| Hotline: 0983.970.780

22 lần 'gục ngã' trước kỳ thi đại học khốc liệt nhất hành tinh

Thứ Hai 10/06/2019 , 08:36 (GMT+7)

Người đàn ông 52 tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc bước vào kỳ thi tuyển sinh toàn quốc (gaokao) ngày 7/6 vừa qua với ước mơ đậu đại học sau 22 lần thất bại trước đó.

13-31-58_nh_1
Liang Shi ôn luyện cho kỳ thi đại học.

Nhân vật chính trong câu chuyện này là Liang Shi, sinh năm 1967 ở huyện Nhân Thọ, tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây Nam Trung Quốc. Liang tham gia kỳ thi đại học đầu tiên vào năm 1983, 2 năm sau đó ông tiếp tục nhưng vẫn thất bại.
 

Không nản lòng

Là con thứ 4 trong gia đình gồm 5 anh em, Liang cho biết, ước mơ của cha mẹ ông là cả 5 người con đều đậu đại học, nhưng không ai trong số họ làm được điều đó. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Liang không thể tiếp tục thi đại học lần thứ 4 mà phải đi làm.

Tiếp nối giấc mơ, Liang tham gia các kỳ thi đại học từ 1987 - 1991 nhưng vẫn không thành công. Đến năm 2001, Trung Quốc xóa bỏ giới hạn tuổi với người thi đại học, cơ hội lại đến, Liang lại đi thi. Năm 2002, anh tham gia kỳ thi khi 35 tuổi nhưng vẫn trượt.

Không nản lòng, sau khi có thể tự làm chủ trong việc kinh doanh vật liệu xây dựng vào năm 2010, Liang quay trở lại với giấc mơ học đại học. Từ đó đến nay, hàng năm anh đều tham gia vào kỳ thi này nhưng vẫn chưa thỏa mãn được ước vọng.

Trong 22 kỳ thi trước đây, có 2 lần Liang gần như có thể chạm vào giấc mơ khi đạt 453 điểm vào năm 2016 và 469 điểm vào năm 2018, số điểm đủ để lựa chọn được một trường đại học nào đó nhưng anh từ chối. Giấc mơ của anh là Đại học Sư phạm Tứ Xuyên, với số điểm đầu vào cao hơn.

Điều này khiến người đàn ông này gặp phải áp lực rất lớn. Liang nói, nhiều người tỏ ra nghi ngờ hành vi của anh khi không chọn một trường đại học nào đó với số điểm kia. Tuy nhiên, giấc mơ của Liang là được học tập trong một trường đại học tốt, chứ không phải chỉ là tấm bằng tốt nghiệp.

Liang tâm sự, giấc mơ đầu tiên của anh là Đại học Tứ Xuyên, nhưng để vào được trường này, số điểm trong kỳ thi toàn quốc nhất phải đạt trên 600, quá khó đối với anh. Do đó, Đại học Sư phạm Tứ Xuyên là một mục tiêu phù hợp, với điểm đầu vào thấp hơn.

Theo China Daily, để chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, Liang đã thực hiện nhiều bài kiểm tra, thực hành nhằm tăng tốc độ làm bài của mình. Trong các năm vừa qua, Liang thất bại vì làm bài quá chậm, không thể cạnh tranh với những thí sinh khác, đa số còn rất trẻ, tờ báo Trung Quốc cho biết thêm.
 

Khốc liệt nhất hành tinh

Ở châu Á, đặc biệt là những nước Đông Á, áp lực thi cử luôn rất nặng nề, nhất là với kỳ thi vào đại học. Tại Trung Quốc, đây là kỳ thi sinh tử, quyết định số phận và tương lai của một đời người, được gọi là Gaokao (Cao khảo).

13-31-58_nh_2
Tầm quan trọng của Gaokao khiến học sinh và phụ huynh phải chịu áp lực cực lớn.

Gaokao là kỳ thi đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt, kinh khủng nhất thế giới gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).

Hàng năm, ở Trung Quốc có khoảng 10 triệu thí sinh tham gia Gaokao, tuy nhiên chỉ có 2% trong số đó đủ điểm vào học ở 38 trường đại học hàng đầu của cả nước. Thậm chí, chỉ 0,05% đủ điểm vào Thanh Hoa và Bắc Kinh, 2 trường đại học tốt nhất Trung Quốc.

Trong những ngày truớc, trong và sau kỳ thi đầu tháng 6, các công trình xây dựng gần điểm thi phải tạm hoãn thi công, giao thông cũng được chuyển hướng để tránh làm phiền thí sinh. Xe cứu thương túc trực bên ngoài phòng trường hợp thí sinh suy sụp do căng thẳng thần kinh, cảnh sát đi tuần tra để giữ cho đường phố yên tĩnh.

Từ năm 2016, các trường hợp gian lận trong kỳ thi Gaokao có thể phải đối mặt với án tù. Nếu bị phát hiện gian lận, thí sinh sẽ bị cấm thi vài năm, với những trường hợp gian lận quy mô hoặc thuê người thi hộ có thể phải ngồi tù đến 7 năm.

Cảnh sát và nhiều phương tiện hiện đại như máy bay không người lái, máy dò kim loại hay máy quay hồng ngoại được điều động để chống gian lận thi cử. Ngoài ra, còn có máy quét vân tay, mống mắt để phát hiện những trường hợp thi hộ. Theo tạp chí Times, ở Bắc Kinh, ít nhất mỗi phòng thi sẽ có 8 nhân viên cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn trật tự.

Mặc dù khốc liệt và gây ra áp lực rất lớn cho cả thí sinh lẫn phụ huynh nhưng đến nay vẫn chưa có phương án nào thay thế cho kỳ thi này ở Trung Quốc.

Li Tao, học giả tại Viện phát triển nông thôn, thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc Trung Quốc ở tỉnh Cát Lâm cho rằng: “Đây là phương thức công bằng nhất để sàng lọc chất lượng thí sinh trên quy mô cực lớn như ở Trung Quốc. Các thí sinh sẽ phải vượt qua những thách thức giống nhau và được đánh giá bằng điểm số”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).