| Hotline: 0983.970.780

23 thương binh giả mạo hồ sơ: Quả bóng trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ Năm 16/07/2020 , 14:14 (GMT+7)

Sở LĐTB và XH và Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang, 2 đơn vị liên quan đến vụ việc, tuy nhiên khi chúng tôi đến làm việc thì quả bóng trách nhiệm đều được đẩy đi.

Căn nhà gỗ 3 gian của gia đình cựu chiến binh Bùi Tiến Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Căn nhà gỗ 3 gian của gia đình cựu chiến binh Bùi Tiến Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Có phải khai man, giả mạo?

Như Báo NNVN đã thông tin, trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2006, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB và XH) tỉnh Tuyên Quang lần lượt ra các Quyết định cho từng người trong số 23 CCB ở tình này được hưởng chính sách chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng căn cứ theo Nghị định số 54/2006 ngày 26/5/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Tiếp đến năm 2015, Sở LĐTB và XH tỉnh Tuyên Quang lại tiếp tục gửi Quyết định đình chỉ hưởng trợ cấp cho từng người với lý do: Giả mạo, khai man dan sách quân nhân bị thương của đơn vị để được xác nhận và hưởng chế độ thương binh.

Báo NNVN đã làm việc với đại diện lãnh đạo Sở LĐTB và XH và Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Tuyên Quang và đặt ra các câu hỏi như: Việc khai man, giả mạo hồ sơ là như thế nào, bởi những CCB đều có các giấy tờ chứng minh như: Giấy chứng nhận bị thương; một số người có tên trong sổ danh sách quân nhân bị thương tại Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng. Nếu khai man, giả mạo hồ sơ thì việc xử lý trách nhiệm với người thẩm định hồ sơ ra sao?…

Trả lời những câu hỏi trên, ông Phạm Văn Lợi, Trưởng ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang) cho biết, việc các hồ sơ thủ tục trách nhiệm thuộc về lịch sử. Còn vấn đề nói giả mạo, khai man lý lịch thì trong các giấy tờ, công văn liên quan đến vụ việc của Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang chưa khi nào nhắc đến.

Cùng các câu hỏi này, bà Mai Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở LĐTB và XH và các cán bộ chuyên môn của Sở LĐTB và XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, về các thủ tục hồ sơ phía bên quân đội làm, phía ngành LĐTB và XH chỉ thực hiện các chế độ chính sách chi trả khi đã đầy đủ hồ sơ thủ tục.

Còn về vấn đề các CCB khai man, giả mạo hồ sơ mà các văn bản của Sở nêu, đại diện Sở LĐTB và XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, họ dựa theo Kết luận Thanh tra số 999, ngày 1/4/2014 và Công văn số 4958 ngày 25/12/2014 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp cận với Kết luận số 999 và Công văn số 4958 của Bộ LĐTB và XH thì được biết: Tại Kết luận Thanh tra số 999 của Bộ LĐTB và XH không thấy mục nào nêu 23 trường hợp này khai man, giả mạo hồ sơ.

Tại mục 1.3.3 có nêu: Có 42 trường hợp hồ sơ xác nhận lập trên danh sách quân nhân bị thương có một số nội dung nghi vấn cần tiếp tục kiểm tra, xác minh, làm rõ. Cụ thể: 24 trường hợp thuộc tỉnh Tuyên Quang được Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận bị thương trên cơ sở danh sách quân nhân bị thương.

Còn tại mục b.1.II của Văn bản số 4958, ngày 25/12/2014 của Bộ LĐTB và XH có nêu có 41 trường hợp giả mạo, khai man danh sách quân nhân bị thương của đơn vị quân đội, trong đó tỉnh Tuyên Quang có 30 trường hợp.

Tuy nhiên, trong Biểu số 5 của văn bản này nêu cụ thể từng trường hợp thì không có câu nào nói họ giả mạo, khai man hồ sơ mà chỉ nêu có 16 trường hợp không có tên trong danh sách thương binh của Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng; có 13 trường hợp được Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng lập mới, không có căn cứ; có 1 trường hợp được Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng ghi thêm vào danh sách quân nhân bị thương.

Hơn nữa, trong số hồ sơ của 23 người này, có nhiều trường hợp lý lịch còn có điểm mờ, chưa được làm sáng tỏ từ phía Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng mà các văn bản của Sở LĐTB và XH tỉnh Tuyên Quang đã đưa ra là họ khai man, giả mạo hồ sơ như vậy có thực sự thỏa đáng hay không?

Câu hỏi được đặt ra rằng, nếu là khai man, giả mạo hồ sơ như các văn bản của Sở LĐTB và XH tỉnh Tuyên Quang nêu ra thì tại sao ngành chức năng của tỉnh không có câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục giải quyết dứt điểm các vướng mắc của vụ việc để những cựu chiến binh này 5 năm trời đi khắp nơi để tìm rõ bản chất vụ việc.

Nhiều vướng mắc cần được làm rõ

Tại Văn bản số 68, ngày 28/2/2014, của Thanh tra Quốc phòng, Bộ tư lệnh Quân khu 7 báo cáo kết quả kiểm tra xác minh 26 hồ sơ thương binh (trong đó có 23 người nêu trên) nêu rõ: Trong hồ sơ thương binh được xác lập trên cơ sở danh sách quân nhân bị thương do Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng cấp thì 10 trường hợp không có tên trong sổ danh sách quân nhân bị thương; 1 trường hợp được ghi thêm và sổ danh sách bị thương; 13 trường hợp có tên trong “Cuốn 2” sổ danh sách quân nhân bị thương được lập mới sau tháng 9/1999 (Khi Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng chuyển về trực thuộc Quân khu 7).

23 cựu chiến binh mong muốn nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thương tật họ sẵn sàng chấp nhận, nhưng sự thật cần được làm sáng tỏ. Ảnh: Văn Thưởng.

23 cựu chiến binh mong muốn nếu không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thương tật họ sẵn sàng chấp nhận, nhưng sự thật cần được làm sáng tỏ. Ảnh: Văn Thưởng.

Cũng theo văn bản này trong số 13 trường hợp có tên trong “Cuốn 2” sổ danh sách quân nhân bị thương được lập mới sau tháng 9/1999 thì có 8 trường hợp ký sai thẩm quyền (Phó Tham mưu trưởng ký).

Nhưng trách nhiệm của những lỗi sai này thuộc về ai thì trong suốt bao năm nay, phía Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa khi nào có câu trả lời chi tiết, thỏa đáng mà chỉ vẫn câu trả lời cũ, theo văn bản cũ. Câu hỏi được đặt ra rằng, trách nhiệm của người ký sai thẩm quyền được xử lý như thế nào?

Một thắc mắc nữa là trong số 13 trường hợp có tên trong “Cuốn 2” sổ danh sách quân nhân bị thương được lập mới sau tháng 9/1999, vậy lấy cơ sở nào để phía Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng lập vào sổ? Có cuốn sổ 2 vậy cuốn sổ 1 đâu? Trách nhiệm của người lưu trữ hồ sơ như thế nào? Và tại sao trong danh sách những người cùng có tên trong cuốn 2 người bị cắt chế độ, nhưng có người vẫn tiếp tục được hưởng?

Kiến nghị của Thanh tra Quốc phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trong Báo cáo số 68, ngày 28/2/2014 đưa ra rằng: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng rút kinh nghiệm trong việc cấp 25 giấy chứng nhận bị thương cho các đối tượng (trong đó có 23 CCB tại Tuyên Quang nêu trên) vì các đồng chí làm công tác tham mưu, đề xuất cấp giấy chứng nhận bị thương nay đã về hưu như vậy liệu đã thực sự thỏa đáng?

Bởi việc tham mưu và đặt bút ký của những người cầm cân nảy mực tưởng đơn giản nhưng đã để lại hệ lụy không nhỏ, khiến nhiều cấp, nhiều ngành còn dai dẳng giải quyết. Mà vụ việc 23 cựu chiến binh ở Tuyên Quang theo đuổi, khiếu nại đến các cấp, các ngành trong suốt 5 năm qua là minh chứng rõ nét nhất.

Ngày 15/6/2020, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang tiếp tục có Văn bản số 2351 gửi Thanh tra Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng có nêu: Theo nội dung báo cáo số 68 ngày 28/2/2014, của Thanh tra Quốc phòng, Quân khu 7 về kết quả kiểm tra, xác minh 26 hồ sơ thương binh. Phần kết luận của báo cáo có nêu: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng có cấp giấy chứng nhận bị thương cho 25 trường hợp. Việc cấp giấy chứng nhận bị thương này là chưa đủ cơ sở, điều kiện để cấp.

Hiện nay, các trường hợp làm đơn đề nghị tập thể không đồng ý với kết luận của Thanh tra Quốc phòng, Quân khu 7. Để có cơ sở nội dung trả lời cho công dân, Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang đề nghị Thanh tra Quốc phòng, Quân khu 7 và Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng phối hợp, chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát làm rõ 11 trường hợp ký sai thẩm quyền (Phó tham mưu trưởng ký); trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị, cá nhân nào? Đến nay, hơn nửa tháng trôi qua Bộ CHQS tỉnh Tuyên Quang vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Thanh tra Quốc phòng, Quân khu 7 và Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng.

Theo mục 2, Điều 66, Chương 5 của Nghị định 31 ngày 9/4/2013 của Chính phủ có nêu: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của người có công tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.