải chịu sự trừng phạt. Chúng tôi phải sống để còn lo lắng cho vợ con nó nữa.

Trong 10 năm trời, Chung vào Tây Nguyên, lấy vợ, sinh con bình thường. Thậm chí nhiều lần nó còn về làng Me này chơi như thể không có chuyện gì xẩy ra. Năm 2005, khi anh trai ruột Chung chết nó vẫn về Lạng Sơn chịu tang anh, sau đó về ở đây nhiều ngày. Năm 2011 nó cưới vợ ở Đắk Lắk đã sinh được một người con và vợ đang mang bầu sắp đẻ đứa thứ hai.

Nhiều lúc nghĩ đến nó rồi lại nghĩ đến anh Chấn. Người có tội thì sống bình thường, người không có tội lại bị tù oan. Dù rất đớn đau nhưng tôi không thể giữ được lời hứa với chồng, tôi tâm sự hết với bố đẻ của mình để hi vọng trong lòng bớt đi gánh nặng. Bây giờ sự việc đã rồi, tôi chỉ mong sao gia đình nạn nhân có thể tha thứ cho gia đình mà thôi”, bà Lành tâm sự.  

Nhờ những thông tin từ câu chuyện của bà Lành, ông Hiền, bà Nguyễn Thị Chiến đã xâu chuỗi lại các sự việc, bỏ công tìm hiểu và xác định được hung thủ chính là Lý Nguyễn Chung.

Rồi đây, miệng lưỡi người đời có thể lại xoáy vào ngôi nhà vợ chồng bà Lành. 10 năm sống trong địa ngục rồi, họ cũng chỉ là nạn nhân mà thôi.

Khi biết tin em trai dính vào tội tày trời, người chị gái của Chung tên là Lý Thị Nghiến khóc suốt chặng đường từ Lạng Sơn về đến nhà bố đẻ tại thôn Me. Họ hàng nhà Chung ở Lộc Bình hết sức bàng hoàng khi nghe tin dữ. “Tôi không ngờ em tôi lại làm như vậy, nó rất hiền lành, sao nó lại dám làm thế…”, chị Nghiến nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm