| Hotline: 0983.970.780

14 thôn vùng sâu với đa phần hộ nghèo - Buồn tê tái Phong Hải ơi!

Thứ Hai 23/04/2018 , 14:30 (GMT+7)

Chẳng ai ngờ, một thị trấn nông trường từng hùng mạnh như Phong Hải (Bảo Thắng – Lào Cai), nay sống mòn, thở hắt ra từng hơi nặng nề. 41 năm khoác “cái áo” thị trấn, nơi này có đến 14 thôn đặc biệt khó khăn với đa phần hộ nghèo.

Tỷ lệ nghèo, cận nghèo toàn thị trấn luôn “ổn định” ở mức trên 40%. Cùng cực, cả người dân và chính quyền làm đơn gửi lên huyện, tỉnh xin được giải thể thị trấn…
 

Thị trấn “5 nhất”

Nhắc tới chữ Nhất, người ta thường nói về những thành tích vẻ vang, nhưng với Phong Hải, ấy là nỗi buồn tê tái. Trước đây, thị trấn nông trường Phong Hải vốn là xã Phong Hải với dân số chưa đầy 1.000 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, 90% là lao động nông nghiệp.

10-53-27_3
Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn

Đến năm 1976, khi thành lập nông trường quốc doanh Phong Hải thì đa số lao động nông nghiệp được tuyển vào làm công nhân. Theo Quyết định số 61-VP18 ngày 23/2/1977 của Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ, xã Phong Hải được chuyển tên thành thị trấn nông trường Phong Hải.

Nông trường quốc doanh Phong Hải sau chuyển đổi thành Cty TNHH MTV Chè Phong Hải. Tuy nhiên, do làm ăn kém hiệu quả, vùng chè của Phong Hải nay thu lại còn trên 100ha. Năm 2017, tỉnh Lào Cai đã quyết định cổ phần hóa và đổi chủ đơn vị này.

Xòe bàn tay, bà Vũ Thị Hồng Ánh, Chủ tịch UBND Thị trấn nông trường Phong Hải đếm được 5 cái Nhất của địa bàn mình phụ trách. Phong Hải là thị trấn có diện tích rộng nhất huyện Bảo Thắng cũng như tỉnh Lào Cai với 9.161ha. Nhưng trong đó, diện tích đất có thể sản xuất nông nghiệp chiếm rất nhỏ, còn lại là núi đồi hoang .

Phong Hải hiện là thị trấn có dân số đông nhất. Thị trấn này hiện có 2.577 hộ với hơn 10.500 nhân khẩu. Đây là nơi 9 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đông đảo nhất là đồng bào dân tộc Mông. Tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 50%.

10-53-27_4
Hơn 40% hộ dân tại Phong Hải là nghèo và cận nghèo

Dù khoác cái áo của thị trấn, nhưng Phong Hải luôn được biết tới là “vùng lõm” về kinh tế của huyện Bảo Thắng. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở đây là 41,7%. Phong Hải có 14 thôn, 5 tổ dân phố. Trong đó, 14 thôn vùng sâu đều thuộc diện đặc biệt khó khăn với đa phần hộ nghèo. Cả thôn có duy nhất trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ “được” thoát nghèo để trở thành hộ cận nghèo vì… là cán bộ.

Ông Thào Seo Phù, trưởng thôn Cửa Cải cho biết, cả thôn có 43 hộ với 258 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Riêng ông Phù “được” loại ra khỏi danh sách hộ nghèo vì là Đảng viên, là cán bộ gương mẫu của thôn.

Không có nước sản xuất, cuộc sống của người dân Cửa Cải một năm chỉ phụ thuộc vào một vụ lúa hoặc ngô, may mắn thì đủ ăn. Chính vì vậy, thôn này luôn có khoảng trên 30 người sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống. “Đường vào thôn quá xấu nên mua bán cái gì cũng đắt đỏ. Ví như một vụ làm lúa bán được 10 triệu, sau khi thanh toán phân bón, giống, thuốc trừ sâu… chắc chỉ còn được 1 triệu. Năm rồi 6 hộ có nguy cơ đói phải nhận gạo cứu trợ từ Chính phủ”, ông Phù nói, giọng buồn rầu.

Đường thôn các thôn của Thị trấn nông trường Phong Hải

Bà Giàng Thị Lá, thôn Cửa Cải bảo, một năm trồng được ít lúa thôi, không biết là bao nhiêu, khoảng 4 cân giống. Thóc thu về đủ tạm ăn, năm nào mất mùa thì đói. Tôi hỏi, trong nhà có tiền không, bà Lá lắc đầu: “Không có đâu”. “Ốm đau thì vay mượn. Lúc nào có đám cưới, đám ma cần tiền thì đem con gà ra chợ bán thôi. Trong nhà giờ còn 6 bao thóc để ăn tới tháng 6”, bà Lá ủ rũ.

