| Hotline: 0983.970.780

"19 chứ 30 tiêu chí cũng hoàn thành"

Thứ Sáu 23/12/2011 , 13:04 (GMT+7)

Chính quyền địa phương và người dân khẳng định, việc hoàn thành thực hiện các tiêu chí tiếp theo và người dân Sóc Sơn khá lên nhờ sản xuất nông nghiệp sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dân đã tin thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng
Một cách làm thôi nhưng Sóc Sơn (Hà Nội) bắn tới nhiều đích. Rõ ràng là chìa khóa để xây dựng NTM ở Sóc Sơn đã mở. Chính quyền địa phương và người dân khẳng định, việc hoàn thành thực hiện các tiêu chí tiếp theo và người dân Sóc Sơn khá lên nhờ sản xuất nông nghiệp sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

>> HTX sống lại, DN ào ào đầu tư
>> Bắt đầu từ cái dân quan tâm nhất
>> Hãy để nông dân là chủ thể thực sự

Một mũi tên trúng nhiều đích

Trao đổi với lãnh đạo huyện, xã, thôn ở Sóc Sơn, họ đều khẳng định: Tiêu chí khó nhất là quy hoạch lại đất đai, tổ chức lại sản xuất để tăng thu nhập cho người dân đã làm được thì việc hoàn thành các tiêu chí còn lại không có gì là khó khăn cả. Các tiêu chí còn lại chỉ là các dự án, các dự án thì có tiền là làm xong ngay thôi.

Phó chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Ngô Đại Ngọc phân tích: "Bây giờ đường làng ngõ xóm chúng tôi đã để đất sẵn để mở rộng, bê tông hóa. Nghĩa trang thôn xóm, bãi rác, chợ nông sản ngoài đồng, nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi giải trí và sân vận động… chúng tôi đã có đất đạt chuẩn chỉ chờ có tiền là xây. Chúng tôi chỉ định hướng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, còn người dân họ bàn với nhau, mà bàn rất nhiều mới ra được, để dành đất xây cái nào ở chỗ nào cho phù hợp với phong tục tập quán của họ, tiện lợi cho cuộc sống nhất".

Rõ ràng là chỉ một thao tác quy hoạch lại đồng ruộng, Sóc Sơn đã giải quyết được nhiều điều. Ngày chia theo Nghị định 64, một là do chia bằng thước tay nên không chính xác, đất thường là dôi ra; hai là đất bờ vùng bờ thửa quá nhiều, khi chia lại thành những mảnh ruộng mẫu lớn cũng dôi ra; ba là đất 5% nằm ở khắp các cánh đồng, giờ quy hoạch được về một khu vực; đất gò đống, thùng vũng được xã quản lý nhưng cũng nằm rải rác khắp nơi giờ mới quy về được một chỗ.

Theo tính toán sơ bộ, sau khi quy hoạch lại chia đầy đủ cho dân theo diện tích cũ thì dôi ra hàng trăm héc - ta. Số đất dôi ra này đa số người dân đồng tình dành để mở rộng các cơ sở vật chất, đặc biệt quan tâm đến xây dựng các khu vui chơi giải trí, kêu gọi DN vào đầu tư, số tiền thu được của DN được đưa vào quỹ phúc lợi của người dân ở chính thôn đó. Mặt khác, dành một phần nhất định ở những khu vực thuận lợi để xin Nhà nước cho đấu giá lấy tiền xây dựng các cơ sở hạ tầng NTM.

Trưởng phòng TN-MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Chính phân tích theo khía cạnh tạo nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng NTM từ nguồn đất dôi ra: Nếu tất cả các hộ dân ở trong thôn đồng ý dành đất dôi ra xin thành phố cho phép đấu giá để lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng NTM, chúng tôi sẽ làm việc đó. Nếu họ không đồng ý, không ai vào đấu giá đất đó được. Không giống như trước đây, chính quyền muốn bán, trình thành phố cho phép bán. Thực chất về lý thì đất đó là đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nhưng người dân lại là người quyết định làm gì vì nó chính là bờ vùng, bờ thửa trước đây của dân, dân đã “mặc cả” cho họ quyền quyết định xử đất dôi ra thì họ mới đồng ý cho quy hoạch lại đất đai thành những cánh đồng mẫu lớn. Khi thực hiện đấu giá, số tiền thu được sẽ không phải là nhỏ.

"Cùng với nguồn vốn ngân sách của Nhà nước và sự đóng góp của dân, chúng tôi sẽ dễ dàng hoàn thành các công trình dự án xây dựng. Và trong 1-2 năm nữa, khi chúng tôi triển khai thực hiện những dự án đó cũng là lúc dân đã có thu nhập khá từ việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên những cánh đồng mẫu lớn, do vậy việc đóng góp của dân sẽ không trở nên quá nặng nề ở tại thời điểm này nếu huy động dân đóng góp. 19 tiêu chí chứ 30 tiêu chí chắc chúng tôi cũng hoàn thành được. Nếu không làm theo cách đó, cứ chờ nhà nước rót tiền thì hoàn thành được 19 tiêu chí phải dài dài", ông Nguyễn Văn Chính nói tiếp.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch UBND xã Trung Giã Nguyễn Thế Tài nói: Trước đây nếu nói đến đấu giá đất (bán đất) là dân không đồng tình. Vì dân không biết, không hiểu, cho rằng xã, huyện mập mờ và thực tế là có nơi mập mờ. Vả lại người dân cho rằng đồng ruộng như thế này thì bán đất mở rộng đường, bê tông đường giao thông, kênh mương làm gì? Bây giờ thì khác, bao nhiêu đất, đất như thế nào dân biết, dân bàn, dân toàn quyền quyết định. Số tiền thu được xây dựng cơ sở hạ tầng coi như là tiền của dân, dân giám sát.

Dân đã tin thì chẳng có gì khó

“Chúng tôi cảm thấy rất vui, phấn khởi và tràn đầy hi vọng vào một cuộc sống tốt hơn đang đến. Nói về khía cạnh chính quyền với dân, thì việc xây dựng NTM bắt đầu từ những việc làm dân quan tâm nhất, trăn trở nhất là tạo ra nhưng cánh đồng mẫu lớn để dân có thể sống được bằng đồng ruộng, giàu được bằng đồng ruộng là một sự lấy lại niềm tin của dân đối với chính quyền. Cái gì mà dân đã tin, cái gì mà chính quyền trao cho họ làm chủ, cái gì mà chính quyền khuyến khích được họ trực tiếp tham gia như là việc tạo ra phong trào sản xuất trên các cánh đồng mẫu lớn xây dựng NTM thì mọi chính sách ban ra đều có cơ hội thành công rất lớn", ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Đạo Thượng, xã Tân Hưng tâm sự.

Ước tính huyện Sóc Sơn phải chi ngân sách khoảng 250 tỉ đồng để hoàn thành toàn bộ việc quy hoạch các vùng sản xuất, các địa điểm xây dựng khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa, trường học, giao thông thôn xóm… và xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, nghĩa trang các thôn theo tiêu chí NTM.

Tuy vậy, cũng có những người dân nghi ngờ rằng, việc cởi trói cho dân bằng cách trao cho họ những mảnh ruộng mẫu lớn thay cho những mảnh ruộng nhỏ, tuy dân được lợi nhiều nhưng có khi đó lại là một kiểu “ru ngủ” của cán bộ. “Đất dôi ra nói là cho dân quyết định bán đấu giá theo quy định lấy tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng việc đấu giá đó nếu không giám sát chặt chẽ thì có khi lại “béo” mấy ông cán bộ. Đấy chỉ là một ví dụ”, một người dân đặt câu hỏi.

Khi đặt bút viết loạt bài này, cùng với ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia về NTM, chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều ý kiến thảo luận của cán bộ và người dân ở vùng nông thôn đã, đang và sẽ triển khai xây dựng NTM. Đây có thực sự là “chìa khóa”, là “đột phá”, là vận dụng một cách sáng tạo chủ trương xây dựng NTM không? Đây có phải là cách làm phù hợp với đa số các địa phương còn khó khăn về kinh tế, bị trói buộc về đất đai, trì trệ về phát triển nông nghiệp trong cả nước không? Đây có phải là cách làm phù hợp nhất, hiệu quả nhất, là con đường đi đến NTM nhanh nhất trong điều kiện hiện tại không?

Nếu giải đáp được tất cả những điều ấy, mỗi thôn, mỗi xã, mỗi huyện, trên cơ sở thực tế ở địa phương mình sẽ thực hiện được công cuộc xây dựng NTM nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất