| Hotline: 0983.970.780

2009 - Năm thiệt hại lớn nhất do bão lũ

Chủ Nhật 03/01/2010 , 08:15 (GMT+7)

Có thể nói, năm 2009 Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Đó chính là hệ luỵ của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên toàn cầu.

Việt Nam là 1 trong 5 "ổ bão" của châu Á TBD

Có thể nói, năm 2009 Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thiên tai nặng nề nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Đó chính là hệ luỵ của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra trên toàn cầu. 

2 cơn bão - bay 1 tỷ USD

Chỉ trong tháng 10/2009 miền Trung phải gánh 2 cơn bão cực lớn là bão số 9 và số 11. Nhưng bão không gây hại lớn bằng lũ. Lũ đến nhanh do mưa từ đầu nguồn đổ xuống và rừng bị tàn phá, mà còn do các hồ thuỷ điện, thay vì tích nước, lại xả lũ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Ở Quảng Nam là hồ thuỷ điện A Vương, còn Phú Yên là thuỷ điện sông Ba Hạ. Nếu ở Quảng Nam, “thuỷ thần” nhấn chìm nhiều làng mạc thì ở Phú Yên lũ “đánh phủ đầu” cả thủ phủ Tuy Hoà…2 hai cơn bão này làm chết và mất tích 298 người (bão số 9: 174 người, bão số 11: 124 người); thiệt hại về vật chất ước tính hơn 19 nghìn tỷ đồng, tức 1 tỷ USD. Những thiệt hại to lớn này do thiên nhiên gây ra chỉ một phần, mà chủ yếu do chính con người.

GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XI, hiện đang tham gia chương trình BĐKH của Bộ NN-PTNT cho rằng, mỗi cơn bão có đặc thù riêng, chẳng hạn bão số 11 không mạnh bằng bão số 9 nhưng lượng mưa cao hơn rất nhiều. Tại Bình Định, Phú Yên lượng mưa có ngày lên tới 750mm, đúng vào thời điểm triều cường dâng, kết hợp nước trên thượng nguồn đổ xuống gây ngập lụt, thiệt hại lớn về người và của.

Theo GS Trân, ở nước ta thường cuối tháng 10 là chấm dứt bão lũ, nhưng từ hơn chục năm nay mùa bão có xu hướng kéo dài sang tháng 11, thậm chí tới tháng 12, có khi sang tháng Giêng vẫn còn bão rớt. Năm nay cơn bão số 9 đi rất lạ lùng, qua đảo Luzon của Philippines rồi quay trở lại đảo này quần thảo, sau đó mới tiến vào biển Đông. Khi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới rồi lại tăng cấp, sức gió giật rất mạnh. Cơn bão số 11 cũng vậy, khi vào biển Đông cũng có lúc suy yếu nhưng rồi lại mạnh lên, đi theo hướng tây, sau đó chuyển hướng tây-tây nam, đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ gây hại lớn. Diễn biến của các cơn bão kỳ dị trên có thể do ảnh hưởng của BĐKH.

Theo khuyến cáo của Liên Hợp quốc, trong cơ cấu hệ thống điện Việt Nam không nên quá 30% dành cho thuỷ điện. Nhưng hiện nay, số dự án thuỷ điện đã chiếm tới khoảng 40% và sẽ còn tăng mạnh, theo quy hoạch, sẽ tăng tới 62% vào năm 2010. Thống kê của Tổng cục Môi trường cho thấy, riêng miền Trung và Tây Nguyên, có tới 355 dự án thủy điện vừa và nhỏ.   

GS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, vấn đề quản lý rừng đầu nguồn cực kỳ quan trọng. Nạn phá rừng ở triền tây dãy Trường Sơn đã góp phần tạo ra lũ quét, gây lụt nặng. Khi lấy 1.000 ha làm lòng hồ thuỷ điện thì sẽ mất thêm 1.000 đến 2.000 ha đất rừng ở thượng nguồn. Như vậy rừng còn quá ít. Có tới 9 hồ thuỷ điện trên sông Ba Hạ nhưng lại không có một “nhạc trưởng”, hồ dưới không biết khi nào hồ trên xả nên thấy trên xả là dưới cũng “tháo nước” theo.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Uỷ viên Uỷ ban KH,CN&MT của Quốc hội kiến nghị: “Cần có một ủy ban điều tra liên ngành để điều tra thực trạng vận hành thuỷ điện có sai sót gì không? Trước mắt, tôi đề nghị tạm dừng các dự án thuỷ điện miền Trung để chờ kết luận cuộc điều tra, sau đó mới tính làm gì tiếp theo. Chính phủ cần thành lập một ủy ban điều tra về hiện trạng thuỷ điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên...ở khu vực miền Trung”.

