| Hotline: 0983.970.780

2 huyện khốn khổ vì "dự án lọc dầu" hụt

Thứ Hai 12/07/2010 , 07:00 (GMT+7)

Người kéo cày trả lãi, kẻ trốn khỏi quê hương vì không có tiền trả nợ. Đó là thực trạng chua xót ở một số địa phương các huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (Nam Định). Tất cả cũng chỉ vì tin vào VINASHIN mà đại diện là Cty CP Hoàng Anh.

Người kéo cày trả lãi, kẻ trốn khỏi quê hương vì không có tiền trả nợ. Đó là thực trạng chua xót ở một số địa phương các huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu (Nam Định). Tất cả cũng chỉ vì tin vào VINASHIN mà đại diện là Cty CP Hoàng Anh.

>> Tổng giám đốc Vinashin: Sau ba năm sẽ hồi phục!
>> ''Dư chấn'' Vinashin
>> Thêm đuôi, rồi cắt đuôi Vinashin vẫn bi đát
>>Lạm bàn chuyện ''con tàu'' Vinashin mắc cạn
>> Nợ gạo, nợ thịt, quỵt cả tiền công

Năm 2007 nông dân nhiều địa phương vùng biển Nghĩa Hưng và Hải Hậu mừng như bắt được vàng khi hay tin có một DN tầm cỡ...quốc tế đột nhiên về đầu tư các dự án đóng tàu, NM lọc dầu, sân bay...Bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp được dựng lên mà có nằm mơ họ cũng chưa bao giờ nghĩ tới. Cty TNHH Ngọc Dân ở thị trấn Quỹ Nhất là một trong những đơn vị phấn khởi nhất khi dự án của VINASHIN đầu tư vào xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng). Bởi sau bao nhiêu năm làm ăn "phọt phẹt" từ những gói thầu lẻ tẻ đột nhiên họ nhận được hợp đồng vào loại khủng từ Cty Hoàng Anh. 

Rất nhiều DN, cơ sở SXKD chết chìm khi tàu VINASHIN mắc cạn

Theo hợp đồng thì Cty Ngọc Dân chịu trách nhiệm san lấp mặt bằng khoảng 68ha ở vùng đầm nuôi tôm ven sông thuộc xã Nghĩa Thắng để VINASHIN xây dựng NM lọc dầu. Đổi lại sẽ nhận được tiền công, tiền vật liệu lên đến hàng chục tỷ đồng. Cơ hội quá lớn, dù không có tiền mặt nhưng Cty Ngọc Dân vẫn chấp nhận mượn sổ đỏ của anh em khắp nơi thế chấp ngân hàng lấy tiền trả cho các chủ tàu cát mà họ thuê san lấp mặt bằng theo hợp đồng. Trớ trêu thay, khi mặt bằng san xong, đến thời hạn thanh toán, đại điện Cty đến gặp Cty Hoàng Anh để nhận tiền công thì chỉ nhận được những lời hứa và động viên “chờ ít hôm”. Năm lần bảy lượt như thế, phía Cty Hoàng Anh chỉ chi trả được một nửa. Từ đó đến nay, 7,3 tỷ đồng tiền công còn lại của Cty Ngọc Dân vẫn chưa đòi được một xu.

“Lúc đầu lên đòi họ còn tiếp và hứa thư thư sẽ trả. Nhưng sau đó thì họ trốn. Điện thoại không nghe máy, gặp trực tiếp không được. Cho đến lần gần đây nhất, gặp được ông Nguyễn Văn Tuyên bên phía Hoàng Anh để đòi thì họ tuyên bố phá sản rồi. Thậm chí còn thách đố kiểu thích thì trả lại cát, ra xúc về mà bán”- ông Trần Văn Thân, GĐ Cty Ngọc Dân chán nản. Ba năm phía VINASHIN chây ỳ không chịu trả nợ là chừng ấy thời gian cả gia đình ông Thân è cổ ra chạy vạy trả lãi ngân hàng. Tính sơ sơ, mỗi tháng số tiền lãi cũng vài chục triệu đồng.

Bà Thu, vợ ông Thân không ăn không ngủ ốm lên ốm xuống vì xót của, suốt ngày chửi rủa phía Cty Hoàng Anh lừa đảo. Nhưng bà chửi rồi tự bà lại nghe chứ Cty họ ở đẩu đầu đâu. Cty Ngọc Dân đầu tư không biết bao nhiêu tiền mua vật liệu và thuê nhân công, đến nay vẫn chưa thể trả hết. Nợ nần chồng chất, cả nhà nai lưng ra làm công cũng không đủ tiền trả lãi. “Ngân hàng họ chỉ cho vay định mức, chúng tôi phải đi vay nóng bên ngoài. Bây giờ làm cật lực cũng không đủ tiền lãi. Trước đây cứ làm rồi chờ phía VINASHIN trả nợ lấp vào. Nhưng bây giờ thấy vô vọng quá”- bà Thu lo lắng. 

Bà Thu: Cả gia đình tôi kéo cày trả nợ thay VINASHIN

Không chỉ Cty Ngọc Dân mang họa vì tin lời hứa từ Hoàng Anh VINASHIN , dự án xây NM lọc dầu ở Nghĩa Thắng chết yểu kéo theo hàng trăm thảm cảnh của các DN, cơ sở kinh doanh đến người dân bình thường ở Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Chủ một DN bán sơn ở thị trấn Quỹ Nhất rất bức xúc nhưng lại xin giấu tên vì như chính lời anh thì “sợ tố với báo chí phía Cty tức lên lại không trả tiền thì vợ con tôi chết”. Hôm tôi đến, gặp anh cùng một nhóm những người bị VINASHIN quỵt nợ đang ngồi bó gối bàn tán chuyện Tập đoàn này sắp phá sản. “Bây giờ đi một mình đừng mong đòi được xu nào. Phải tập hợp 5-6 người lên nhưng họ cũng năm thì mười họa, trả lắt nhắt không biết khi nào mới lấy hết tiền. Lần này cũng thế, chỉ nhận được toàn lời hứa”.

Không ai thống kê được phía Hoàng Anh VINASHIN còn nợ ở Nghĩa Hưng và Hải Hậu bao nhiêu tiền. Chỉ biết rằng, ngoài những DN hợp đồng với Cty này đang đứng bên bờ vực phá sản thì vẫn còn rất nhiều cơ sở kinh doanh “chết theo” vì những hệ lụy. Cơ sở kinh doanh thiết bị SX Ngọc Lãm ở xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) là một thí dụ. Khi dự án về, dù chẳng hợp đồng hợp bóng gì với VINASHIN nhưng Ngọc Lãm cũng mở cờ vì các DN, chủ thầu đặt hàng liên tục. “6-7 trăm con tàu kéo về, cả vùng sông nước này lúc đó chẳng khác nào công trường cỡ bự. Bao nhiêu người có việc làm, bao nhiêu DN, cơ sở, nhà thầu có mối để làm ăn. Vậy mà bây giờ chẳng ai “toàn mạng” cả”- anh Lãm bức xúc.

Dự án của VINASHIN ở xã Nghĩa Thắng không phải không mang lại niềm vui. Khi công tác san lấp mặt bằng dang dở, một số hộ dân lân cận tranh thủ vào SX, vừa có đất trồng dưa hấu, vừa không phải đóng thuế. Đây có lẽ là bộ phận phấn khởi nhất khi dự án vào loại lớn nhất ở miền biển này chết yểu.

Dù chỉ là cơ sở sản SXKD vừa phải, nhưng hiện tại số tiến mà các chủ thầu, nông dân nợ khi mua vật liệu của anh Lãm cũng lên đến hàng tỷ đồng. Khi mua, ai cũng lấy VINASHIN ra bảo đảm, lúc nào phía công ty thanh toán sẽ trả ngay. Giờ thì chết cả nút. Bi đát hơn, mấy chủ thầu ở thị trấn Thịnh Long đến đường cùng đã bỏ hết nhà cửa chạy vào Nam như Vĩnh Long, Bến Tre…tìm việc khác. Cơn bão VINASHIN còn kéo theo một loạt bộ phận khác gặp nạn mà anh Lãm nói vui rằng do họ đón hụt dự án của Cty Hoàng Anh.

Thực tế phía Cty Hoàng Anh thuê 68 ha đất ở xã Nghĩa Thắng nhưng khi mới san lấp được chừng 38 ha thì phải tạm ngưng vì gặp vấn đề về kinh phí. Khi dự án mới khởi công phần mặt bằng đã có một bộ phận đầu tư mở hàng quán phục vụ công nhân, xây dựng cơ sở sửa chữa tàu để phục vụ làm ăn lâu dài…Vậy mà mãi “nhà máy lọc dầu, xưởng đóng tàu” vẫn chưa xong công tác san lấp mặt bằng. Đơn cử như chính DN Ngọc Dân vẫn còn nợ cơ sở Ngọc Lãm hơn 300 triệu đồng. Tất cả chỉ biết chờ vào động thái “trả hay không” từ phía VINASHIN Hoàng Anh.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất