| Hotline: 0983.970.780

20 XK gạo: Phân chia lợi nhuận và nhận định thị trường

Thứ Năm 11/09/2008 , 09:49 (GMT+7)

SXKD lúa gạo đã trở nên sôi động, có vai trò quan trọng trong kết quả chống lạm phát từ đầu năm đến nay. Nhưng nông dân vẫn bị gạt ra ngoài lề chiếc bánh lợi nhuận "giá gạo cao".

Chúng ta vẫn chưa thể khắc phục được điệp khúc "được mùa - mất giá"

SXKD lúa gạo đã trở nên sôi động, có vai trò quan trọng trong kết quả chống lạm phát từ đầu năm đến nay. Nhưng nông dân vẫn bị gạt ra ngoài lề chiếc bánh lợi nhuận "giá gạo cao". Theo chuyên gia nghiên cứu thương mại Nguyễn Đình Bích, năm nay vừa tròn 20 năm kể từ năm 1989 khi nước ta XK gạo với quy mô lớn, bài học về XK gạo cần được tổng kết để hài hoà lợi ích giữa các bên. 

Công đầu...  

Cách đây gần 3 tháng, vào thời điểm miền Bắc vừa kết thúc thắng lợi vụ ĐX sau khó khăn “kép bốn” chưa từng có, ông đã cho rằng sự kiện này có thể giúp chúng ta xoay chuyển được cục diện cuộc chiến chống lạm phát. Đến nay ông thấy nhận định ấy có còn chính xác không?

Tôi vẫn hoàn toàn bảo lưu nhận định ấy. Bởi lẽ, cơn hoảng loạn của thị trường lương thực trong nước 5 tháng đầu năm chủ yếu là “sốt tâm lý”. Miền Bắc được mùa lớn lúa ĐX đánh dấu bước ngoặt trong việc xua tan tâm lý hoảng loạn đó. Bằng chứng là sau 3 tháng liên tục tăng  chưa từng có (từ tháng 3 đến tháng 5): 10,50%; 6,11% và 22,19%, giá lương thực trong nước tháng 6 sau đó chỉ còn tăng 4,29%.

Việc giá lương thực bình ổn trở lại cũng chính là một nguyên nhân rất quan trọng khiến cho chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 chỉ còn tăng 2,14%, trong khi ba tháng trước đó diễn biến rất xấu với các mức tăng 2,99%; 2,20% và 3,91%.

Vậy ông đánh giá thế nào về vụ HT tiếp tục thắng lợi này dưới góc độ chống lạm phát? 

Theo cách nhìn của cá nhân tôi, nếu như vụ ĐX vừa qua được mùa lớn chỉ mới giúp chúng ta bắt đầu xoay chuyển được cục diện cuộc chiến chống lạm phát, thì việc diện tích lúa HT tại các tỉnh phía Nam tăng đột biến và được mùa lớn là nguyên nhân quan trọng hàng đầu dẫn đến những kết quả chống lạm phát hai tháng gần đây.

Trong đó, chỉ riêng yếu tố diện tích tăng khoảng 9% của vựa lúa lớn nhất nước khiến cho sản lượng lúa vụ này tăng khoảng 750 nghìn tấn, cho nên đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc giá lương thực trong tháng 7 mới chỉ giảm nhẹ 0,37%, còn trong tháng 8 đã “tụt dốc” 1,10%. Đây chính là tác nhân kìm hãm giá của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống hiện còn chiếm 42,85% trong “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội” trong tháng 7 chỉ tăng 0,99% và tháng 8 chỉ tăng 0,50%. 

Những điều nói trên có nghĩa là nông nghiệp đã góp phần rất quan trọng trong việc kéo lạm phát hai tháng gần đây xuống, chứ không phải đẩy lạm phát tăng như trong nửa đầu năm, đặc biệt là hai tháng 3 và 5. 

... Nhưng nông dân "mất phần"

Nhưng giá lương thực giảm tốc càng mạnh đồng nghĩa với những thua thiệt nông dân phải gánh chịu càng lớn?

Với những kết quả XK gạo ngoạn mục những tháng đầu năm, có lẽ chúng ta có thể hy vọng ở những kết quả bất ngờ mới trong những tháng có nhiều khả năng sẽ đứng trước những khó khăn sắp tới để năm ghi dấu mốc tròn 20 năm XK gạo trên quy mô lớn này của nước ta. - ông Bích nói

Rất có thể là như vậy! Và đây chính là “điệp khúc buồn - được mùa, mất giá" mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa khắc phục được, mặc dù Chính phủ đã hết sức quan tâm.

Bởi lẽ, lo ngại về việc tiến độ XK gạo 7 tháng đầu năm bị chậm, trong khi lượng lúa hàng hoá vụ HT trong dân còn nhiều, cho nên giá có xu hướng giảm làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân, đầu tháng 8 vừa qua Thủ tướng đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giao hàng và khẩn trương thương thảo, ký hợp đồng mới với giá cả có lợi để tiêu thụ hết lúa hàng hoá vụ HT với giá bảo đảm cho người trồng lúa có lãi khoảng 40% trở lên.

Điều này có nghĩa là, Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu “kép ba” cho hoạt động XK gạo. Đó là: tăng tốc XK; XK với giá có lợi và người nông dân phải được hưởng lợi từ giá gạo XK có lợi đó. Trong đó, mục tiêu người trồng lúa có lãi được lượng hoá một cách cụ thể ở mức cao là điểm nhấn đặc biệt.

Theo ông việc thực hiện những nội dung chỉ đạo này của Chính phủ trong một tháng qua ra sao?

Theo tôi thì các DN đã thực hiện được hai nội dung chỉ đạo đầu tiên của Thủ tướng, thậm chí có thể nói là rất tốt, nhưng đáng tiếc là nội dung thứ ba thì chưa. Cụ thể, các số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê vừa công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy, mặc dù XK gạo đã được đẩy mạnh ngay từ tháng 7 và cả trong tháng 8, đặc biệt là giá gạo XK hai tháng này cũng rất khả quan, nhưng giá lương thực trong nước thì vẫn tụt dốc nhanh.

Đó là, theo số liệu thống kê công bố cuối tháng 7, ước tính khối lượng gạo XK trong tháng này là 350 nghìn tấn, cho nên tổng khối lượng XK 7 tháng chỉ mới đạt 2,794 triệu tấn, nhưng theo số liệu công bố cuối tháng 8, khối lượng XK thực tế trong tháng 7 là 497 nghìn tấn (cao hơn 147 nghìn tấn) và 7 tháng là 2,884 triệu tấn (cao hơn 90 nghìn tấn). Do vậy, giá gạo XK trong tháng 7 đã đạt 867,20 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với giá bình quân chỉ đạt 601,88 USD/tấn trong 6 tháng trước đó (cao hơn tới 265,32 USD/tấn và 44,08%).

Tiếp theo, trong tháng 8 vừa qua, với khối lượng gạo XK ước cũng đạt 450 nghìn tấn, và như vậy, 8 tháng đã đạt gần 3,9 triệu tấn, bằng khoảng 3/4 kế hoạch XK cả năm. Còn về kim ngạch, với ước 340 triệu USD, giá gạo XK tháng này vẫn đạt 755,56 USD/tấn, vẫn cao hơn rất nhiều so với giá bình quân chỉ mới đạt 646,54 USD/tấn sau 7 tháng (cao hơn 109,02 USD/tấn và 16,68%).

Việc XK gạo được giá như vậy trong khi giá lương thực trong nước lại giảm như nói trên quả là điều nhức nhối trong bài toán phân phối lợi ích giữa người nông dân và giới thương nhân. Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nếu như giá lúa bình quân ở ĐBSCL tháng 6 là 5.100 đ/kg, tháng 7 là 4.800 đ/kg và tháng 8 là 4.700 đ/kg, thì quá trình tụt dốc đã diễn ra rất mạnh ngay từ tháng 7 (trên 5%), còn trong tháng 8, tuy tốc độ giảm đã được phanh lại, nhưng vẫn còn trên 2%. Điều này có nghĩa là, nông dân đã không hề được hưởng lợi gì từ việc tăng tốc XK gạo như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Rõ ràng, đây là điều rất khó có thể chấp nhận trong điều kiện gạo XK vẫn rất được giá so với 6 tháng đầu năm như đã nói ở trên.

Nông dân không hề được hưởng lợi từ việc tăng tốc XK gạo

Triển vọng 4 tháng cuối năm...

Vậy ông dự báo triển vọng XK những tháng cuối năm sẽ ra sao?

Tôi không thể đưa ra dự báo chính xác nhưng từ những nghiên cứu của mình, tôi chỉ xin nêu một vài điểm cần được quan tâm sau đây:

Một là, cho dù tăng mức tồn kho lúa gạo để bảo đảm ANLTQG là điều cực kỳ cần thiết như thực tế những tháng đầu năm nay cho thấy, nhưng rất có thể việc giới hạn khối lượng gạo xuất khẩu ở mức 4,5-4,6 triệu tấn trong bối cảnh được mùa lớn như năm nay sẽ khiến chúng ta rơi vào tình trạng lợi bất cập hại.  

Bởi lẽ, trong tổng sản lượng trên 1 triệu tấn lúa ĐX tăng thêm của cả nước năm nay, riêng các tỉnh phía Nam, chủ yếu là của vựa lúa lớn nhất nước, cũng đã tăng trên 660 nghìn tấn và nếu quả thật năng suất lúa HT năm nay chỉ cần đạt như cùng kỳ năm 2007, thì sản lượng lúa của nông dân vùng ĐBSCL vụ này cũng tăng thêm trên 650 nghìn tấn.

Trong khi đó, tuy khối lượng gạo XK năm nay đã được đẩy lên 4,5-4,6 triệu tấn, rõ ràng là mức này chỉ như hai năm 2006 và 2007, thậm chí còn kém rất xa kỷ lục 5,25 triệu tấn năm 2005 khi chúng ta “dốc bồ” XK trong điều kiện sản lượng lúa vẫn chỉ quanh quẩn ở dưới ngưỡng 36 triệu tấn.

Điều này có nghĩa là, việc hạn chế XK quá mức cũng đồng nghĩa với việc tăng quá mạnh khối lượng lúa gạo tồn kho trong nước chắc chắn sẽ khiến giá trong nước tiếp tục giảm. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là đẩy mạnh XK hơn nữa.

Hai là, có nhiều khả năng giá gạo thế giới trong 4 tháng cuối năm sẽ diễn biến theo chiều hướng giảm, và do vậy sẽ ảnh hưởng không thuận đối với hoạt động XK mặt hàng nông sản chiến lược này của nước ta.  

Bởi lẽ, các kết quả tính toán từ các số liệu thống kê giá gạo XK của thế giới cho thấy, trong vòng 28 năm trở lại đây với ba cơn sốt nóng chu kỳ đã qua, trong tất cả những năm sốt nóng lên tới mức “đỉnh” như năm nay, thì giá trong 4 tháng cuối năm bao giờ cũng giảm rất mạnh so với 8 tháng đầu năm. Cụ thể là, bình quân giá gạo 4 tháng cuối năm 1981 giảm 13,52% so với 8 tháng đầu năm này, còn cặp số liệu này trong cùng kỳ hai năm 1991 và 1996 là 7,91% và 10,47% và tình chung lại thì mức giảm trung bình cùng kỳ ba năm này là 10,47%.

Theo tôi, thị trường gạo thế giới năm nay có lẽ cũng không “phá lệ” này, bởi sau khi đã sốt nóng quá cao và đạt kỷ lục mọi thời đại trên 1.000 USD/tấn thì giá gạo thế giới tất yếu phải giảm. Đây có lẽ là sự diễn biến mang tính quy luật.

Tuy nhiên, ở đây còn có một điều hết sức đáng lưu ý là, “kịch bản” những năm “hậu sốt nóng lên tới mức đỉnh” trong ba chu kỳ sốt nóng này lại khác nhau. Đó là, sau khi đạt kỷ lục 482,83 USD/tấn năm 1981 với mức “đỉnh” 535 USD/tấn vào tháng 5, giá gạo thế giới cả năm 1982 vẫn tiếp tục đà “tụt dốc” trong 4 tháng cuối năm trước đó, nhưng trong khoảng 3-5 tháng đầu năm 1992 và 1997, giá gạo thế giới lại nhích lên, thậm chí tăng khá mạnh so với 4 tháng cuối của năm liền kề đã đạt kỷ lục và mức “đỉnh” 1991 và 1996.

Rõ ràng, việc “bắt mạch” đúng giá gạo thế giới diễn ra theo “kịch bản” nào đã nói ở trên chính là điều mấu chốt để đẩy mạnh XK hơn nữa ngay trong những tháng cuối năm này, hoặc tạm trữ chờ XK trong những tháng đầu năm 2009 sắp tới nhằm đạt giá tốt nhất.

Ba là, sau nhiều tháng khởi động có phần chậm chạp, bởi giá gạo XK bình quân tính đến hết tháng 6 của nước ta chỉ mới đạt 601,48 USD/tấn, việc chúng ta XK gần  nửa triệu tấn gạo trong tháng 7 với giá cao ngất ngưởng 867,20 USD/tấn là một thành công rất lớn, bởi trong tháng này giá của Thái Lan (gạo 5% tấm) đã “rơi tự do” xuống chỉ còn 799 USD/tấn, còn tháng 8 vừa qua, với ước 755,56 USD/tấn, giá gạo XK của nước ta lại thêm một lần nữa vượt qua mức giá chỉ còn là 737 USD/tấn của cường quốc số 1 thế giới.   

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.