| Hotline: 0983.970.780

25 cảnh sát cải trang để bắt 'Bố Già' ma tuý

Thứ Ba 22/03/2016 , 08:58 (GMT+7)

Luôn được đàn em bảo vệ khi một mực không khai báo, trong 12 năm "Bố Già" ma tuý ở Hội An không để lộ mình dù trinh sát liên tục theo dõi.

Ngày 21/3, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND Quảng Nam, tổ chức trao thưởng, biểu dương Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47, Công an tỉnh Quảng Nam) sau khi đơn vị này phá đường dây ma túy đá ở Hội An. Nhận định đường dây này cực kỳ nguy hiểm khi luôn có vũ khí nóng bên người, Chủ tịch tỉnh chúc mừng các trinh sát đã không để bị thương trong quá trình vây bắt.

Theo PC47, đây là một trong những chuyên án tốn nhiều công sức nhất khi phải 12 năm theo dõi mới triệt phá được.

Theo điều tra, năm 2004 Phạm Minh Ngọc (35 tuổi), cùng bố mẹ từ Hà Nội chuyển vào TP Hội An sinh sống. Lúc này Ngọc nghiện ma túy nặng. Ngay từ khi đặt chân đến phố cổ, để có tiền hút chích, Ngọc nghĩ tới việc “khai phá thị trường” ma túy ở địa bàn này. Quen biết nhiều đầu mối cung cấp ma túy ở miền Bắc, Ngọc dễ dàng mua “hàng” từ đây rồi một mình vận chuyển vào Hội An bán lẻ kiếm lời.

Ngôi nhà 3 tầng ở phường Tân An vừa là nơi sinh sống, kinh doanh karaoke của gia đình vừa là địa điểm Ngọc dùng để tiếp cận khách hàng. Khoảng năm 2007, khi ma túy đá xuất hiện ở Việt Nam, Ngọc chuyển qua buôn loại này và dần trở thành “ông trùm” ma túy đá ở Hội An.

Nhận được thông tin về tụ điểm ma túy của Ngọc, Công an TP Hội An tổ chức theo dõi suốt 4 năm nhưng vẫn không có chứng cứ. Sợ “bứt dây động rừng”, năm 2008, Công an Hội An báo cáo sự việc tới Phòng PC47 để đơn vị này trực tiếp điều tra. “Vụ án có 4 đơn vị cùng tham gia điều tra, trong đó PC47 là đầu mối chính. Đến khi bị bắt, đã hàng trăm lượt trinh sát được cử tới Hội An để thâm nhập, theo dõi Ngọc”, vị điều tra viên trực tiếp đánh án trong nhiều năm nói.

Có tiền nhờ buôn ma túy đá, Ngọc dần gây dựng được tên tuổi trong “thế giới ngầm”. Anh ta thu nhận nhiều đệ tử và trở thành tay anh chị có “máu mặt” nhất nhì Hội An. Những đàn em của Ngọc sẵn sàng ra tay giúp đại ca thanh toán các đối thủ cũng như những con nghiện quỵt nợ. Tuy nhiên, những chân rết này cũng không dám hé răng khai nửa lời về Ngọc mỗi khi bị bắt.

“Bọn đàn em rất sợ Ngọc. Rất nhiều đàn em bị bắt nhưng không thể khai thác được thông tin gì. Trong khi, việc bán lẻ ma túy chủ yếu do tay chân Ngọc làm, ‘ông trùm’ rất hiếm khi tham gia nên muốn bắt phải bắt được quả tang. Việc này cực kỳ khó”, điều tra viên nói.

Tuy đàn em chưa bao giờ “bán đứng” Ngọc nhưng theo các trinh sát "tên trùm" này cực kỳ cẩn thận. Ngọc không bạn thân hay những đàn em lâu năm. Khi nhận thấy người nào đó biết quá nhiều về mình, gã lập tức cắt đứt quan hệ.


"Ông trùm" ma túy đá tại Hội An, Phạm Minh Ngọc. Ảnh: H.T

Cũng vì tính đa nghi, Ngọc liên tiếp chuyển chỗ ở. “Anh ta ở khách sạn cả năm trời, có lúc lại chuyển đến ở nhà bạn. Khi trinh sát mất rất nhiều thời gian hóa trang mới tiếp cận được thì anh ta lại chuyển”, vị đội trưởng đội điều tra nói.

Những lần hiếm hoi đi giao hàng cho khách, Ngọc cũng rất cẩn thận. Hắn nhồi ma túy vào bao thuốc lá, sau đó chạy xe dọc đường tìm một vị trí có dấu hiệu nào đó rồi vứt bao thuốc. Khi đã về nhà an toàn, Ngọc mới điện thoại cho khách tới đó để lấy “hàng”.

“Suốt nhiều năm theo dõi nhưng công an không bắt bài được Ngọc khi hắn mỗi lần dùng phương thức, thủ đoạn khác nhau và dường như không lặp lại nên rất khó đoán”, một trinh sát nói.

Mặc dù kiếm rất nhiều tiền, nhưng không giống những “ông trùm” ma túy khác, Ngọc không phô trương mà sống rất kín kẽ. Anh ta không gây sự chú ý, không ồn ào nhưng lại luôn được giới giang hồ kính nể bởi sự liều lĩnh. Cứ như vậy, đường dây ma túy đá do Phạm Minh Ngọc cầm đầu hoạt động suốt nhiều năm và không ngừng “vươn vòi”.

Khi tự tin đường dây sẽ không bị triệt phá, Ngọc dần để lộ nhiều sơ hở. Đến đầu năm 2016, PC47 quyết định “cất vó”. Ban chuyên án được lập do đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam làm trưởng ban.

Tuy nhiên, qua theo dõi nhận định đường dây này cực kỳ manh động, luôn có vũ khí nóng bên người để chống trả quyết liệt cảnh sát nên Công an Quảng Nam đề nghị C47 (Bộ Công an), Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 (đóng quân tại huyện Núi Thành), hỗ trợ đánh án cùng với sự tham gia của Công an TP Hội An.

Tối 18/3, qua thông tin của trinh sát báo về Ngọc sẽ giao hàng tại ngôi nhà 3 tầng của gia đình nên quyết định đột nhập bắt quả tang. Ngôi nhà này vốn cũng là quán karaoke nên 25 trinh sát được hóa trang thành khách hàng vào hát rồi chờ cơ hội ập vào nhà bắt “ông trùm” cùng đàn em.

"Trước đó lãnh đạo đã tổ chức họp khẩn để vạch ra kế hoạch vây bắt. Anh em hóa trang cũng phải có mùi bia rượu, tách ra từng tốp, rồi có cả trinh sát nữ đi cùng để tạo sự tin tưởng của chủ quán”, trinh sát tham gia vây bắt kể.


Hung khí bao gồm cả súng ngắn, súng điện, thương... thu giữ tại nhà Ngọc. Ảnh:H.T

Khi lực lượng đã bố trí chặt chẽ, trinh sát bất ngờ ập vào phòng khách của nhà Ngọc khống chế 7 người, trong đó có 4 người nghiện đến mua hàng. “Lúc khống chế trên người Ngọc còn có bình xịt hơi cay, khẩu súng ngắn có 5 viên đạn bên trong cách ta chỉ khoảng vài mét”, trinh sát kể.

Khám xét ngôi nhà, cảnh sát thu 11 gói ma túy đá, một súng điện cùng nhiều vũ khí và tang vật liên quan. Hai đàn em thân cận của Ngọc là Triệu Văn Phong (25 tuổi, quê Nam Định) và Ngô Thiên Ân (24 tuổi, xã Tân Hiệp, Hội An), cũng bị bắt. Theo cảnh sát, giống như những lần dùng chân rết trước, Phong và Ân cũng chỉ làm tay chân của Ngọc được vài tháng.

“Ngọc khai không ngờ công an lại kiên trì, ‘ăn dầm ở dề’ để theo dõi đến như vậy suốt ngần đó năm”, điều tra viên cho hay.

Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.

VnExpress

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm