| Hotline: 0983.970.780

10 năm xây dựng nông thôn mới Quảng Nam: Những bước chuyển mình

Thứ Tư 06/11/2019 , 15:15 (GMT+7)

Từ năm 2010, tỉnh Quảng Nam nói chung và các địa phương trong tỉnh nói riêng đã phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” giai đoạn 2010 – 2020.

09-51-06_1
Quảng Nam thực hiện kiên cố hóa kênh Phú Ninh, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xuất phát điểm thấp, thường xuyên hứng chịu những thiệt hại do thiên tai gây ra, tuy nhiên với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng với sự đồng lòng của nhân dân, sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM, tỉnh Quảng Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện. Bộ mặt nông thôn thay đổi theo hướng tích cực, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của cả tỉnh.

Qua các phong trào thi đua đã huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân và các thành phần kinh tế cùng chung tay.

Từ đó, nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, phát triển giao thông, thủy lợi xuất hiện và được khen thưởng, nhân rộng. Đây cũng tạo thêm niềm tin, hứng khởi làm cho không khí thi đua trên địa bàn tỉnh thêm phần hăng hái, sôi nổi hơn.

Với những cố gắng này, trong giai đoạn đầu tiên thực hiện Chương trình xây dựng NTM 2010 – 2015, tỉnh Quảng Nam đã có 129 tập thể và 95 cá nhân được khen thưởng. Trong đó Thủ tướng Chính phủ đã tặng Cờ thi đua và thưởng công trình phúc lợi trị giá 10 tỷ đồng cho thị xã Điện Bàn.

Giai đoạn 2016 – 2020, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua cho 31 xã đạt chuẩn, tặng Bằng khen co 38 tập thể và 65 cá nhân. Bộ NN-PTNT cũng đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM của tỉnh.

Sau gần 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, sự thay đổi về nhận thức, tư duy của người dân trong tỉnh ngày càng tăng lên. Đến nay, người dân cơ bản đã nhận thức được đúng ý nghĩa, bản chất, mục đích của chương trình. Họ đã xác định được vai trò chủ thể của mình, chủ động tự giác thực hiện, từ chỗ hưởng thụ bị động chuyển sang dần chủ thể, chủ động; tư duy về kinh tế thị trường ngày càng rõ nét hơn, ứng xử văn hóa nông thôn gắn kết cộng đồng ngày càng tốt hơn.

Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách toàn diện, kinh tế nông thôn có bước phát triển lớn (thu nhập tăng 21,404 triệu đồng so với năm 2010 và 10,472 triệu đồng so với năm 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất chuyển dần sang hướng sản xuất hàng hóa, xác định được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để phát triển. Cùng với đó, nhiều tiến bộ khoa học công nghệ được áp dụng vào sản xuất theo hướng liên kết, chuỗi giá trị.

Dù đã có những thay đổi và chuyển mình lớn nhưng quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Quảng Nam cũng vấp phải một số hạn chế. Trong đó, phải kể đến sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; một số thành viên Ban chỉ đạo chưa sâu sát cơ sở, cán bộ chuyên trách NTM ở cấp huyện, xã không những thiếu mà thường xuyên biến động, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Thực tế cũng cho thấy, kết quả xây dựng NTM ở tỉnh này vẫn có sự chênh lệch lớn giữa các vùng. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn ở các xã đồng bằng là 16,9 tiêu chí/xã trong khi đó đối với các xã miền núi chỉ là 11,08 tiêu chí/xã. Đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn còn 3 huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM là Nam Giang, Phước Sơn và Nam Trà My.

Trước những thành tích đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho rằng để thực hiện tốt hơn nữa việc thực hiện chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới cần phải nhìn nhận đúng, rút ra được bài học kinh nghiệm để khắc phục.

09-51-06_2
Người dân Quảng Nam ngày càng nhận thức được vai trò của xây dựng NTM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong đó phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thường xuyên của các cấp, các ngành nhất là vai trò của người đứng đầu từ tỉnh đến cơ sở; kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện của các cấp ngành và tăng cường sự giám sát của cộng đồng nhân dân mới mang lại hiệu quả cao.

Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân bằng công tác tuyên truyền, vận động. Gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành công nghiệp, tập trung cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, là nhân tố quyết định thành công trong xây dựng NTM. Đồng thời, xác định xây dựng NTM phải đi lên từ hộ gia đình, nếu không có hộ gia đình có kinh tế phát triển thì sẽ không có NTM, xã NTM.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất