| Hotline: 0983.970.780

15 phút thành anh hùng

Thứ Ba 05/02/2013 , 10:45 (GMT+7)

Tôi gọi ông là anh hùng không chỉ vì ông là anh hùng xịn được Nhà nước phong tặng mà còn là những hành động ngoài sức tưởng tượng của người thường.

Tháng 12/2012, Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đã khánh thành trước thời hạn 3 năm. Đó là công sức của đất nước, của hàng triệu con người, nhưng chúng tôi xin giới thiệu về một người mà đóng góp của ông vô cùng đặc biệt: Tổng giám đốc Lê Văn An của Tổng Cty Cơ điện nông nghiệp và Thủy lợi (AGRIMECO).

Tôi gọi ông là anh hùng không chỉ vì ông là anh hùng xịn được Nhà nước phong tặng mà còn là những hành động ngoài sức tưởng tượng của người thường.

15 phút, 28 ngày đêm và 135 tỉ đồng

Hẹn gặp kỹ sư Lê Văn An bao giờ cũng khó, bởi cuộc sống của ông là những tháng ngày rong ruổi khắp các công trình thủy điện, thủy lợi của đất nước. Nghe có vẻ hơi là lạ bởi Cty ông đang đứng đầu là cơ điện nông nghiệp và thủy lợi. Nhưng tất cả đều có nguyên do, như chính ông vẫn gọi là cơ duyên. Cơ duyên đưa một AGRIMECO vốn hàng “em út” trong các công trình thủy điện vụt thành đơn vị dẫn đầu.


Anh hùng Lê Văn An

Xin được lấy mốc năm 2005 để nói về ông An và AGRIMECO. Đó là thời điểm công trình Thủy điện Sơn La đang hừng hực khí thế xây dựng thì đột nhiên có lệnh tạm dừng vì thiếu thiết bị nâng hạ thủy lực. Đó là thiết bị mà chỉ có những quốc gia thuộc khối G7 mới đủ khả năng SX bởi sức nâng lên đến 400 tấn trên độ cao 100 m. 

Do Thủy điện Sơn La có quy mô rất lớn, đập bê tông cốt thép cao đến 60 m, với bốn cửa cống dẫn dòng, mỗi cửa nặng 400 tấn nên để đóng, mở các cửa van này, cần một thiết bị có sức nâng 400 tấn đặt dưới cống dẫn dòng. Đây là những thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng, ở nước ta chưa thể chế tạo được. Để có được những thiết bị này phải đặt hàng trước gần 2 tháng với tổng chi phí lên đến 135 tỉ đồng, khi thủy điện dâng nước, 135 tỉ ấy cũng chìm theo luôn. Nhưng vấn đề không nằm ở sự đắt đỏ và lãng phí ấy, mà là thời gian. Thủy điện Sơn La vừa thiết kế vừa thi công nên không thể đặt trước, phải đăng ký và chờ đợi người ta thiết kế, SX, nhanh nhất là tháng rưỡi đến hai tháng. Tình thế ai ai cũng nghĩ sẽ phải tạm dừng để chờ nhập khẩu thiết bị.

Nhìn cảnh công trình đang thi công phải tạm dừng, ông Lê Bá Nhung, Tổng giám đốc Cty Cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1, đơn vị thiết kế Thủy điện Sơn La chẳng khác nào người trầm cảm. Nghĩ mãi chẳng ra cách gì ông Nhung chợt nhớ đến ông Lê Văn An, một người mà ông cho là có nhiều sáng kiến hay. Nhưng hi vọng cũng rất nhỏ, chỉ là cầu cứu trong lúc bí bách chứ thiết bị này gần như vượt ra ngoài tầm của các kỹ sư, chuyên gia trong nước. Vậy mà cuộc gặp gỡ tưởng chừng cầu may ấy lại thành công ngoài dự kiến. “15 phút tôi có cách ngay”, ông An nhớ lại hoàn cảnh ra đời thiết bị có tính chất lịch sử của các công trình thủy điện.

15 phút để đưa ra ý tưởng và một tuần bắt tay thiết kế, kỹ sư An xây dựng thiết bị nâng thủy lực cầu trục chân dê dựa trên nguyên lý sâu đo, chuyển động bước. Khi đổ bê tông được khoảng 12 m so với mặt nền sẽ sử dụng cần cẩu tải trọng 100 tấn thả cửa van dẫn dòng vào vị trí. Đối với thiết bị nâng hạ cửa van, thay vì sử dụng 4 xi lanh thủy lực cỡ lớn đặt ở đáy cống dẫn dòng, ông đề xuất sử dụng cẩu trục chân dê sức nâng 400 tấn phía trên lắp xi lanh thủy lực đặt trên đỉnh đập có thể di chuyển để lần lượt đóng từng cửa van. Bộ phận nâng hạ được thiết kế 8 xi lanh thủy lực, mỗi xi lanh có sức nâng 50 tấn được gắn vào 8 thanh thép để nâng các cửa van. Ngoài ra, cống dẫn dòng cao 60 m so với mặt đất nên việc đắp đường để vận chuyển thiết bị không những rất tốn kém (khoảng 60 - 70 tỉ đồng), mà còn mất nhiều thời gian thi công, khi vận chuyển xong thiết bị lại phải phá con đường này để thi công các hạng mục khác. Theo thiết kế của kỹ sư Lê Văn An, không phải thi công con đường vận chuyển thiết bị hàng chục tỉ đồng, góp phần quyết định rút ngắn thời gian thi công hạng mục này.

