Còn đâu màu xanh
Trong cái nắng bỏng rát đầu tháng 5, vượt qua gần 200km, chúng tôi tìm về thôn Bù Ka, xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập. Tại đây, khi chúng tôi ngỏ ý muốn nhờ người dẫn đường vào khu vực rừng cháy, thì họ lảng tránh và nhìn bằng ánh mắt nghi ngại.
Cảnh hoang tàn của những cánh rừng tái sinh. |
Tưởng phải tự mò mẫm tìm đường thì may mắn có một thanh niên tên Điểu H đồng ý dẫn đường. Trước khi đi, H, cũng không quên “hoá trang” cho tôi thành một nông dân chính hiệu với quần áo lao động, chiếc mũ vải sụp xuống, che kín nửa khuôn mặt cùng đôi giày vải. “Sao phải hoá trang?”, tôi hỏi. H ngập ngừng: “Tại tôi sống ở đây, để người ta biết mai mốt anh về rồi họ đến hỏi han, làm phiền”. Ngoài ra, H cho biết, sau khi phát hiện rừng bị phá, chính quyền cử người đến trông coi nên người dân không dám bén mảng tới.
Trên chiếc xe cà tàng bám đầy đất đỏ, H dẫn chúng tôi chạy qua những đoạn đường gập ghềnh, hết dốc cao lại đến sình lầy. Vừa chạy xe, H vừa nói: “Hồi xưa vùng này toàn rừng, sau thì phần do người dân xâm canh, phần do người ta “chuyển đổi rừng nghèo” sang trồng cao su. Mấy năm nay, vùng này tưởng sắp có những cánh rừng mới, ai ngờ chưa kịp lên đã bị đốt mất”.
Đánh vật với đoạn đường hiểm trở chừng nửa giờ, trước mắt chúng tôi là những bụi lồ ô đã bị đốt cháy đen. Đi sâu vào một đoạn, khung cảnh trước mắt khiến ai cũng xót xa: cả một sườn đồi rộng mênh mông bị đốt cháy rụi, hàng trăm bụi lồ ô cháy nham nhở, xen lẫn những cây cám, cây cày, cây lim lớn nhỏ đã bị chặt lấy thân. Nhìn toàn cảnh chẳng khác gì một bãi chông lớn.
Một cây gỗ bị chặt hạ và cháy đen. |
Chỉ tay vào một gốc cây cày khá to, H cho biết: “Đây là rừng tái sinh, chủ yếu là cây lồ ô, xen những cây gỗ lớn chừng này. Nếu được chăm sóc, bảo vệ, chục năm sau cũng thành rừng rậm thôi”. Mảnh rừng bị đốt ước khoảng hơn 1 tháng, sau khi có một trận mưa, nhiều gốc cây đã kịp đâm chồi. “Mấy hôm đầu khi rừng mới bị cháy, cả vùng này mịt mù bụi, tro than bay, không khí ngột ngạt lắm, may mà cách đây vài ngày, có trận mưa nên đỡ bụi”, H. nói tiếp.
Một cán bộ Công an huyện Bù Gia Mập cho biết, khi phát hiện vụ việc, công an huyện đã yêu cầu dừng việc chặt phá và có báo cáo lãnh đạo huyện. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến Hạt Kiểm lâm Bù Gia Mập hỏi, thì ông Hạt trưởng Trần Quốc Hùng lại không biết, đồng thời khẳng định, đơn vị có hệ thống định vị theo dõi, nếu xảy ra cháy thì thiết bị sẽ báo lên hệ thống. |
Sau khi ghi hình, chúng tôi tiếp tục vượt qua một đoạn dốc cao sang sườn đồi kế bên. Tại đây, ngoài khung cảnh hoang tàn tương tự, còn có một số lều bạt, giường và vật dụng khác bỏ lại bên lề đường. Theo người dân, chủ mưu vụ đốt và phá trụi 10ha rừng này là một người đàn ông tên N, ở TX Phước Long, tỉnh Bình Phước, đi cùng ông N là một nhóm người.
Nhập nhèm chủ rừng
Theo hồ sơ, khu vực rừng bị đốt này thuộc khoảnh 1 và 2, tiểu khu 52, có 23,51ha, ban đầu được giao cho Công ty TNHH MTV cao su Phước Long (Công ty Phước Long) quản lý.
Năm 2017, công ty này lập hồ sơ xin trồng rừng SX và được Sở NN-PTNT tỉnh phê duyệt. Cuối năm 2017, công ty ký hợp đồng liên doanh với công ty Anh Huy để trồng rừng SX bằng cây lâm nghiệp.
uy nhiên, suốt năm 2018, công ty Phước Long và Anh Huy không thực hiện việc trồng rừng này. Bên cạnh đó, hồ sơ liên doanh giữa 2 công ty không phù hợp và không được dư luận đồng tình.
