| Hotline: 0983.970.780

25 bút lục biến mất, ai chịu trách nhiệm?

Chủ Nhật 24/10/2010 , 16:37 (GMT+7)

Việc 25 bút lục biến mất khỏi hồ sơ vụ kiện được các luật sư nêu lên một cách gay gắt, đòi phải được làm sáng tỏ. Mất 25 bút lục, nghĩa là việc xem xét không còn toàn diện được nữa. Vậy tòa sẽ xử như thế nào, tuyên như thế nào trên cơ sở một hồ sơ không đầy đủ như thế?

Quang cảnh phiên toà
Ngày 22/10/2010, phiên tòa tiếp tục phần tranh tụng. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng lại đứng lên bảo vệ lẽ phải và chân lý.

>> Báo NNVN chỉ nói sự thật, bảo vệ sự thật

Nhiều chuyện nực cười

Trả lời cáo buộc của phía Cty ICC cho rằng mình không có vốn khống, cổ đông ma; báo NNVN phải cải chính, xin lỗi do đã đăng sai chi tiết đó, làm ảnh hưởng đến uy tín của ICC. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã trình tòa những kết quả điều tra của mình, và chị đã làm người dự khán phải bật cười khi đưa ra chứng cứ: Bà Phan Thị Thanh Vân, vợ của Tổng giám đốc ICC Hoàng Kim Đồng, đã thế chấp cả… vườn hoa Nghĩa Tân lấy 16 tỷ đồng khống góp vào ICC.

Chẳng là, trong phần vốn đóng góp của các cổ đông của ICC có ghi bà Vân thế chấp biệt thự đơn II ở làng quốc tế Thăng Long, trị giá 16 tỷ đồng. Nhưng khi phóng viên báo NNVN đến địa chỉ này thì đó chính là vườn hoa Nghĩa Tân. Số vốn khống 16 tỷ đó sau được “chuyển nhượng” cho ông Hoàng Kim Đồng, rồi đến lượt mình, ông Đồng lại “chuyển nhượng” cho người khác.

Bằng nhiều bằng chứng khác nữa, nhà báo Nghiêm Thị Hằng đã chứng minh được rằng 30,55 tỷ đồng/34 tỷ đồng vốn của ICC là vốn khống. Còn cổ đông “ma”, trong danh sách cổ đông của ICC có ghi ông Phan Quốc Việt góp vốn 1,25 tỷ đồng. Nhưng khi PV báo NNVN tìm đến địa chỉ của ông Phan Quốc Việt, thì mới hay đó là một…con nghiện, trước đây làm nghề cắt tóc, đã bỏ nhà đi từ lâu, vợ ông Việt cho biết, với hoàn cảnh gia đình như vậy, thì không thể nào có số tiền 1,25 tỷ để góp vốn cho ICC.

Về bài báo viết về dự án Hòn Rớ II ở Khánh Hòa. Trả lời cáo buộc của nguyên đơn về việc báo NNVN đã đăng sai sự thực về chuyện ICC đã “bôi trơn” lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để được giao đất tại dự án này. Nhà báo Nghiêm Thị Hằng bác bỏ: Câu hỏi chủ một doanh nghiệp tư nhân khác đã “bôi trơn” hàng tỷ đồng, vậy Hoàng Kim Đồng đã “bôi trơn” bao nhiêu để được giao đất tại dự án Hòn Rớ II chỉ là một câu hỏi nghiệp vụ chứ hoàn toàn không phải là câu khẳng định.

Nhà báo có quyền đặt những câu hỏi như vậy, còn việc xác minh có việc “bôi trơn” hay không, là thuộc thẩm quyền của cơ quan khác. Nếu qua xác minh, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản trả lời báo, thì NNVN sẵn sàng đăng văn bản đó, nhưng từ đó đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hề có văn bản trả lời, vì vậy câu hỏi vẫn treo đó.

Tuy nhiên, nhà báo Nghiêm Thị Hằng cũng công bố một biên bản xác minh, trong đó một cán bộ của ICC đã nói rõ, trong một bữa tiệc tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh, ông Hoàng Kim Đồng đã đưa cho ông Trần Minh Duân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, một phong bì. Tuy không khẳng định rằng phong bì đó đựng gì nhưng câu hỏi trên của báo NNVN là hoàn toàn hợp lý. Ông Hoàng Kim Đồng cũng khiến nhiều người dự khán phải nhếch mép khi thanh minh rằng đó là cái phong bì đựng thuốc… hôi người. Chuyện “thuốc” đựng trong phong bì, đưa tại một bữa tiệc, có lẽ là chuyện hy hữu trên đất nước ta từ thời “mở cửa” đến nay, và có lẽ chỉ có ông Hoàng Kim Đồng mới đủ sức nghĩ ra được “sáng kiến” này.

Về số tiền mà ICC đòi báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng phải bồi thường, tổng cộng trên 24 tỷ, trong đó có việc do báo NNVN đăng sai, nên một doanh nghiệp đã không góp vốn vào ICC nữa, khiến ICC không có tiền để nộp tiền sử dụng đất, thời điểm đó là 8 tỷ đồng. Năm sau, số tiền đó tăng lên 28 tỷ, chênh lệch 20 tỷ, số chênh lệch đó báo NNVN và nhà báo Nghiêm Thị Hằng phải trả.

