| Hotline: 0983.970.780

2019, năm của nhiều biến động toàn cầu

Thứ Hai 23/12/2019 , 09:45 (GMT+7)

Cách đây 30 năm, bức tường Berlin sụp đổ, mở ra một kỷ nguyên huy hoàng của chủ nghĩa đa phương, nhưng đồng thời cũng ươm mầm những hạt giống cho nhiều điều phân chia nảy nở trong năm 2019 này.

Và năm 2020 sẽ còn nhiều điều tồi tệ hơn chờ đợi, theo nhiều nhận định, trong đó có phân tích của giáo sư Tony Walker từ Đại học La Trobe (Australia).

Người lao động Pháp xuống đường phản đối kế hoạch cải cách chế độ hưu trí.

Cũng theo ông Tony Walker, những điều kiện châm ngòi bất ổn toàn cầu ở khắp các lục địa trong năm 2019 không có dấu hiệu thoái trào. Thậm chí chúng còn tồi tệ hơn khi thế giới đối mặt với suy giảm kinh tế và biến đổi khí hậu trái đất đang theo xu hướng tiêu cực.
 

“Kẻ phá bĩnh” Washington

Bất kỳ sự hỗn loạn nào cũng có xuất phát điểm và thế giới hiện nay rơi vào tình trạng này khi chính quyền (Tổng thống Donald) Trump rút dần vai trò truyền thống của nó là một lực lượng ổn định toàn cầu.

Họ trở thành “kẻ phá bĩnh” khi rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu trái đất; từ chối tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về tự do hóa thương mại khu vực châu Á - Thái Bình dương; xé bỏ Thỏa thuận hạt nhân Iran được chính quyền tiền nhiệm dày công đàm phán, đẩy khu vực đã lắm mâu thuẫn lún sâu vào chia rẽ. Mang tính đe dọa nhất là khối mâu thuẫn Mỹ - Trung Quốc trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ - dù đã có những tiến bộ bước đầu - vẫn đặt thế giới vào lằn ranh xáo trộn kinh tế trong năm 2020.
 

Khủng hoảng niềm tin

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 là một cú sốc nhưng nó chỉ xuất phát từ những định chế tài chính lún sâu vào cuộc chơi quá sức dẫn đến tình trạng đói tín dụng, kéo theo sự đổ vỡ của mạng lưới chân rết lây lan chóng vánh. Lỗi hệ thống được vá kịp thời nhờ công cụ quốc hữu hóa và những cuộc giải cứu cá lớn “nuốt” cá bé có định hướng.

Năm 2019, bất ổn vẫn mang màu sắc kinh tế nhưng nó có gốc rễ nằm sâu ở hạ tầng xã hội. Niềm tin vào những giá trị dân chủ phương Tây bị xói mòn, từ La Paz (Bolivia) đến Beirut (Libăng), người dân nhận ra họ là nạn nhân của nạn tham nhũng và bất bình đẳng, bị xếp vào vế thứ yếu khi chia sẻ miếng bánh lợi ích từ mở cửa kinh tế.

Hồi tháng 1, tổ chức Oxfam cho biết theo thống kê của họ thì 26 cá nhân giàu nhất thế giới sở hữu tổng tài sản bằng nửa dân số toàn cầu ở cuối bảng xếp hạng giàu nghèo. Những nhà tài phiệt này kiếm thêm 2,5 tỷ USD (trong năm 2018) thì 3,8 tỷ người nghèo còn lại bị giảm tài sản 500 triệu USD. Khoảng cách giàu nghèo đẩy thế giới đến điểm ngưỡng phá bung những tuyên bố mỹ miều rằng phát triển kinh tế đem lại lợi ích cho tất cả.
 

Bất bình đẳng và giận dữ

Giáo sư Henry Carey từ Đại học bang Georgia (Mỹ) thừa nhận bất ổn ở mỗi nơi có nguyên nhân khác nhau, nhưng chúng vẫn có những đặc điểm chung, đó là sự bất bình đẳng, tham nhũng, phát triển kinh tế yếu kém... Đô thị hóa nhanh và kiểm soát kém cũng dẫn đến bất ổn. Theo số liệu của Liên hợp quốc, năm 1950 cả thế giới có 2 siêu đô thị trên 10 triệu dân là New York và Tokyo.

Ngày nay, con số này là 25 thành phố. Nếu tính mốc dân số thế giới 7,7 tỷ người thì có 4,2 tỷ (55%) sinh sống ở thành phố và dự báo đến năm 2050 sẽ có thểm 2,5 tỷ người nữa chuyển vào đô thị, tập trung ở các nước kém phát triển. Điều này có nghĩa là đói nghèo, tội phạm có tổ chức, buôn bán ma túy và vô vàn những lý do “xấu” khác đặt ra thách thức cho chính quyền khi muốn kiềm chế mầm mống bất ổn.

Biểu tình phản đối tình trạng bất bình đẳng xã hội và kinh tế ở Chile.

Đơn cử như Mỹ Latinh, khu vực phát triển kinh tế chậm nhất thế giới, có tỷ lệ bất bình đẳng cao, cứ nhìn vào những nguyên nhân ở trên sẽ thấy vì sao bạo lực và bất ổn bền bỉ đeo bám.

Ở Chile, khó khăn kinh tế đẩy người dân xuống đường biểu tình làm tê liệt toàn quốc và chính phủ bẽ mặt khi phải hủy bỏ tư cách chủ nhà Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) và hội nghị về biến đổi khí hậu trái đất của Liên hợp quốc.

Tại Bolivia, Tổng thống kỳ cựu Evo Morales buộc phải từ chức và lưu vong ra nước ngoài. Cùng lý do chi phí cuộc sống tăng cao, thiếu việc làm, tham nhũng, lương bổng kém, Thủ tướng Libăng Saad Hariri cũng bị mất chức. Việc tương tự xảy ra ở nhiều nơi thuộc Trung Đông và châu Phi.

Ngay tại châu Âu, kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron vấp phải phản ứng dữ dội của công chúng, nhiều tuần liền giao thông khắp cả nước tê liệt.
 

Biến đổi khí hậu

Trên tất cả, biến đổi khí hậu đã trở thành mẫu số chung nhất cho các mối bận tâm mang tính toàn cầu. Sức ép chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đặt lên vai nhiều chính phủ giờ đây đều có bóng dáng của biến đổi khí hậu, từ Brazil với cháy rừng Amazon đến cháy rừng hoành hành ở Australia, từ khói bụi trầm trọng ở Ấn Độ đến những quốc đảo đang lo chìm xuống mực nước biển ở Thái Bình dương...

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.