| Hotline: 0983.970.780

100% nhân viên HCDC không nghỉ Tết

Thứ Sáu 19/02/2021 , 15:12 (GMT+7)

Sáng 19/2, đoàn đại biểu TP.HCM do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã đến thăm và động viên cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC).

Đoàn đại biểu TP.HCM thăm và động viên cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sáng 19/2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn đại biểu TP.HCM thăm và động viên cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sáng 19/2. Ảnh: Nguyễn Thủy.

HCDC mang Tết bình yên cho người dân

Đây là lực lượng thường trực, chủ lực trong việc phòng ngừa, truy vết, kiểm soát dịch Covid-19, mang lại cái Tết bình yên cho người dân Thành phố.

Báo cáo về hoạt động của HCDC trong dịp Tết vừa qua, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh từ Chí Linh (Hải Dương) về TP.HCM, thì từ ngày 29/1 HCDC đã đánh giá đây là đợt cao điểm chống dịch mới và xác định không có Tết.

Với vai trò đầu tàu trong phòng chống dịch, HCDC đã phối hợp các đơn vị khác, triển khai nhiều biện pháp, thực hiện nhanh việc khoanh vùng, truy vết, đảm bảo công tác cách ly, xét nghiệm, phong tỏa các điểm liên quan.

Bác sĩ Dũng đánh giá, đợt bùng dịch vừa qua tại TP.HCM hoàn toàn khác với các đợt dịch trước, giai đoạn cao điểm xảy ra ngay dịp Tết Nguyên đán. Cho đến nay, Thành phố đã cắt đứt chuỗi lây nhiễm phát hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất, mở rộng xét nghiệm thần tốc, kiểm dịch ở sân bay, nhà ga...

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc HCDC. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Toàn bộ cán bộ công nhân viên HCDC thống nhất ngay từ đầu, năm nay sẽ ở lại Thành phố để chống dịch, chỉ trừ một trường hợp đặc biệt được giải quyết về quê do người thân mắc bệnh nan y. Đối với các cán bộ, viên chức đã mua vé tàu, máy bay… được các đơn vị vận tải hành khách hỗ trợ hoàn vé.

339/451 nhân sự của HCDC được huy động hỗ trợ các quận huyện tham gia các hoạt động phòng chống Covid-19 trong dịp Tết. Các nhân sự còn lại luôn chuẩn bị sẵn sàng trực, ứng phó khi có lệnh.

Với chiến lược xét nghiệm thần tốc đã khoanh vùng được nguồn lây chính là yếu tố quyết định giúp kiểm soát chuỗi lây nhiễm tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tính đến sáng nay, chúng tôi đã thực hiện gần 45.000 test xét nghiệm, trung bình mỗi ngày làm 1.000 test”, bác sĩ Dũng cho hay.

Theo bác sĩ Dũng, với 10 ngày “chiến đấu” thần tốc và 4 tuần tăng tốc triển khai các biện pháp kiểm soát  người về từ vùng dịch (từ 10/2 đến 10/3), đến sáng nay, TP.HCM đã tổ chức cách ly 186 người về từ vùng dịch và ổ dịch; giám sát người về Thành phố, lấy mẫu ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, nhà ga 1.000 mẫu mỗi ngày.

Đối với việc lấy mẫu xét nghiệm nhân viên Công ty VIAGS, bác sĩ Dũng cho biết, đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm của 143 người thuộc tổ bốc xếp hàng hóa, đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính SARS-CoV-2. Đối với những người này, đã thực hiện lấy mẫu xét nghiệm 2 lần đều âm tính và sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm đủ 4 lần.

Theo giám đốc HCDC, thời gian tới Thành phố sẽ tiến hành đánh giá giám sát các chuyên gia nhập cảnh từ Nhật Bản. Theo thống kê có khoảng 700 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh tại TP.HCM, trong đó hơn 200 người làm việc tại TP.HCM. “Chúng tôi đã chuyển thông tin các chuyên gia cho các quận, huyện lấy mẫu giám sát theo tinh thần của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19”, bác sĩ Dũng nói.

Để chia lửa cho Thành phố, bác sĩ Dũng đề xuất, UBND TP.HCM cho phép các đơn vị, doanh nghiệp muốn tự thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho nhân viên trở lại Thành phố làm việc. “Đây có thể xem là hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp tham gia với ngành y tế kiểm soát dịch Covid-19, mở rộng đối tượng giám sát ở Thành phố”, bác sĩ Dũng nói.

Ngoài ra, theo bác sĩ Dũng, cần có cơ chế tài chính đặc thù cho hệ thống y tế dự phòng, để có thể vừa chống "giặc", vừa đảm bảo kinh tế cho các đơn vị, tạo sức mạnh đồng bộ cho cả hệ thống dự phòng nói riêng, và hệ thống y tế Thành phố nói chung, đảm bảo chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.

Phải sẵn sàng ứng phó khi có 50 hay 500 ca bệnh Covid-19

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá cao tinh thần làm việc chủ động, hy sinh vì cộng đồng của các nhân viên y tế TP.HCM, đặc biệt là HCDC.

"Người dân TP.HCM đã có một cái Tết diễn ra an toàn, từ 30 Tết đến nay, dù mở rộng tầm soát nhưng chưa phát hiện ca nào mới", ông Đức nói.

Ông Dương Anh Đức đề nghị, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, điển hình ở Hải Dương, các ca mắc biến chủng ở Anh gia tăng rất nhanh. Do vậy, Thành phố tuyệt đối không được mất cảnh giác, lơ là, cần chủ động rà soát công tác chống dịch hiệu quả nhất, nếu tình hình dịch thay đổi như có biến chủng mới thì phương thức chống dịch phải khác, đảm bảo an toàn là trên hết.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức động viên tinh thần 'chiến đấu' chống Covid-19 của nhân viên, y bác sĩ HCDC. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức động viên tinh thần "chiến đấu" chống Covid-19 của nhân viên, y bác sĩ HCDC. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Dương Anh Đức đề nghị HCDC cần có kế hoạch tham mưu phòng dịch chủ động cho Thành phố, không để bị động, chạy theo gây mất sức, dàn trải lực lượng. “Dịch có thể còn kéo khá dài 6 tháng đến 1 năm, không có gì bất ngờ nên phải luôn đặt trong tinh thần cảnh giác. Không bao giờ được mất đi sự chủ động trong công tác phòng chống dịch”, Phó Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Đức cũng đề nghị Sở Y tế TP.HCM hoàn thiện kế hoạch ứng phó với mọi tình huống phát sinh, kể cả là tình hình xấu khi vượt quá 50 ca Covid-19, có thể đến cả 500 ca bệnh, kiểm tra nguồn dự trữ nhân lực, vật lực để khi cần có thể kích hoạt được ngay.

"Hiện trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều đơn vị được cho thực hiện xét nghiệm Covid-19, cho nên cần công bố công khai rộng rãi các đơn vị xét nghiệm để người dân được rõ cách thức đăng ký, minh bạch công khai giá cả để tránh trục lợi", Phó Chủ tịch TP.HCM nói.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm