| Hotline: 0983.970.780

2 vấn đề nghiêm trọng ở ĐBSCL: Sau khô hạn, đến sạt lở

Thứ Ba 23/03/2010 , 11:11 (GMT+7)

ĐBSCL đang cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề: nước sông cạn kiệt và sạt lở nghiêm trọng. Hàng ngàn gia đình sống gần nơi xeo meo, miệng thủy thần ven sông đang trong cảnh đi không được, ở thì sợ thủy thần ập đến “bắt đi” bất cứ lúc nào.

ĐBSCL đang cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề: Nước sông cạn kiệt và sạt lở nghiêm trọng. Hàng ngàn gia đình sống gần nơi xeo meo, miệng thủy thần ven sông đang trong cảnh đi không được, ở thì sợ thủy thần ập đến “bắt đi” bất cứ lúc nào.

Vụ sạt lở rạng sáng ngày 22/3 tại xã Bình Mỹ (Châu Phú, An Giang).

SẠT NGOẠM QUỐC LỘ

Quốc lộ 91 là con đường huyết mạch đi từ TP Long Xuyên đến khu vực biên giới TX Châu Đốc, huyện An Phú, huyện Tịnh Biên, khu vực lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam...Thế nhưng cuối tháng 2/2010, tại ấp Bình Tân thủy thần đã cuốn quốc lộ 91 sạt lở sâu hơn 7,4m, chiếm gần 2/3 mặt đường. Lãnh đạo xã Bình Mỹ cho hay, hiện tại sạt lở ấp Bình Tân ngày càng nghiêm trọng đang làm cho hàng trăm hộ dân sống trên bờ hoang mang vì ngày càng có nhiều vết nứt chạy dài tiếp tục xuất hiện.

Ông Cao Văn Be, GĐ Sở TN - MT tỉnh An Giang cho biết: Kết quả khảo sát đoạn quốc lộ 91 đi từ Long Xuyên đến Châu Đốc, An Phú, Tịnh Biên (An Giang) đã phát hiện nhiều lạch, hố xoáy sâu đe dọa nghiêm trọng tuyến đường. Sở TN - MT tỉnh An Giang đề nghị huyện Châu Phú và Cty CP Đầu tư và xây dựng công trình 73, đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 91 tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân trong phạm vi có nguy cơ sạt lở cao, mở rộng quốc lộ 91 phía đối diện bờ sông để giảm tải tối đa khu vực. Ngoài ra, Sở TM - MT An Giang đã tiến hành khảo sát 49 đoạn sông trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có đến 42 đoạn sông báo động sạt lở ở mức nguy hiểm cao, trong đó sông Tiền, sông Hậu chảy qua địa bàn An Giang có 39 điểm sạt lở nguy hiểm, có nơi sạt lở sâu vào đất liền lên đến 50m/năm.

LỞ CUỐN NHÀ DÂN

An Giang: Sạt lở sông Hậu “nuốt” Quốc lộ 91

Khoảng 5 giờ sáng qua (22/3), sạt lở tại khu vực ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đã “nuốt” mất Quốc lộ 91 (ảnh) một đoạn dài 70m, nhưng ngành chức năng tỉnh An Giang cảnh báo sạt lở chưa dừng lại đó, mà sẽ nghiêm trọng hơn và có khả năng mất cả đoạn đường dài tới 180m trong vài ngày tới, khiến hàng chục ngôi nhà, cơ sở sản xuất và hàng quán ăn uống phải di dời khẩn cấp.

Vụ sạt lở khiến cho xe cộ không thể lưu thông trên tuyến QL91, trong khi mùa du lịch lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam ở Châu Đốc đang vào cao điểm. Ngành chức năng đã phải điều tiết giao thông ngay từ ngã ba lộ tẻ đi theo đường tỉnh lộ 941 rẽ qua ngõ Tri Tôn rồi đi Tịnh Biên theo tỉnh lộ 948 mới đến chùa Bà Núi Sam hoặc qua phà Năng Gù đi Phú Tân, lên TX Tân Châu theo tỉnh lộ 954 rồi qua tỉnh lộ 953, phà Châu Giang để tới TX Châu Đốc.

Tại cù lao An Hiệp, xã An Hiệp (Châu Thành, Đồng Tháp) mỗi ngày xuất hiện thêm vài mét đất sát bờ sông bị thủy thần cuốn trôi. Theo thống kê của chính quyền địa phương, khu vực này hiện có hơn 60 hộ dân nằm trong vành đai sạt lở nguy hiểm chưa được di dời. Trong vòng 6 tháng trở lại đây, tại các ấp An Hoà, Tân Thạnh, xã An Hiệp sạt lở đã cuốn mất khoảng 4,5 ha đất bờ sông, gây thiệt hại 4 ao nuôi cá tra làm thất thoát gần 300 tấn cá, tổng thiệt hại trên 5 tỷ đồng, buộc 45 hộ dân sống tại đây phải di dời khẩn cấp.

Trên tuyến sông Tiền chảy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp có trên 35 điểm sạt lở, trong đó có nhiều điểm nóng như: khu vực cù lao huyện Hồng Ngự; các xã Tân Quới, Tân Bình (huyện Thanh Bình); Mỹ Xương, Bình Hàng Trung, Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh). Ngành thuỷ lợi Đồng Tháp lo ngại, từ nay đến khi mùa lũ về dự kiến phải di dời gần 2.000 hộ sống trong vùng sạt lở nguy hiểm. Khu vực sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang, dọc theo kênh Chợ Gạo cũng xuất hiện nhiều điểm sạt lở với tổng chiều dài lên đến trên 20km sẵn sàng kéo xuống lòng sông nhiều hộ dân sống ven kênh.

Tại TP Cần Thơ, vụ sạt lở đường dẫn cầu Trà Niềng, huyện Phong Điền xảy ra hôm 6/3 đã nhấn chìm toàn bộ đoạn đường dẫn dài khoảng 50m, 2 căn nhà, làm 2 người thiệt mạng. Vụ sạt lở đã được báo trước. Vì trong hai ngày 29 và mùng 2 Tết Canh Dần đã xảy ra 2 vụ sạt trượt xung quanh cầu Trà Niềng cuốn trôi gần 20 m đất. Xa hơn là ngay Tết Nguyên đán năm 2007, bờ kè Phong Điền đang trong giai đoạn xây dựng, nằm cách cầu Phong Điền hiện tại khoảng 400m cũng bị sạt lở làm 150m kè trôi tuột xuống sông, nhiều nhà dân bị cuốn xuống sông, mặt lộ 923 bị sạt lở nghiêm trọng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Và lần này, lãnh đạo huyện Phong Điền, TP Cần Thơ mới giật mình cho di dời 5 hộ dân sống gần khu vực sạt lở đi nơi khác.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất