| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 03/06/2017 , 06:30 (GMT+7)

06:30 - 03/06/2017

20 triệu người chưa tham gia BHYT, nỗi lo tới gần!

Chỉ mấy hôm nữa thôi (đáng lẽ từ 1/6, nhưng Bộ Y tế quyết định lùi thời điểm lại 10 ngày), gần 50 bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, trực thuộc Bộ Y tế và thuộc các Bộ, Ngành, sẽ đồng loạt tăng viện phí.

Đây là nhóm bệnh viện đầu tiên thực hiện tăng viện phí theo lộ trình của Bộ Y tế. Tiếp theo, tháng 8/2017, sẽ có 30 tỉnh tăng viện phí; tháng 10/2017, có 15 tỉnh tăng và tháng 12/2017, 18 tỉnh cuối cùng sẽ tăng.

Với hơn 1.900 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng, với mức tăng tối đa từ 200 đến 300%, như giá ngày/giường hồi sức tích cực tăng từ 354.000 đồng lên 677.000 đồng; với các bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, như chụp PET/CT, giá lên tới 20 triệu đồng, chi phí PEC/CT mô phóng xạ, chi phí lên tới 21 triệu đồng.

Chịu tác động mạnh nhất trong các đợt tăng giá viện phí và dịch vụ y tế lần này là những người bệnh không có Bảo hiểm y tế (BHYT). Với những đối tượng này, nếu chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, hay bị tai nạn đa chấn thương, hoặc bị bỏng với diện tích lớn và sâu trên cơ thể, phải điều trị dài ngày, dùng những loại thuốc đặc trị có giá rất cao, thì chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Mức chi phí này, với những bệnh nhân nghèo, là vô kế khả thi.

Hàng ngày, trên các báo, xuất hiện nhan nhản những trường hợp chỉ vì không sao xoay sở nổi dăm ba chục triệu đồng điều trị, mà thân nhân đành gạt nước mắt đưa người nhà mình về để chờ chết. Nay, với mức tăng viện phí như thế, danh sách những người nhìn thấy “cái chết được báo trước”, nhưng đành bất lực, chắc chắn sẽ kéo dài thêm. Những người còn lại, đa số một lần đi viện, nhiều năm chưa trả hết nợ.

Làm thế nào để giải quyết những trường hợp này?

Câu trả lời hết sức đơn giản. Đó là: Hãy tham gia BHYT. BHYT là một việc làm hết sức nhân văn, nó huy động nguồn lực của toàn xã hội, để chia xẻ gánh nặng chi phí điều trị với những người không may gặp tai nạn, ốm đau, theo hình thức “Cả xã hội chia xẻ với một người. Một người góp phần chia xẻ với xã hội”.

Người có BHYT, khi ốm đau, được BHYT chi trả từ 80 đến 100% chi phí điều trị. Nếu một người nghèo mà chẳng may mắc bệnh nan y, chi phí điều trị hết 100 triệu, mà được cơ quan BHYT chi trả 80 triệu, thì thật là hạnh phúc. Còn nếu được chi trả 100%, thì niềm hạnh phúc còn lớn hơn nhiều. Một tấm thẻ BHYT trị giá chỉ trên 500 ngàn đồng (nếu mua cả hộ gia đình thì không đến, vì được giảm giá), mà một mạng người được cứu sống, vì không phải chịu cảnh không xoay đâu ra tiền, đành xin xuất viện về nhà để chấp nhận cái chết.

Ước tính, nước ta hiện nay còn khoảng hơn 20% dân số, tương đương với giá trị tuyệt đối là khoảng 20 triệu người, chưa tham gia BHYT. Nhà nước đang đặt ra kế hoạch đến năm 2020, 100% dân số có BHYT. Mục tiêu này đang được cả xã hội vào cuộc để hoàn thành.

Một xã hội có 100% dân số tham gia BHYT, là một xã hội biết chăm lo cho sức khỏe của mình. Một Nhà nước đặt mục tiêu 100% dân số có BHYT, là một Nhà nước nhân văn.

Bình luận mới nhất