Cái “ý tưởng 15 phút và bản thiết kế một tuần” của ông bạn khiến ông Nhung phấn khởi đến nỗi cho họp ngay hội đồng thiết kế để báo cáo. Tất cả các thành viên của hội đồng này đều là dân thiết kế “xịn” đã há hốc mồm khi nghe một người “ngoại đạo” báo cáo bản thiết kế của mình. Và họ đã ủng hộ tuyệt đối vì hay quá. Nhưng khi đến Hội đồng thẩm định Nhà nước thì trục trặc. 2/3 thành viên của hội đồng này có văn bản gửi Thủ tướng xin bác vì “không thể mang công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á ra làm thí điểm được”. Bản thân người đại diện của Bộ Công Thương cũng lắc đầu khi có yêu cầu thẩm định bản thiết kế vì “nó đã vượt ra khỏi tầm kiểm định của chúng tôi”.

Giữa lúc giằng co ấy, một anh hùng khác xuất hiện. Đó là ông Thái Phụng Nê, đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ. Sở dĩ chúng tôi xin được phép gọi ông Nê là anh hùng bởi sau khi trực tiếp nghe ông An báo cáo bản thiết kế, đặc phái viên của Thủ tướng đã báo cáo đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó còn làm Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo công trình Thủy điện Sơn La) xin triển khai thực hiện trong vòng một tháng với tổng chi phí 12 tỉ đồng. Hành động mà lúc trà dư tửu hậu, hai vị anh hùng vẫn thường vỗ vai nhau mà rằng: Anh em mình liều quá.

Liều là vì cái hạn mức một tháng ấy, nhiều chuyên gia cơ khí cười mỉa. Họ cho rằng việc chế tạo một thiết bị 4 cửa van lớn với nhiều chi tiết phức tạp trong vòng một tháng là quá sức tưởng tượng. Tôi không thể hình dung cảm giác của các vị chuyên gia ấy thế nào khi AGRIMECO chế tạo thành công cẩu trục chân dê di chuyển trên đường ray của đỉnh cống để đóng mở từng cửa van trong vòng có 28 ngày. 28 ngày đêm lịch sử để cho ra đời thiết bị nâng thủy lực “made in AGRIMECO” có thời gian nâng hạ mỗi cửa chỉ  mất khoảng 2 - 3 giờ. Dự án có tên gọi là KC.05.DA.12 lấy công lớn nhất trong việc Thủy điện Sơn La hoàn thành vượt tiến độ. "Cậu to gan quá". Ông Lê Văn An thích câu nói ấy của ông Thái Phụng Nê vì ông biết rằng vị đặc phái viên của Thủ tướng “trách” nhưng thực chất là khen mình.


Thiết bị nâng thủy lực Thủy điện Sơn La

Số 0 và số 1 và vợ

“Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác giống như vậy, cảm giác không thể hình dung, không thể gọi tên”, ông An đang nói về cảm giác vào năm 2010, Thủy điện Sơn La tích nước, ở giờ phút Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút cho chạy thiết bị nâng thủy lực của mình.

Ông bảo, giữa đỉnh cống cao 60 m, xung quanh là đồi núi, gió lồng lộng thổi, nửa muốn đứng đó chứng kiến sản phẩm của mình vận hành, nửa muốn trốn khi nghĩ đến những rủi ro nếu công trình thất bại. Cuối cùng, cái sự liều mà mọi người vẫn thường nói về ông đã níu chân để rồi ông vỡ òa trong niềm hạnh phúc quá lớn lao.

Sau kỳ tích ở Thủy điện Sơn La, AGRIMECO trở thành “ngôi sao” ở các công trình thủy điện. Thiết bị nâng thủy lực “made in AGRIMECO” tiết kiệm cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng không chỉ vì bây giờ chẳng cần nhập khẩu mà còn là chi phí sản xuất. Thiết bị của AGRIMECO có thể dùng cho công trình này xong rồi chuyển sang công trình khác chứ không bị nhấn chìm luôn như các thiết bị nhập khẩu.

“Cũng giống như chuyện số 0 và số 1. Số 0 đứng trước, thiệt thòi hơn, nhưng hấp dẫn tôi hơn”, anh hùng của Thủy điện Sơn La hóa ra là người triết lý. Đấy là ông nói về những khó khăn khi sản thiết bị nâng thủy lực. Thiết bị ở đất nước này chưa SX bao giờ nên không có người để mà học hỏi kinh nghiệm, không có ai để hỏi han những lúc cần. Nhưng sau số 0 là số 1, chưa có rồi sẽ có. Ông chính là kinh nghiệm, là người đi trước cho thế hệ sau học hỏi, để ra đời nhiều thiết bị nâng thủy lực của đất nước này, chẳng cần phụ thuộc ai.

Vốn xuất thân là kỹ sư thủy lợi, gần như trọn đời người ông đều cống hiến cho những công trình. Từ Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến miền Trung… Trong câu chuyện của ông có lần chết hụt ở Hà Tĩnh, những tai nạn rợn người ở miền Nam… mà tình tiết có thể viết thành tiểu thuyết.

Tất cả những hiểm nguy, gian khổ đều được ông biện hộ bằng niềm đam mê. Ông mê đi công trường đến mức mới lấy vợ được 4 ngày đã phải vác ba lô lên đường. Không một dòng thư hay điện thoại gì cả, đến khi trở về thấy bụng mang dạ chửa sắp đến ngày sinh mới hay mình sắp được làm bố.

“Làm vợ mình hơi khổ vì đi suốt ngày”, câu nói đầy tự sự của người đàn ông từng bị công an gọi đến 43 lần vì “tội” xây dựng hệ thống phát điện ở Hà Tĩnh hiện đại quá khiến đám kỹ sư được học hành đàng hoàng vẫn không biết phải vận hành thế nào.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.