10-53-27_2
Muốn đi vào các thôn, một là phải đi bằng xe số, hai là trời nắng, mưa thì cuốc bộ

Thu nhập bình quân ở Phong Hải chỉ đạt 21.3 triệu/người/năm. Không cần so với các thị trấn khác, ngay với các xã bạn như Bản Cầm, Xuân Quang (cùng huyện Bảo Thắng) thì Phong Hải đang tụt lại ở phía xa.

“Một cán bộ tại đây tâm sự, trước thì thị trấn viết tắt là tt, nghĩa là tê tê vì sung sướng. Nay cũng viết tắt là tt, nhưng dịch ra lại thành tê tái. Vì sao? Vì nghèo quá, khổ quá, buồn đến tê tái chứ sao”.

Cái nhất cuối cùng, theo bà Ánh đó là địa bàn có đường QL70 chạy qua dài nhất. Nhưng điều đó cũng không giúp ích gì để Phong Hải hết cảnh sống mòn.
 

“Trả lại tên cho em”

Năm 2014, theo điều tra và chấm điểm tiêu chí đô thị loại 5, Phong Hải chỉ đạt 23,9 trên mức thang 100 điểm. Tới năm 2016, con số này nhích lên thành 33,8 điểm. Còn theo điều tra về tiêu chí hộ nghèo, hiện Phong Hải đang đứng đầu huyện Bảo Thắng.

Dù mang cái mác thị trấn, nhưng mọi hoạt động cũng như nhận thức của cán bộ, người dân địa phương, đây vẫn là xã Phong Hải. Núp đằng sau trụ sở thị trấn là một căn nhà nhỏ, bên ngoài gắn tấm biển “Ban công an”. Trên danh nghĩa, đây là trụ sở của Công an thị trấn nông trường Phong Hải nhưng thực chất chỉ là ban công an xã. Nghe thì “oách” nhưng chỉ có một trưởng và một phó công an. Hai người này chỉ là công an viên, không quân hàm, cấp bậc, và đương nhiên không phải là sỹ quan chính quy. Hỏi về sự oái oăm này, các công an viên đều cười buồn không thể lý giải.

10-53-27_5
Công an viên làm việc tại thị trấn Phong Hải

Theo bà Ánh, dù kinh tế xã hội của địa phương chỉ mang tầm cấp xã nhưng luôn bị áp dụng điều tra bằng các tiêu chí của thị trấn. Cũng chính vì vậy, Phong Hải bị loại ra khỏi nhiều chương trình đầu tư như 135, 30A hay xây dựng nông thôn mới (NTM).

“Nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân mắng sa sả rằng, các ông bà cán bộ thời kỳ này chẳng làm được gì cho dân, không mang lại lợi ích cho dân. Nhưng nếu cấp trên không đầu tư, điều kiện kinh tế của địa phương hạn hẹp, khó khăn như vậy thì chúng tôi cũng không biết giải quyết kiểu gì”, bà Ánh tâm sự.

Phong Hải đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên huyện Bảo Thắng cũng như tỉnh Lào Cai xin được giải thể thị trấn, trở về tên vốn có là “xã Phong Hải”. Lần gần đây nhất, ngày 3/11/2017, địa phương này tiếp tục gửi đơn lên UBND huyện Bảo Thắng, theo cách nói vui của lãnh đạo thị trấn là “Xin trả lại tên cho em”.

10-53-27_6
Một góc thôn Cửa Cải, thôn duy nhất có trưởng thôn thoát nghèo

Trước những kiến nghị chính đáng của Phong Hải, ngày 3/11/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Đặng Xuân Phong đã ký văn bản số 5388 về việc áp dụng thực hiện chính sách xây dựng NTM cho địa phương này. Giai đoạn 2016 – 2020, sẽ cân đối kinh phí đầu tư cho thị trấn Phong Hải. Trước mắt, sẽ tập trung đầu tư vào các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, các mô hình sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, cho tới nay, Phong Hải vẫn chưa nhận được bất kỳ sự đầu tư nào tư chương trình xây dựng NTM. Duy có con đường từ thôn Sín Thèn đi xã La Pán Tẩn (huyện Mường Khương) đang được xây dựng nhưng lại là tuyến đường liên huyện. Trong khi, cái người dân Phong Hải mong mỏi là sớm bê tông hóa 80km đường liên thôn nát như tương bần.

10-53-27_7
Trụ sở thị trấn nông trường Phong Hải

 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.