Theo ông Đặng Khiết, Giám đốc BQL rừng phòng hộ (BQLRPH) Đắk Mai, thì rừng tại khoảnh 1,2, tiểu khu 52 này đã được giao lại cho BQLRPH Đắk Mai quản lý từ 1/1/2018, nhưng chỉ…giao miệng.
Lán trại và một số vật dụng của nhóm người đốt rừng còn bỏ lại. |
Vì thế, năm 2018, công ty Phước Long vẫn tiến hành chuẩn bị liên doanh trồng rừng với công ty Anh Huy. Ngày 5/3/2019, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Lê Quang Oanh đã triệu tập cuộc họp, yêu cầu BQLRPH Đắk Mai “có trách nhiệm quản lý chặt chẽ, không để xảy ra cháy hoặc tác động khác đến toàn bộ hiện trạng, diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại khoảnh 1, 2 tiểu khu 52; ngưng toàn bộ mọi hoạt động trồng rừng SX tại đây và giữ nguyên hiện trường, tăng cường quản lý, bảo vệ đảm bảo công phòng cháy chữa cháy; làm việc với Công ty Cao su Phước Long, yêu cầu công ty Phước Long thanh lý tất cả các hợp đồng giao khoán trồng rừng đã liên kết trước đây và giao lại cho BQLRPH Đắk Mai quản lý theo chức năng”.
Mãi đến ngày 20/3/2019, công ty Cao su Phước Long mới có văn bản gửi Sở NN-PTNT tỉnh đề nghị thanh lý hợp đồng với công ty Anh Huy và bàn giao lại diện tích lâm nghiệp tại khoảnh 1,2, tiểu khu 52 cho BQLRPH Đắk Mai.
Được giao quản lý từ 2018, nhưng đến tháng 3/2019, chủ rừng là BQLRPH Đắk Mai vẫn phải gửi công văn đề nghị Công ty cao su Phước Long bàn giao. |
Ngày 1/4/2019, GĐ Sở NN-PTNT Trần Văn Lộc có văn bản gửi BQLRPH Đắk Mai, yêu cầu “Tiếp nhận và thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp tại khoảnh 1 và 2, tiểu khu 52 do công ty Cao su Phước Long bàn giao lại, trường hợp đất trống thì xây dựng phương án trồng rừng, tránh xâm canh, lấn chiếm”. Tuy nhiên, BQLRPH Đắk Mai chưa kịp thực hiện thì gần một nửa diện tích rừng đã bị đốt cháy.
PV đã liên hệ với ông Trần Văn Lộc, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước về vụ việc. Xin trích một đoạn cuộc nói chuyện: Ông Lộc: “Đây không phải là đốt, phá rừng, mà là người ta xử lý thực bì để trồng lại rừng”. PV: “Nhưng có nhiều cây gỗ to to cháy lắm, và diện tích lên đến 10ha?”. Ông Lộc: “Thì đúng. Nhưng đừng nói cháy rừng do phá rừng, nói vậy là bậy. Sáng nay tôi vừa họp, báo cáo Tỉnh uỷ rồi, sẽ xử lý công ty Phước Long”. PV: “Nhưng xử lý vấn đề gì? Họ có đốt rừng, phá rừng đâu?”. Ông Lộc: “Xử lý chuyện họ liên doanh tầm bậy”. PV: “Bên công ty Phước Long đã bàn giao lại rừng này cho BQLRPH Đắk Mai chưa? Rừng đó bây giờ ai quản lý?”. Ông Lộc: “Giao rồi, thì Đắk Mai quản lý chứ ai. Kế hoạch là giao khoán lại cho đồng bào trồng rừng”…
Lãnh đạo huyện Bù Gia Mập chỉ đạo “giữ nguyên hiện trạng rừng, bảo vệ và không được tác động”. |
Ông Đặng Khiết, Giám đốc BQLRPH Đắk Mai, chủ rừng khẳng định trong hồ sơ, khu vực xảy ra tình trạng chặt phá và đốt cháy là “đất trống”. Tuy nhiên, từ hình ảnh của phóng viên cung cấp, ông thừa nhận đây là khu vực rừng tái sinh, với chủ yếu là cây lồ ô và một số loại gỗ nhưng không lớn và khẳng định do một số người dân chặt phá nhưng chưa xác định được chính xác các đối tượng. |