Người dự khán bàng hoàng khi nhà báo Nghiêm Thị Hằng đưa ra chứng cứ: trước sau, ICC vẫn chỉ phải nộp 8 tỷ tiền sử dụng đất, không có chuyện chênh lệch 20 tỷ. Con số 20 tỷ mà ông Hoàng Kim Đồng đưa ra là một sự bịa đặt, vu khống trắng trợn, chẳng khác gì một hành vi cưỡng đoạt…

Bút lục biến bất, chuyện như đùa

Việc 25 bút lục biến mất khỏi hồ sơ vụ kiện được các luật sư nêu lên một cách gay gắt, đòi phải được làm sáng tỏ.

Một vị lãnh đạo của Ban Tư tưởng - Văn hóa TW (nay là Ban Tuyên giáo TW) cũng có 2 bản xác nhận cho hai bên ngược nhau như vậy. Các luật sư yêu cầu phải tiến hành giám định những tài liệu này, nhưng HĐXX chưa tỏ thái độ.
LS Nguyễn Hồng Bách, giám đốc Văn phòng Luật sư Nguyễn Hồng Bách và cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nghiêm Thị Hằng tại tòa, đặt câu hỏi: "Đây là hồ sơ một vụ án, nó được lưu tại tòa, được bảo vệ theo một quy định rất nghiêm ngặt và cẩn mật, chứ không phải một cái cặp giấy lộn. Chúng tôi là luật sư, muốn sao chép hồ sơ phải có đơn, và phải được chủ tọa phiên tòa cho phép. Khi sao chép, thư ký tòa ngồi bên cạnh, giám sát, so sánh việc sao chép đối với từng bút lục. Vậy thì vì sao chừng ấy bút lục lại có thể mọc cánh mà bay khỏi hồ sơ được? Ai đã làm việc này? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?".

Rất tiếc, HĐXX phiên tòa phúc thẩm đã không trả lời, không tập trung làm sáng tỏ việc này. Về nguyên tắc xét xử thì hồ sơ mỗi vụ án đều phải được xem xét một cách toàn diện. Mất 25 bút lục, nghĩa là việc xem xét không còn toàn diện được nữa. Vậy tòa sẽ xử như thế nào, tuyên như thế nào trên cơ sở một hồ sơ không đầy đủ như thế? (xin lưu ý rằng chính ông Hoàng Kim Đồng đang kiện phía bị đơn rằng đã không nghiên cứu đầy đủ hồ sơ, tài liệu nên viết sai).

Theo nhà báo Nghiêm Thị Hằng thì tòa cấp sơ thẩm còn một vi phạm tố tụng rất nghiêm trọng nữa, đó là việc ngày 20/10/2010, trước ngày mở phiên tòa 1 ngày, khi chị lên làm việc tại TAND TP Hà Nội, thì mới hay trong hồ sơ vụ kiện có một bản giải trình của ICC đề ngày 27/10/2008 (mang số bút lục 1462), trong bản giải trình đó, ICC cho rằng bút lục số 775, gồm 10 nhóm, tổng cộng 104 tài liệu, phía ICC cho rằng “không cần thiết” nên đã rút ra.

Thật kỳ lạ, muốn rút tài liệu ra khỏi hồ sơ thì phải có đơn. Vậy đơn của ICC đâu? Ai là người đồng ý cho rút? Và nếu rút toàn bộ 104 tài liệu trong bút lục 775 đó, là những tài liệu chứng minh cho đơn khởi kiện bổ sung của ICC, thì coi như không còn nội dung khởi kiện nữa. Rất tiếc, HĐXX cấp phúc thẩm cũng không xem xét việc này.

 

14 giờ ngày 26/10/2010, HĐXX sẽ tuyên án. Kết quả phiên tòa ra sao, chúng tôi sẽ thông tin tiếp đến bạn đọc.

Nhận xét về phiên tòa sơ thẩm, LS Trần Đình Triển nói: “ICC coi tòa cứ như của nhà mình, hồ sơ của tòa cứ như hồ sơ của mình, thích để cái gì, rút cái gì không cần một thủ tục nào hết. Còn tòa, thì cứ ICC đưa vấn đề gì là tòa thụ lý cái đó, kể cả những vụ việc không thuộc quyền khởi kiện của ICC”…

Một điều không thể không nói đến là tại tòa phúc thẩm lần này, đã xuất hiện một số tài liệu có nội dung ngược nhau. Đó là lời xác nhận của ông Trần Nhật Quang. Ông Quang đã viết hẳn lời xác nhận rằng báo NNVN đã đăng chính xác lời của ông khi phỏng vấn. Nhưng trong một bản đánh máy có chữ ký của ông do nguyên đơn trình tòa, thì lại có nội dung ông “rất thất vọng” khi báo NNVN không đăng đúng lời ông nói.

Xem thêm
Đã bắt lại hơn 100 người trốn khỏi cơ sở cai nghiện ở Sóc Trăng

Sóc Trăng Hơn 100/191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện ma túy ở Sóc Trăng đã bị bắt giữ. Ngành chức năng khẩn trương vận động học viên còn lại quay lại cơ sở.

Nâng giá thực phẩm hỗ trợ công nhân, cựu Chủ tịch LĐLĐ Hải Dương lĩnh án

Nâng giá, chiếm đoạt tiền từ mua bánh chưng, giò hỗ trợ công nhân, Mai Xuân Anh (cựu Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương) bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù.

Bình luận mới nhất