| Hotline: 0983.970.780

10 NM đường ĐBSCL: Nhấp nhổm trước vạch xuất phát

Thứ Ba 21/09/2010 , 11:47 (GMT+7)

Còn 3 ngày nữa niên vụ mía mới ở ĐBSCL chính thức đi vào sản xuất. Tại cuộc họp tiểu vùng ngày 20/9 tại Hậu Giang, 10 GĐNM đường đã thống nhất giá mía đầu vụ là 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại bàn cân NM.

* Đồng thuận giá mía 1 triệu đồng/tấn 

Còn 3 ngày nữa niên vụ mía mới ở ĐBSCL chính thức đi vào sản xuất. Tại cuộc họp tiểu vùng ngày 20/9 tại Hậu Giang, 10 GĐNM đường đã thống nhất giá mía đầu vụ là 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại bàn cân NM.

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy hải sản và Nghề muối nêu quan điểm cứng rắn: Các NM đường ĐBSCL phải thực hiện đúng cam kết lịch sản xuất của từng NM đã đăng ký trong biên bản gửi cho Cục. Trong việc chia sẻ nguyên liệu giữa các NM với nhau phải báo cáo cho lãnh đạo tiểu vùng và báo cáo cho Sở NN-PTNT Hậu Giang. Tất cả NM ngoài vùng nguyên liệu của Hậu Giang không được tùy tiện thu mua nguyên liệu mà chưa đăng ký tên chủ phương tiện và tên chủ hộ bán mía. Các NM không thực hiện đúng theo cam kết như đã ký thì Cục kiên quyết xử lý và sẽ đề xuất với Bộ NN-PTNT không hỗ trợ các chính sách cho Cty.

Cũng theo vị đại diện Cục Chế biến nông lâm thủy hải sản và Nghề muối, để khuyến khích nông dân không bỏ mía thì các NM đường phải đảm bảo lợi nhuận cho người trồng mía tù 30 – 40%. Theo đó, giá thống nhất 1 triệu đồng/tấn 10 CCS tại bàn cân NM như đã thống nhất, không được sai lệch.

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: Tổng diện tích mía trong niên vụ mới này 13.173 ha. Sở cũng đã cho cán bộ kiểm tra chữ đường đến hiện tại thì mía mới đạt 7 CCS, còn đối với ROC 16 là 8 CCS. Đối với giá thành sản xuất mía niên vụ này Sở cũng đã tính là lên đến 600 – 700 đồng/kg. Như vậy, để đảm bảo cho nông dân có lãi khoảng 40% trở lên thì giá khởi điểm thu mua của các NM đường đầu niên vụ 2010 – 2011 phải từ 840 – 980 đồng/kg thì mới hấp dẫn người trồng mía.

Về lâu dài tỉnh Hậu Giang quy hoạch vùng nguyên liệu 17.000 – 20.000 ha để đảm bảo cho 3 NM đường trong tỉnh đủ nguyên liệu sản xuất. Theo đó, đối với các NM ngoài tỉnh, trong những năm tiếp theo muốn thu mua nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì phải đăng ký với tỉnh và phải có chính sách đầu tư, bao tiêu vùng nguyên liệu để tránh tình trạng Cty trong tỉnh đầu tư, Cty ngoài tỉnh đến thu tóm nguyên liệu.

Tại cuộc họp này 10 GĐNM đường đều đồng thuận và hứa sẽ thực hiện đúng cam kết. Ông Nguyễn Văn Thanh, GĐNM Đường Nagarjuna Ấn Độ khẳng định trước cuộc họp: Niên vụ này NM cam kết không mua mía non, mía kém chất lượng, thống nhất mua theo chữ đường và cam kết không phá giá khi đến chia sẻ nguyên liệu ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế thì hệ thống thương lái của Cty này đã bắt đầu nhảy vào vùng nguyên liệu của Hậu Giang và đang thu mua với giá 750 – 800 đồng/kg mía xô. Ông Huỳnh Văn Măng, PGĐ Khuyến nông Cty Mía đường Cần Thơ- Casuco, nói: Theo biên bản đã ký kết thì NM này đăng ký ngày 10/10 mới chạy thế nhưng tại cuộc họp tiểu vùng ngày 20/9, ông Thanh đã báo cáo lại là sẽ đi vào sản xuất ngày 26/9. Như thế, phải chăng NM Đường Nagarjuna Ấn Độ muốn phá vỡ luật chơi đã ký kết.

Lâu nay ở vùng mía ĐBSCL vẫn có một thực tế có thể nói là đáng xấu hổ là trong cuộc họp thì các NM đường luôn đồng thuận thời điểm ép mía. Nhưng bước ra khỏi cuộc họp là một số NM mau chóng chạy về rình ép mía sớm hơn các NM khác.

Vì ép mía sớm tức là giành giật được nguyên liệu của các NM khác về phần mình. Hơn nữa ép mía sớm bao giờ cũng có lợi là giá đường đầu vụ thường khá cao. Nhưng ép sớm nông dân luôn là người thiệt thòi nhất vì tuy bán được giá mía cao tí chút nhưng thiệt hại nghiêm trọng về chữ đường do mía quá non.

Lâu dần các NM không còn tin tưởng nhau mà giữ thế thủ: NM khác chạy máy thì tội gì mình không chạy. Chẳng lẽ chịu cảnh "Trâu chậm uống nước đục".

Ông Nguyễn Thành Long, tân Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiêm TGĐ Cty Casuco nói: Hiện tại, vùng mía nguyên liệu Hậu Giang còn nhiều giống mía chưa đạt được 8 CCS, thậm chí có những giống còn rất non chỉ 3 - 4 CCS. Chính vì vậy, tôi yêu cầu các NM tuân thủ cam kết thời gian vào vụ sản xuất như đã đăng ký. Mặt khác, các NM đường tránh tình trạng mua mía trong vùng giá thấp, ngoài vùng giá cao và phải để đảm bảo cho người trồng mía có lãi từ 40% trở lên.

Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: Qua điều tra thực tế diện tích mía niên vụ 2010 – 2011 ở ĐBSCL hiện là 48.000 ha, ước tổng sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Qua đăng ký của 10 NM đường cần đến 3,6 triệu tấn. Như vậy sẽ thiếu khoảng 400.000 tấn so với thời gian mà các NM dự kiến ép là 5 tháng. Để khắc phục tình trạng này thì các NM vào vụ trễ hơn 1 tháng nên tôi tin rằng tỷ lệ thu hồi đường sẽ cao. Để tránh tranh giành nguyên liệu, cần phải phối hợp trong thu mua, trong thu hoạch phải rút ngắn thời gian.

"Trong cơ chế quản lý niên vụ này chúng tôi sẽ cử ra 1 bộ phận giám sát để kiểm tra tạp chất và kiểm tra chữ đường. Yêu cầu các NM khi kiểm tra tạp chất thì phải đánh giá tạp chất thực tế. Đối với chữ đường phải trang bị máy kiểm tra, lấy mẫu thì phải lấy toàn bộ giống mía và 10 NM đường phải thực hiện theo qui chuẩn đã họp đồng thuận"- ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam khẳng định.

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.