| Hotline: 0983.970.780

108 hay 541 triệu trẻ em buộc phải làm nông?

Thứ Sáu 15/06/2018 , 10:30 (GMT+7)

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo khoảng 108 triệu trẻ em đang phải lao động trong ngành nông nghiệp, không được học hành, vui chơi như bạn bè cùng trang lứa.

Con số nào cũng rất cao

Sau hàng thập kỷ suy giảm đều đặn, tình trạng trẻ em phải lao động trong ngành nông nghiệp đang gia tăng vài năm gần đây, FAO ra thông báo.

18-14-33_3
Liên hợp quốc cảnh báo hàng trăm triệu trẻ em đang phải lao động nặng nhọc

Tuyên bố này được đưa ra đúng ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em (12/6). FAO cho rằng thực trạng trên không chỉ đe dọa cuộc sống trẻ em, mà còn có nguy cơ xóa sổ những nỗ lực để chấm dứt nghèo đói trên toàn cầu.
 

Thách thức dai dẳng

Theo ước tính của FAO, từ năm 2012, số lao động trẻ em trong nông nghiệp đã tăng “ổn định” từ 98 triệu lên 108 triệu. Các vùng có xung đột lâu dài, đặc biệt tại các nơi có xung đột và thảm họa thiên nhiên do thay đổi khí hậu toàn cầu, đẩy hàng trăm nghìn trẻ em phải lao động nặng nhọc.

Các trại tỵ nạn của người Syria tại Lebanon là một ví dụ, trẻ em buộc phải lao động để bảo đảm sự sống còn của gia đình. Trẻ em phải làm việc trong các nông trại, xí nghiệp chế biến tỏi, sản xuất cà chua, thu hoạch khoai tây, đậu, và cả ngành may mặc. Thuốc trừ sâu, điều kiện vệ sinh môi trường kém, nhiệt độ cao và mệt mỏi khi làm công việc đòi hỏi thể lực trong thời gian dài là những điều hiện hữu mà các lao động nhí phải đối mặt.

Các nỗ lực của thế giới nhằm loại bỏ tình trạng này đang gặp phải những thách thức dai dẳng, đó là đói nghèo ở nông thôn, sự tập trung lao động trẻ em trong các hình thức kinh tế phi chính thức và việc buộc phải lao động trong gia đình.

“Trẻ em làm việc nhiều giờ mỗi ngày, có khả năng gia nhập vào đội ngũ đói nghèo thay vì thoát khỏi cảnh đó. Chúng không có cơ hội tới trường, điều có thể giúp chúng tiếp cận những công việc có thu nhập tốt hơn trong tương lai. Kể cả trong ngành nông nghiệp, khi xu hướng hiện đại hóa đang ngày càng rõ rệt”, ông Daniel Gustafson, Phó tổng giám đốc FAO, cho biết.

Gustafson nhấn mạnh việc 70% lao động trẻ em xuất hiện trong ngành nông nghiệp, cho thấy điều cần thiết là phải xóa bỏ thực trạng này trong chính sách nông nghiệp quốc gia, và giải quyết vấn đề từ cấp độ gia đình.

“Nếu không thực hiện, nó sẽ làm trầm trọng thêm nạn đói nghèo ở nông thôn. Chúng ta cần phá vỡ vòng luẩn quẩn này, nếu muốn hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững”, Gustafson nói.
 

Bảo vệ trẻ em

Trong nỗ lực xóa bỏ nạn lao động trẻ em, FAO đang tìm cách đưa các tài liệu phù hợp với từng quốc gia, cung cấp hướng dẫn thực hành, chẳng hạn như Sổ tay theo dõi và đánh giá lao động trẻ em trong các chương trình nông nghiệp, hay các hướng dẫn hình ảnh trực quan về việc bảo vệ trẻ em khỏi thuốc trừ sâu.

18-14-33_2
Liên hợp quốc cảnh báo hàng trăm triệu trẻ em đang phải lao động nặng nhọc

Tại Lebanon, nơi có nhiều lao động trẻ em Syria, FAO đã đưa tới một câu chuyện trực quan ngắn về sự nguy hiểm của thuốc trừ sâu cho trẻ nhỏ. Cơ quan này cho biết trẻ em tại trại tỵ nạn có thể bị mù chữ, nên tuyên truyền bằng hình ảnh sẽ hiệu quả hơn.

Mặt khác, tính tới tâm lý của trẻ, FAO đang thử nghiệm một ứng dụng trên điện thoại di động dưới hình thức trò chơi, cho trẻ thấy rủi ro và mối nguy hiểm liên quan đến các các công việc nhà nông. Tại Uganda, FAO phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản và Bộ Lao động, Giới và Phát triển Xã hội, tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến nông địa phương, giáo viên, sinh viên để thúc đẩy giải pháp lao động an toàn cho thanh thiếu niên, ngăn chặn việc trẻ em phải làm công việc nặng nhọc.

Hôm 12/6, chính phủ Uganda cũng đã tham gia chiến dịch toàn cầu về chấm dứt nạn lao động trẻ em. Chương trình này nằm trong Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của FAO.

Tờ Black Star News, dẫn nguồn tin Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), nói con số lao động trẻ em cao hơn nhiều so với số của FAO đưa ra, đó là 541 triệu trẻ. “Châu Phi chiếm đông nhất trong hơn nửa tỷ trẻ em phải lao động. Mặt khác, 70% lao động trẻ em đang phải oằn mình làm việc trong ngành nông nghiệp. Lao động trẻ từ 15 tới 24 tuổi bị thương tích là 40%, và phải đối diện nguy cơ tử vong cao hơn nhiều so với lao động trưởng thành”, bà Jacqueline Adongakullu Acayo, đại diện ILO, cho biết.

Bà Acayo nhắc lại khái niệm “Lao động trẻ em”, tức vấn đề sử dụng trẻ em trong bất kỳ công việc nào tước đi thời thơ ấu của trẻ, cản trở việc đi học thường xuyên, và gây tác hại về tinh thần, thể chất, xã hội hay đạo đức, nguy hiểm và độc hại.

Vấn đề này từng được đề cập tại Việt Nam hồi tháng 3. Khi đó, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức nên có thể khó phát hiện. Trong sản xuất hộ gia đình, trẻ em thường rất dễ bị tổn thương do thu nhập của bố mẹ không đủ hoặc các doanh nghiệp gia đình phi chính thức không đủ tiền thuê lao động trưởng thành nên phải để con em mình lao động không được hưởng lương.

Theo ILO, phòng chống lao động trẻ em đòi hỏi cần có các chính sách đồng bộ để hỗ trợ pháp luật quốc gia về lao động trẻ em. Đó là nền giáo dục với chất lượng tốt, bảo trợ xã hội và việc làm bền vững cho cha mẹ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất