| Hotline: 0983.970.780

19 tỉnh phía Nam đóng góp 63,7% GDP cả nước

Thứ Tư 14/08/2019 , 17:45 (GMT+7)

Đông Nam Bộ và ĐBSCL đóng góp 63,7% GDP của cả nước. Tuy nhiên hiện vấn đề đầu tư công tại vùng còn nhiều vướng mắc, cần được tháo gỡ. Nhất là vấn đề giải ngân vốn đầu tư.  

Ngày 14/8, tại TP Vĩnh Long diễn ra hội nghị “Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

Tăng trưởng cao hơn bình quân

Tại hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đầu tư công năm 2019 và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công năm 2020, giai đoạn 2021-2025.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ KHĐT, cho biết: Đông Nam Bộ là địa phương có tốc phát triển cao, tiếp tục khẳng định là vùng kinh tế đầu tàu của cả nước với đóng góp 40% ngân sách và 45% GDP, 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.

Ông Trần Văn Rón - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cùng các Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung, Võ Thành Thống chủ trì hội nghị.

Theo đó, 6 tháng đâu năm 2019, tốc độ phát triển kinh tế toàn vùng đạt 7,9% cao hơn bình quân chung của cả nước (6,76%). Bức tranh tăng trưởng của vùng khả quan. Toàn vùng có 2 địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp nhóm 10 là Bình Dương (6) và TP HCM (10).

Hơn 28.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký trên 400 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng qua. Nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động trên trong toàn vùng đạt trên 490 nghìn doanh nghiệp. Giải quyết việc làm cho gần 9 triệu lao động. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết,..

ĐBSCL tiếp tục giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia với đóng góp 50% sản lượng lương thực, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 20% sản lượng gạo thương mại toàn cầu.

Hiện ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư thơn nữa để phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng.

Sáu tháng qua, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá với tốc độ tăng trưởng GRDP 7,5%, cao hơn bình quân cả nước. Với thế mạnh diện tích đất nông nghiệp lớn 1,5 triệu ha. Nông nghiệp vùng đã có chuyển biến tích cực với tăng trưởng tích cực 2,93%, cao hơn so bình quân cả nước là 2,39%.

Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đã từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh trên các cây, con chủ lực như: cá tra, tôm, lúa gạo, trái cây gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo chất lượng, cạnh tranh.

Thu ngân sách vùng có bước đột phá, cao nhất từ trước đến nay đạt 64% dự toán Trung Ương giao, trên 54.800 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều tỉnh thu cao như TP Cần Thơ trên 65%, An Giang trên 69%, Bến Tre 66%,…

An sinh xã hội đảm bảo, diện mạo nông thôn khởi sắc. Sáu tháng đầu năm ĐBSCL có 528 xã đạt chuẩn NTM, gấp 2,7 lần so với thời điểm năm 2015. Chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, tắng 8 đơn vị so năm 2015.

ĐBSCL: Đói vốn nhưng giải ngân chậm

Tại hội nghị nhiều đại biểu cho rằng, hiện ĐBSCL vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng. Nhiều chỉ tiêu thấp so với cả nước. Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND Kiên Giang, cho biết: “Vừa qua rất nhiều chỉ tiêu của ĐBSCL còn thấp so với cả nước mặc dù so với tiềm năng lợi thế lớn của vùng. Đề nghị Bộ KH-ĐT tham mưu Chính phủ quan tâm nhiều hơn cho vùng ĐBSCL. Tôi đề nghị mức ưu tiên 1 cho vùng để tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng thuận tiện thì mới thu hút đầu tư, phát triển ĐBSCL.

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị ĐBSCL nên được quan tâm đầu tiên mức ưu tiên 1.

Trong khi ĐBSCL cần nhiều vốn nhưng tỷ lệ giải ngân của vùng cũng đang ở mức thấp. “Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30/7/2019, khu vực ĐBSCL có tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 38,56%, cao hơn mức trung bình cả nước là 36,11%” ông Trần Duy Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, ĐBSCL được Chính phủ giao được hơn 46.000 tỉ đồng, chiếm 98,08% số vốn được Quốc hội thông qua và hiện còn khoảng 904 tỉ đồng chưa giao được. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như một số địa phương vẫn còn tâm lý chủ quan vì Chủ tịch UBND các địa phương được quyết định kéo dài kế hoạch năm nay giải ngân đến cuối năm sau, trong khi một số địa phương tập trung giải ngân của năm trước dẫn đến chưa thực hiện quyết liệt; thứ hai, một số địa phương chưa phân cấp triệt để cho cấp xã và huyện dẫn đến kéo dài cho công tác giải ngân…

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đề xuất trong việc phân bố ngân sách cho các địa phương, thì Bộ KH-ĐT nên có định hướng giữ lại một phần ngân sách để đầu tư cho phát triển chung của vùng. “Ví dụ, trong tổng nguồn phân bổ cho các địa phương ĐBSCL, thì Bộ KH-ĐT phải đề xuất giữ lại khoản tiền nhất định”.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.