| Hotline: 0983.970.780

24 giờ ở thủ đô Viêng Chăn nghĩ về Hà Nội

Thứ Sáu 12/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

Tôi đã đi hàng chục nước trên thế giới và đã đến nơi xa nhất của hành tinh này. Thế nhưng gần đây tôi mới đặt chân lần đầu tiên lên quốc gia gần nhất: Nước Lào...

Tôi đã đi hàng chục nước trên thế giới và đã đến nơi xa nhất của hành tinh này. Thế nhưng cách đây chưa đầy một tháng tôi mới đặt chân lần đầu tiên lên quốc gia gần nhất: Nước Lào. Có lẽ chuyến đến đất nước này chậm lại có điều hay. Vì sau khi đến được hầu hết những thành phố hiện đại nhất thế giới, tôi sẽ có nhiều so sánh thú vị khi đặt chân đến Viêng Chăn.

Chỉ sau chừng một tiếng bay từ Hà Nội đến Viêng Chăn, tôi đã đến một thế giới vừa quen thuộc vừa xa lạ. Quen thuộc bởi gặp lại một số nhà văn Lào, bạn cũ, và là những người nói tiếng Việt như một người Việt bình thường, hơn nữa rất nhiều người Lào biết tiếng Việt. Thế là ở ngay giữa nước Lào mà những tiếng chào hỏi rôm rả lại bằng tiếng Việt. Còn xa lạ với những gì? Với một vài điều mà tôi sẽ kể nôm na với các bạn.

Chấp hành luật pháp giao thông

Tôi đã đến Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập, Malaysia, Campuchia... Đó là những nước mà hệ thống giao thông chưa thật hiện đại, nhưng chưa có nước nào việc đi lại trong thành phố lại hãi hùng như ở Hà Nội của chúng ta. Còn ở Viêng Chăn, người dân chấp hành luật lệ giao thông như thế nào? Tôi xin trả lời: Đó là niềm mơ ước cho các đô thị Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội. Nếu việc chấp hành giao thông của người Viêng Chăn ở cực này thì việc chấp hành Luật Giao thông ở Hà Nội là cực đối diện.

Đối với bất cứ loại phương tiện giao thông nào khi từ một con phố nhỏ rẽ vào con phố hay đường chính, những người điều khiển phương tiện giao thông đều chấp hành luật giao thông một cách tự giác hoàn toàn. Họ cứ bình tĩnh chờ cho đến khi từ hai phía đường thật vắng xe hoặc đèn xanh bật lên mới cho phương tiện của mình vào đường chính.

Chỉ một việc rất đơn giản và đương nhiên này lại trở thành nỗi ám ảnh của những người tham gia giao thông và là giấc mơ xa vời vợi của nhiều người. Nhưng ở Hà Nội thì không bao giờ có chuyện đó. Người Hà Nội là những người “ăn cướp đường” nhất thế giới. Đèn đỏ họ còn vượt chứ nói gì nhường đường cho những chiếc xe đi ở đường ưu tiên.

Cách đây hai chục năm, tôi cứ nghĩ chỉ những người ít học, không hiểu biết luật pháp và có một lối sống tùy tiện mới vượt đèn đỏ, mới cướp đường. Nhưng hóa ra không phải thế. Kẻ nghiện ngập vượt đèn đỏ, kẻ vô công rồi nghề vượt đèn đỏ, cán bộ vượt đèn đỏ, trí thức vượt đèn đỏ, người trẻ vượt đèn đỏ, người già cũng vượt, đàn ông vượt và phụ nữ cũng vượt... Xe biển trắng vượt và xe biển xanh lại càng vượt vì không sợ bị cảnh sát giao thông phạt.

Vì sao người Lào không vượt đèn đỏ và cướp đường một cách tự nhiên còn người Việt thì vượt đèn đỏ và cướp đường một cách tự nhiên? Tôi thử phản biện chính bằng cách đưa ra lập luận: Vì giao thông của Lào không quá tải còn giao thông ở Việt Nam luôn luôn quá tải. Nhưng ngay sau đó tôi biết lập luận của mình là sai và ngụy biện.

