| Hotline: 0983.970.780

1.150 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp

Thứ Năm 09/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Đó là số liệu được đưa ra tại hội nghị “Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa” được Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) mới đây.

Theo Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có 6.648 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó có 560 hồ chứa lớn có dung tích trên 3 triệu m3 và 1.752 hồ có dung tích từ 0,2 - 0,3 triệu m3. Các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân.

Tuy nhiên hầu hết các hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ được xây dựng từ 30 - 40 năm trước, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế trước đây đã không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan, nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa là rất cao.

Mặc dù cả nước đã sửa chữa, nâng cấp được 600 hồ các loại, với tổng kinh phí gần 6.000 tỷ đồng, riêng trong năm 2013-2014, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ các địa phương sửa chữa cấp bách 93 hồ với tổng kinh phí 951 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo thống kê, các địa phương hiện vẫn còn 1.150 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần sớm được sửa chữa nâng cấp.

Ông Đặng Tiến Dũng, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Bình cho biết, toàn tỉnh có 151 hồ chứa, hầu hết được xây dựng trước năm 1990, được đầu tư với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, công nghệ thi công lạc hậu, chất lượng còn hạn chế; nhất là các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý.

Vì vậy hiện nay nhiều công trình đã xuống cấp hư hỏng. Quảng Bình là tỉnh nghèo, ngân sách địa phương hạn hẹp, vì vậy để nâng cao an toàn hồ đập, ông Dũng kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh kinh phí khôi phục lại các thông số của 60 hồ chứa nước không có hồ sơ thiết kế có quy mô 500.000 m3 trở lên.

Ông Phan Công Ngôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Lâm Đồng cho hay, toàn tỉnh có 426 công trình thủy lợi, trong đó 217 hồ chứa nước, đến nay mới có 100 hồ đập đăng ký an toàn đập.

Các hồ chứa có dung tích nhỏ gồm 126 hồ xây dựng trước năm 1990, hồ sơ lưu trữ không còn nên chưa đăng ký được. Số lượng hồ chứa có quy trình vận hành chưa nhiều, chỉ có 17 hồ chiếm tỷ lệ 7,8%.

Tỉnh mới nâng cấp được đập Thạch Thất, các hồ Đắk Lô, Đất Làng, Mê Linh, Ba Râu - Ba Cống, Nam Phương 1, Tân Rai. Trong khi đó nhiều công trình đã quá thời gian quy định cần phải kiểm định an toàn đập theo quy định, nhưng do thiếu kinh phí nên chưa thực hiện được.

Theo Bộ NN-PTNT, thực hiện Chương trình bảo đảo an toàn hồ chứa của Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang thực hiện dự án WB8 "Sửa chữa và nâng cao an toàn” các hồ chứa, với tổng kinh phí 460 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 420 triệu USD; thời gian thực hiện từ 2015 - 2021. Hiện công tác rà soát, thẩm định danh mục các hồ chứa đang được triển khai. 

Do đó tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ NN-PTNT đưa 30 hồ chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao vào danh mục để thực hiện sửa chữa.

Còn ông Đoàn Đức Thiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hòa Bình cho biết, ngoài đập thủy điện Hòa Bình, thì không có hồ đập thủy lợi nào trên địa bàn tỉnh được lắp đặt các thiết thị theo dõi quan trắc thấm qua thân đập.

Các hồ chứa của tỉnh này đều được xây dựng từ năm 1960 - 1990, đến nay phần lớn thông số kỹ thuật của các công trình không đầy đủ. Việc đánh giá hiện trạng dựa vào quan sát trực quan nên nhiều ẩn họa tiềm ẩn không lường trước được.

Trả lời thắc mắc các địa phương trong việc các hồ chứa không xác định được hồ sơ thiết kế, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Cty Tư vấn xây dựng thủy lợi VN khẳng định, hiện Cty có đầy đủ trang thiết bị hiện đại có khả năng để kiểm tra xác định các thông số kỹ thuật của hồ chứa. Nhờ vậy vừa qua Cty đã hỗ trợ cho tỉnh Gia Lai khôi phục lại 3 hồ sơ của các hồ chứa. Vì thế các địa phương yên tâm.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng ghi nhận những ý kiến đóng góp các địa phương về an toàn hồ đập. Thời gian tới Bộ NN-PTNT tổng hợp các ý kiến; đồng thời tìm ra các giải pháp và nguồn lực tài chính để đầu tư cho hệ thống các hồ chứa một cách đồng bộ.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh: “Hiện nay công tác quản lý hồ chứa còn lỏng lẻo, hành chính. Vì thế mà có trường hợp nhiều hồ chứa bị bán trong thời gian qua. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quản lý, bảo quản, vận hành hồ chứa phải được coi trọng, vì đây là khâu quan trọng để đảm bảo sự thành bại của công trình, bảo đảm được hiệu quả nguồn vốn đầu tư”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.