Thiên nhiên quay lại “tấn công”

Theo Trung tâm Dự báo KTTV TƯ, ba năm qua bão lũ thường xuyên xảy ra trên phạm vi cả nước, diễn biến phức tạp và mạnh hơn so với trung bình nhiều năm; đặc biệt lũ lụt kéo dài trên diện rộng ở miền Trung và triều cường liên tiếp ở TP Hồ Chí Minh. Sau những đợt rét đậm kỷ lục vào cuối năm 2007, những tháng đầu năm 2008, tình hình thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, nắng nóng và bão xuất hiện sớm. Năm 2009, tính từ đầu mùa bão đến nay đã có 11 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông (năm 2008 có 10 cơn bão).

Ông Nguyễn Văn Thắng, GĐ TT Nghiên cứu Khí tượng, khí hậu (Viện Khoa học KTTV&MT, Bộ TN- MT) cho biết, sự nóng lên của trái đất đồng nghĩa với tần suất thiên tai, khí hậu cực đoan sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, BĐKH làm nước biển dâng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các đô thị ven biển. Nhiệt độ trái đất tăng lên 3 độ C sẽ là một thảm họa. BĐKH làm gia tăng cực trị của khí hậu- nóng rất nóng, lạnh rất lạnh. Bất kỳ quốc gia nào dù hùng mạnh đến mấy cũng không thể tự một mình đối phó được BĐKH.

Ông Thắng cho rằng, thiên tai hiện hữu ngay trước mắt, nó đến và đi ào ào nhưng hậu quả lại vô cùng nặng nề. Nhân loại phải thích nghi với thiên tai chứ không thể nào chống lại thiên tai, phải sống chung với bão, lũ và hạn hán. Để hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do hiệu ứng nhà kính, thế giới cần đồng lòng chống BĐKH. Ngoài việc nâng cao hiểu biết cho người dân, cộng đồng quốc tế cần đưa các biện pháp ngăn chặn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

“Sau những cơn thịnh nộ của thiên nhiên vừa qua, hơn lúc nào hết, cộng đồng chung tay gìn giữ những thảm rừng tự nhiên còn sót lại và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn…Việc trả lại màu xanh bằng giải pháp trồng thêm rừng, tăng độ che phủ cho những khu vực đất trống đồi trọc cũng là cách chúng ta trả nợ thiên nhiên”- ông Thắng nói.

“Thiên nhiên cũng như con người, có giới hạn chịu đựng của nó. Khai thác bừa bãi thì cạn kiệt, quay trở lại trả đũa con người. Vì vậy, để không di hại cho đời sau, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng về việc quy hoạch, khai thác, sử dụng một cách hợp lý, bền vững các loại tài nguyên, trong đó có nước”-GS Nguyễn Ngọc Trân chốt lại.  

Bộ NN-PTNT đi đầu

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Đào Xuân Học, BĐKH đang được xem là vấn đề nóng bỏng nhất, tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. VN với bờ biển dài 3.260km và 2 vùng đồng bằng châu thổ, là 1 trong 5 ổ bão khu vực Thái Bình Dương và là 1 trong 5 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH.

Thứ trưởng cũng cho biết, dự báo nếu nước biển dâng 1m, sẽ làm ngập từ 0,3-0,5 triệu ha ở ĐBSH, ngập 1,5-2 triệu ha ở ĐBSCL. 2 khu vực có nguy cơ ngập triều gây mặn nặng nhất, là Bến Tre và Cà Mau…Cũng do nước biển dâng, chế độ dòng chảy sông suối sẽ thay đổi theo hướng bất lợi, năng lực của các công trình thuỷ lợi giảm.

Nhận thức rõ ảnh hưởng của BĐKH, Bộ NN-PTNT đã ban hành “Khung chương trình hành động thích ứng với BĐKH của ngành NN-PTNT, giai đoạn 2008-2020” với mục tiêu đảm bảo ổn định, an toàn khu dân cư cho các vùng miền, SXNN ổn định, an ninh lương thực, giữ 3,8 triệu ha lúa canh tác 2 vụ; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, các công trình dân sinh, đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.

Theo ông Đào Xuân Học, để đối phó với BĐKH, phòng chống giảm nhẹ thiên tai cần tiếp tục tăng kinh phí đầu tư, đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác này. Mở rộng hợp tác quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển KHCN trong phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai. Đẩy mạnh triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống hồ chứa, hệ thống đê biển, đê sông gắn với bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn để phòng tránh tác động của nước biển dâng, xâm nhập mặn. Tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng các công trình tiêu úng, hạ tầng giao thông, PCLB, di dân, tái định cư phù hợp…

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.