| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng lớn nhất Tương Dương - Nghệ An:

1,5 năm chưa tìm ra hung thủ!

Thứ Sáu 24/08/2018 , 13:20 (GMT+7)

189 cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc giữa chốn rừng già với khối lượng lên đến hàng trăm khối, vụ việc diễn ra tại khu vực vùng biên giới của huyện miền núi Tương Dương vào đầu năm 2017 được xác định có tính chất rất nghiêm trọng.

Mặc dù UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp, cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan phối hợp điều tra, xác minh nhưng vô vọng…
 

Rừng già kêu cứu

Thực hiện chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 11/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết của Huyện ủy về công tác quản lý, bảo vệ rừng, đầu năm 2017 UBND huyện Tương Dương đã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn liên ngành (Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng, các đồn biên phòng trên địa bàn) tổ chức tuần tra khu vực biên giới thuộc các xã Tam Hợp, Tam Quang, Nhôn Mai, Mai Sơn. Kết quả kiểm tra cho thấy tình hình an ninh rừng thực sự bất ổn.

11-24-10_1
Hiện tại mới có khoảng 80 m3 gỗ được vận chuyển ra ngoài

Theo đó, lực lượng liên ngành phát hiện có tình trạng chặt hạ cây rừng phòng hộ thuộc khu vực biên giới xã Tam Hợp, tiếp giáp với xã Lưu Kiền. Hiện trường chặt phá xác định là khoảnh 6 tiểu khu 697 và khoảnh 10 tiểu khu 683 thuộc địa giới hành chính xã Tam Hợp; khoảnh 15, 16, 17 tiểu khu 681 thuộc địa giới hành chính xã Lưu Kiền. Ngày 27/3/2017, Công an huyện ra quyết định khởi tố vụ án.

Cùng với đó, huyện Tương Dương đã chỉ đạo Công an huyện huy động tối đa lực lượng, phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác tiến hành rà soát, khám nghiệm toàn bộ vùng rừng giáp ranh giữa 2 xã Tam Hợp, Lưu Kiền với xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn.

Dựa vào số liệu thực tế thì đây là vụ phá rừng quy mô, có tính chất rất nghiêm trọng. Cụ thể, tổng cộng 189 cây gỗ pơ mu và sa mu bị chặt hạ trái phép (trong đó 154 cây còn nguyên thân tại hiện trường với khối lượng trên 288 m3; 35 gốc khác đã hoai mục, không còn thân), ngoài ra còn phát hiện thêm 41 thanh gỗ xẻ có khối lượng 7,7 m3. Số gỗ nói trên rải rác tại nhiều địa điểm khác nhau, nằm ở độ cao từ 1.400 – 1.600 m. Chủ rừng được xác định là Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương (sau đây gọi tắt là BQL RPH Tương Dương).

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh có sự chênh lệch về số lượng cây bị chặt phá và khối lượng gỗ liên quan, UBND huyện Tương Dương tiếp tục chỉ đạo cơ quan CSĐT Công an huyện chủ trì, phối hợp với các ban ngành có liên quan (Viện Kiểm sát, Hạt Kiểm lâm, BQL RPH) tiến hành kiểm tra, xác minh lại hiện trường và mở rộng khu vực điều tra, kết quả cuối cùng vẫn giữ nguyên như báo cáo ban đầu. Đành rằng con số không phát sinh thêm nhưng với gần 300m3 gỗ quý bị tàn phá không thương tiếc, đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh trước thực trạng “xẻ thịt” rừng phòng hộ vùng biên.

Trong báo cáo số 203/BC-UBND ngày 22/9/2017, UBND huyện Tương Dương “không quên” viện dẫn chi tiết hàng loạt khó khăn trong quá trình điều tra, xử lý vụ án như: Hiện trường trải rộng ở nhiều khu vực cách biệt, hiểm trở, xa dân cư, vùng phụ cận chỉ có các bản người Mông sinh sống; từ đầu năm đến nay mưa nhiều gây cản trở việc tiếp cận hiện trường; có biểu hiện che giấu thông tin liên quan đến các đối tượng nghi vấn; địa điểm chặt phá cách xa, không có đường vận chuyển nên việc thu hồi vật chứng mất nhiều thời gian, công sức và tốn kém kinh phí (?!).

Cùng với đó, huyện Tương Dương cũng thừa nhận khu vực giáp ranh giữa xã Lưu Kiền và xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) lâu nay thường diễn ra tranh chấp gay gắt, 2 huyện đã nhiều lần phối hợp xử lý nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Đối tượng nghi vấn trong vụ án chủ yếu là người Mông sinh sống tại địa bàn giáp ranh, trong quá trình xử lý vụ án nếu không có các biện pháp đồng bộ có thể dẫn đến những nảy sinh về an ninh biên giới, dân tộc.
 

Bế tắc

Quan điểm trên chưa hẳn thiếu căn cứ, tuy nhiên không thể vin hoàn toàn vào những yếu tố “khách quan” này để bào chữa cho thực trạng phá rừng hàng loạt. Nên nhớ ngoài đơn vị chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương) còn có các lực lượng chuyên trách và chính quyền các cấp cùng tham gia, giám sát và bảo vệ vốn quý. Rừng bị xâm phạm, đồng nghĩa với việc chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

11-24-10_2
Đây là vụ án phá rừng quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Tương Dương

Theo nhận định bước đầu, nghi can có thể là các hộ dân vùng đồng bào dân tộc Mông ở bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn và bản Phù Khả, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Sinh sống tại vùng giáp biên nên trong quá trình điều tra, không loại trừ khả năng một số đối tượng đã bỏ trốn sang Lào.

Liên quan đến vụ án này, những đối tượng trực tiếp xuống tay “tàn sát” rừng già vẫn chưa được xử lý triệt để, càng đau xót hơn khi đơn vị chức năng phát hiện có đến 4 cán bộ liên quan. Xét mức độ, hành vi, 3 người trong số đó bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra (1 của HKL huyện, 2 của BQL RPH Tương Dương). Đến thời điểm này, tất cả đều được cho tại ngoại và trở lại làm việc bình thường.

Cần biết rằng vụ án được phát giác vào tháng 3/2017, nhẩm tính đã sít soát 1 năm rưỡi trôi qua, việc các đối tượng “lâm tặc” trực tiếp phá rừng chưa bị lôi ra ánh sáng thực sự khiến dư luận bất an.

Ngày 28/8/2017 UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 213/UBND-NN chỉ đạo “xử lý việc chặt phá rừng tại xã Tam Hợp và Lưu Kiền”, trong đó có nội dung yêu cầu UBND huyện Tương Dương chỉ đạo BQL RPH Tương Dương (chủ rừng), HKL huyện khảo sát thực tế, xây dựng phương án thu hồi, tập kết số gỗ trái phép.

Với kinh phí dự kiến khoảng 12 triệu/m3, ước để vận chuyển xong xuôi thì số tiền phải chi ra không hề nhỏ. Tài chính là một nhẽ, thời tiết, địa hình không thuận lợi cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ ì ạch, qua nắm bắt sơ bộ đến thời điểm này lực lượng chuyên ngành mới đưa ra ngoài được khoảng… 80 m3, tức chưa đạt 1/3 tổng khối lượng chung.

 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.