Quá tải, tắc đường, lưu thông chậm... khác hoàn toàn với vượt đèn đỏ và cướp đường, lấn đường. Đấy thuộc ý thức, hành vi sống chứ không phải vì điều kiện sống. Lâu nay, không ít người Việt đánh giá xã hội Lào chưa văn minh bằng Việt Nam. Nhưng hóa ra người Lào đang sống rất văn minh còn chúng ta đang sống rất lạc hậu.

Múa lăm vông

Ở Lào, múa Lăm Vông là một điệu múa truyền thống. Cứ nghe nhạc và nhìn thấy điệu múa này thì chẳng cần giới thiệu chúng ta cũng biết đó là một trong những vẻ đẹp của văn hóa truyền thống Lào.

Khai mạc hội nghị quốc nội và quốc tế có múa Lăm Vông. Bế mạc hội nghị có múa Lăm Vông. Tiệc chiêu đãi có múa Lăm Vông. Tiệc sinh nhật, tiệc cưới có múa Lăm Vông, khai giảng và bế giảng năm học có múa Lăm Vông... Nghĩa là, múa Lăm Vông luôn luôn xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc ở đất nước Lào giống như bia và rượu xuất hiện mọi nơi, mọi lúc ở Việt Nam.

du-lich-lo-dieu-mu-lm-vong-6091429525
Lăm Vông - điệu múa truyền thống của Lào

Lại cứ tưởng nước Lào ít phát triển cho nên còn lưu giữ được những vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Nhưng sự thật lại không phải thế. Người Lào dùng xe hơi rất đẹp, hệ thống Internet rất tốt, khách sạn rất hiện đại, nhà cửa xây rất hoành tráng, nhiều người nói tiếng Anh rất chuẩn... Và hình như chỉ có bóng đá là còn kém Việt Nam một tí nữa thôi. Nhưng Lào cũng không quá chú trọng vào bóng đá cũng như không quá chú trọng tổ chức thi hoa hậu như ở Việt Nam.

Nước Lào đang phát triển rất bình tĩnh và rất cân bằng. Chắc chắn những người dân sống ở Viêng Chăn có cuộc sống hạnh phúc hơn những người dân Hà Nội. Bởi họ không phải ngày ngày bị quá nhiều áp lực cuộc sống như người Hà Nội. Họ sống chậm. Họ biết giữ gìn những giá trị truyền thống.

Nhà cửa ở Viêng Chăn kể cả những ngôi nhà cao tầng đều thiết kế rất hiện đại nhưng cũng mang đậm phong cách Lào đặc biệt là các cổng ra vào, các mái nhà, phòng khánh tiết cùng các hoa văn cũng như phù điêu trang trí ở các ngôi nhà hay tòa nhà cao tầng. Tất cả những nét đẹp của văn hóa truyền thống Lào như âm nhạc, múa, kiến trúc, ẩm thực... đều hiển lộ một cách tinh tế và hợp lý trong các công trình hiện đại.

Còn Hà Nội chúng ta thì càng ngày càng đánh mất những vẻ đẹp văn hóa truyền thống trong hầu hết các lĩnh vực. Nếu bây giờ chúng ta mang chèo, quan họ, hò Huế... vào chương trình khai mạc các hội nghị, vào tiệc sinh nhật, lễ cưới... thì chúng ta sẽ bị chê bai là “lạc hậu” là “cũ kỹ”.

Nếu chúng ta cứ đối xử với văn hóa truyền thống như bây giờ thì trong một tương lai không xa khi một học sinh được hỏi chèo là gì, quan họ là gì... thì chúng phải tra từ điển mới có thể trả lời được mà trả lời bằng cách chép trong từ điển ra chứ chúng cũng chẳng hiểu chèo là cái khỉ gì!

Phở Viêng Chăn

Trong hai ngày ở thủ đô Viêng Chăn, tôi được mấy người bạn làm việc ở Sứ quán Việt Nam tại Lào đưa đi ăn phở... Lào. Phở Lào? Tôi ngạc nhiên. Thấy tôi có vẻ “coi thường”, một người bạn nói: “Bình tĩnh đi, ông sẽ thay đổi thái độ đấy”.

“Ngon”. Tôi đã phán một câu như thế sau khi ăn một bát phở bò. Tất nhiên là phở Lào. Gọi là phở Lào nhưng đó là phở. Vì phở thì đương nhiên là bản quyền ẩm thực duy nhất của Việt Nam rồi. Nhưng vì do người Lào nấu nên những người Việt Nam sinh sống và làm việc ở đây gọi là “phở Lào”.

Cho dù mới ngày hôm trước còn ăn phở ở Hà Nội nhưng ăn phở Lào hôm sau đã để lại cho tôi cảm giấc thật thú vị. Tất cả hương vị không có gì khác với phở truyền thống Hà Nội. Chỉ có một điều khác là luôn có một đĩa rau ghém ăn kèm nếu bạn thích. Hương vị phở Lào cho tôi thấy người Lào đã nấu món phở bò với sự tuân thủ công thức phở Hà Nội một cách nghiêm cẩn. Nhưng vì sao phở Lào lại ngon hơn đại đa số phở ở Hà Nội. Câu trả lời của tôi là: Thái độ của người nấu phở. 

Tôi nhớ, có một quán phở gà rất nổi tiếng ở phố Nam Ngư Hà Nội gọi là phở Lâm. Tôi đã từng nhìn thấy những bài báo của các nhà báo nước ngoài viết về phở Lâm. Và tôi cũng nhìn thấy trên máy quay, trên mũ, trên áo hành nghề của các phóng viên hãng CBS, CNN... tên phở gà Nam Ngư. Rất nổi tiếng. Phở do bà cụ Lâm nấu.

Tuy già, nhưng lúc nào bà cũng ngồi trực tiếp làm phở cho khách. Những người từ thế hệ tôi trở về trước đều biết đến phở Lâm. Nhưng đến bây giờ, thì phở Lâm đã “phá sản”. Vì từ khi cụ Lâm mất, các cô con gái thay bà quản lý quán phở Lâm đã đẩy tên tuổi của phở Lâm vào sự tuyệt vong.

Vì sao vậy? Tôi suy nghĩ và rút ra kết luận như sau: Chắc chắn, khi đã yếu, cụ Lâm đã truyền hết công thức và bí quyết món phở gà này cho con cháu. Con cháu cụ có đầy đủ trong tay công thức và bí quyết nấu món phở gà nhưng có một thứ mà cụ Lâm không thể truyền được cho con cháu cụ. Đó là sự đắm mê trong nghệ thuật ẩm thực.

Nếu không có sự đắm mê thì những công thức kia cũng gần như vô dụng. Nó sẽ dần dần mất đi bí mật của nó. Nhìn cách các cô con gái cụ Lâm điều hành quán phở là người ta có thể nhận ra họ không có một chút đắm mê nào với món phở ngoài ý nghĩa thu tiền. Cái chết là ở chỗ này.

Chính thế mà quán phở Lào tôi đã thưởng thức làm tôi muốn trở lại Viêng Chăn để thưởng thức trong khi đó quanh nơi tôi ở và làm việc ở Hà Nội nhan nhản các quán phở lại làm tôi thất vọng. Gia đình người Lào nấu món phở kia chẳng tài năng gì hơn những người nấu phở ở Hà Nội, nhưng họ đã đắm mê món phở và đắm mê nghề nấu phở của họ. Vì thế mà họ có thể thực hiện từng bước rất tinh tế khi nấu món phở và tuân thủ đúng nguyên tắc nấu món phở như một tình yêu.

Các cụ nhà ta có dạy: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ghé chân sang Lào là ta đã học được không ít điều hay và quan trọng để gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của đất nước mình.

Xem thêm
Thái Hòa: 'Tôi thích diễn nhân vật độc ác'

Thảm đỏ ra mắt bộ phim 'Cái giá của hạnh phúc' quy tụ dàn khách mời đình đám của showbiz Việt và nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả, truyền thông.

Atalanta tái đấu Liverpool: Chờ một phép màu từ The Kop

Trận tứ kết lượt về giữa Atalanta vs Liverpool trong khuôn khổ Europa League 2023/2024 sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 19/4/2024 trên sân vận động Atleti Azzurri d'Italia. 

U23 Indonesia tạo địa chấn khi vượt qua U23 Úc

U23 Indonesia đã tạo nên cú sốc khi có chiến thắng 1-0 trước U23 Australia ở lượt trận thứ 2, qua đó rộng cửa vào tứ kết giải U23 châu Á 2024.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm