| Hotline: 0983.970.780

2 biện pháp kỹ thuật sản xuất ngô nếp, ngô ngọt

Thứ Tư 11/02/2015 , 10:06 (GMT+7)

Những năm gần đây, khu vực ven đô thị thành phố, thị xã trong cả nước đã hình thành nhiều vùng chuyên canh ngô nếp, ngô ngọt (ngô thực phẩm).

Mặc dù chưa có số liệu điều tra chính thức về tình hình phát triển ngô nếp, ngô ngọt, nhưng qua một số báo cáo đề tài, dự án cho rằng ngô nếp, ngô ngọt hiện nay chiếm hơn 10% diện tích ngô cả nước.

Sở dĩ như vậy là do ngô nếp, ngô đường có thời gian từ gieo đến thu hoạch rất ngắn, gieo trồng quanh năm và cho hiệu quả kinh tế rất cao trong phạm vi sinh trưởng 70 ngày.

Theo kết quả điều tra của tổ Nguyên liệu - Viện Nghiên cứu ngô, từ năm 2012 đến nay, tại Đan Phượng, Sóc Sơn (Hà Nội), trên 1 sào Bắc bộ 360 m2 đã cho thu nhập 2,8 - 3,6 triệu đồng (giá bán bắp tươi trung bình 2.300 - 3.000 đ/bắp) tương đương 77,5 - 99,7 triệu đ/ha. Ngoài ra còn thu được một lượng thân lá xanh đáng kể phục vụ chăn nuôi bò sữa.

Khi nghiên cứu về ngô nếp, ngô ngọt qua thực tiễn nhận thấy trên thị trường chỉ tiêu thụ được bắp loại 1, tức là có đường kính lớn từ 4,8 - 5,5 cm, chiều dài bắp 17 - 20 cm trở lên; hình thức đẹp, xanh, hạt đầy, không sâu bệnh. Những bắp thứ 2 hoặc bắp bé, không bán được hoặc có thì giá rất thấp.

Vì vậy điểm mấu chốt cho người SX cần phải đạt tỷ lệ bắp loại 1 cao nhất trên cùng diện tích, chứ không phải năng suất tổng số. Từ cơ sở đó, chúng tôi đã tiến hành nhiều thực nghiệm SX, trên nhiều giống ngô nếp, ngô ngọt. Vụ thu 2013 chúng tôi đã nghiên cứu hai giống ngô nếp đường và HN88, kết quả thu được như bảng 1.

Bảng 1. Kết quả nghiên cứu, vụ thu 2013 trên 2 giống ngô nếp đường và HN88

Tên giống

Mật độ (cây/ha)

Bắp loại 1 (%)

Bắp loại 2 (%)

Năng suất bắp tươi (tấn/ha)

1.                   Nếp đường

40.000

92,3

7,7

14,8

47.000

91,8

8,2

15,2

2.                   HN 88

40.000

88,9

10,1

15,5

47.000

93,5

6,5

14,9

Trung bình

-

92,0

8,0

15,1

1. Tổng kết qua nhiều năm chọn tạo giống ngô thực phẩm, chúng tôi thấy mật độ gieo trồng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ cho bắp loại 1 và đã xác định cho ngô nếp, ngô đường là: Hàng cách hàng từ 60 - 65 cm, cây cách cây từ 35 - 40 cm.

Mục đích đảm bảo cho 1 ha gieo trồng đạt 4,0 - 4,7 vạn cây/ha (1 sào Bắc bộ đạt 1.400 - 1.700 cây). Ở khoảng mật độ này bắp đạt tiêu chuẩn loại 1 trung bình là 92% (bảng 1). Nghĩa là 92 x (1.400 - 1.700)/100 sẽ đạt 1.300- 1.500 bắp loại 1/sào. Giá bán bắp tươi trung bình 2.500 đ/bắp, doanh thu là 3,2 - 3,7 triệu đ/sào (tức 88 - 102 triệu đ/ha).

Thực tế hiện nay giá bán lẻ trên thị trường năm 2013 - 2014 từ 5.000 - 6.000 đ/bắp, thu nhập còn cao hơn nhiều.

2. Một yếu tố rất khác biệt, đó là kỹ thuật bẻ bỏ toàn bộ bắp thứ 2 hoặc bắp thứ 3 (nếu có) ngay sau 2 - 3 ngày ngô trỗ cờ. Tuy nhiên, giải pháp chúng tôi trình bày ở đây đã được tiến hành từ năm 2010 đến nay (qua 6 vụ), cho cả ngô nếp và ngô đường.

Bảng 2, áp dụng khung mật độ tối ưu 4,7 vạn cây/ha (hàng 60 cm x cây 35 cm = 1.700 cây/sào Bắc bộ) chúng tôi tiến hành bẻ bắp thứ 2 và thứ 3, sau khi ngô trỗ cờ, phun râu dài 2 cm.

Kết quả vụ xuân 2014 cho thấy: Trên cả 2 giống ngô nếp bẻ bắp thứ 2 tỷ lệ bắp loại 1 khá đều từ 94,6 - 95,8% (trung bình đạt 95,2%) so với không bẻ bắp mà để tự nhiên (73,6%). Như vậy, nhờ bẻ bỏ bắp thứ 2 hoặc 3, đã làm tăng số bắp loại 1 lên 26,4% so với việc không bẻ bỏ bắp 2.

Bảng 2. So sánh biện pháp kỹ thuật bẻ bắp nhánh trên 2 giống ngô nếp vụ xuân 2014

Tên giống

Công thức

Bắp loại 1 (%)

Bắp loại 2 (%)

Năng suất bắp tươi (tấn/ha)

1.              Nếp đường

Không bẻ bắp

72,3

27,7

14,7

Bẻ bắp 2,3

95,8

4,2

16,4

2.              HN88

Không bẻ bắp

75,0

25,0

15,1

Bẻ bắp 2,3

94,6

5,4

16,6

Trung bình

Không bẻ bắp

73,6

26,4

14,9

Bẻ bắp 2,3

95,2

4,8

16,5

Theo cách tính sơ bộ như trên tại bảng 2 nhận thấy, ở mật độ hàng 60 cm x cây 35 cm, số bắp loại 1 đạt (95,2 x 1.700 cây)/100 = 1.618 bắp. Giá bán bắp tươi trung bình 2.500 đ/bắp, doanh thu sẽ đạt khoảng 4 triệu đ/sào (110 triệu đ/ha). Nếu không bẻ bắp thứ 2, số bắp loại 1 chỉ đạt (73,6 x 1.700 cây)/100 = 1.251 bắp. Giá bán 2.500 đ/bắp, thu nhập khoảng 3,1 triệu đ/sào.

Như vậy, việc không bẻ bắp đã thấp hơn so với bẻ bỏ bắp 2 là 4,0 - 3,1 triệu đ = 900.000 đ/sào (bằng 25 triệu đ/ha), rất có ý nghĩa với người SX. Chưa kể những bắp loại bỏ có thể sử dụng làm ngô rau cao cấp.

Hiệu quả của SX ngô nếp, ngô đường phụ thuộc vào số bắp loại 1 trên cùng một diện tích, cho nên chúng tôi không quá đề cao vấn đề năng suất tổng số. Bởi vì, nếu tính năng suất tổng số, có thể giữa việc bẻ bỏ bắp thứ 2, 3 so với việc không bẻ bỏ là chênh lệch không có ý nghĩa.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu cho thấy bẻ bỏ bắp 2, 3 không ảnh hưởng tới đổ gẫy hay nhiễm sâu bệnh. Việc rách lá mang bắp có xảy ra, nhưng không giảm năng suất, thậm chí có chiều hướng tăng cao (bảng 2), bởi vì khi loại bỏ bắp 2, 3 sẽ tập trung dinh dưỡng nuôi bắp thứ nhất; các vị trí lá già mang bắp thứ 2, 3 ở phía dưới, quá trình hô hấp lớn hơn quang hợp, dinh dưỡng vận chuyển về bắp kém.

Kỹ thuật bẻ bỏ bắp thứ 2, 3: Sau khi ngô trỗ cờ 2 - 3 ngày, bắp 2 đã ra râu dài 2 cm; kẹp lá dọc cây ngô, nắm chặt bắp cần bẻ bỏ, kéo ngang qua nách lá sẽ không gãy thân ngô. Một số nguồn ngô nếp, đường có nhánh gốc, cũng cần loại bỏ từ giai đoạn cây con (hình 1).

Kết quả này là thông tin khoa học về vài giải pháp hữu hiệu làm tăng năng suất chất lượng bắp đạt tiêu chuẩn loại 1 tiêu thụ trên thị trường mà chúng tôi đã thực nghiệm. Những kết quả đó có ý nghĩa thiết thực dành riêng ngô thực phẩm, rất bổ ích cho nông dân và các cán bộ khuyến nông triển khai SX.

(Viện Nghiên cứu ngô)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.