| Hotline: 0983.970.780

267 hộ dân bị cấp đè sổ đỏ ở Ba Vì: Huyện sai, người dân và doanh nghiệp khốn khổ

Thứ Sáu 07/12/2018 , 13:05 (GMT+7)

Kể từ khi xuất hiện cảnh tượng “lưỡng hổ tương tranh” giữa người dân thôn Bằng Tạ (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) và chủ đầu tư khu du lịch Đầm Long, mảnh đất yên bình này bỗng trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ những vi phạm của chính quyền xã, huyện Ba Vì trong công tác thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
 

Điều phi lý tồn tại 16 năm

Vụ 267 hộ dân bị cấp đè sổ đỏ ở Ba Vì là chuyện hiếm thấy trong lĩnh vực quản lý đất đai ở Việt Nam. Điều hiển nhiên: một thửa đất không thể có hai sổ đỏ. Thế nhưng, sự vô lý ấy đã tồn tại 16 năm mà không được xử lý dứt điểm. Chính sự trì trệ của chính quyền xã, huyện trong việc khắc phục tồn tại, thiếu sót đã đẩy tình hình ngày càng trở nên phức tạp.

Không có đất canh tác, nhiều người dân thôn Bằng Tạ lâm cảnh khó khăn

Người dân thôn quê bao đời sống nhờ nghề nông, thế nên khi ruộng vườn của mình bị chính quyền xã, huyện trao vào tay người khác một cách khuất tất, họ tụ tập đông người, liên tục gửi đơn khiếu kiện lên huyện, lên thành phố thậm chí cả Thanh tra chính phủ đề tìm công lý.

Những thiếu sót, khuyết điểm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm UBND huyện Ba Vì; Phòng Địa chính (nay là Phòng TN&MT) huyện; UBND xã Cẩm Lĩnh; Trưởng phòng Địa chính huyện; Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh... thời kỳ 2002, 2003) trong việc thực hiện thu hồi đất đã được kết luận rõ ràng.

Cụ thể, trong quá trình triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, UBND huyện không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, không lập phương án đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng theo quy định; không thực hiện phát tờ khai, hướng dẫn tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi kê khai diện tích, hạng đất, loại đất, vị trí của đất, số lượng tài sản... hiện có trên đất để UBND xã Cẩm Lĩnh xác nhận là vi phạm quy định tại Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Sau khi nhận ra khuyết điểm, thay vì tìm phương án giải quyết quyền lợi của nhân dân một cách thoả đáng, UBND huyện Ba Vì lại “chữa cháy” theo kiểu... đổ thêm dầu vào lửa khi kết luận: “Các hộ dân đòi quyền lợi về đất đã được nhà nước thu hồi cho thuê đất là không có cơ sở”.

Không những thế, UBND huyện Ba Vì còn đề nghị UBND thành phố “công nhận việc thoả thuận bồi thường, hỗ trợ của chủ đầu tư cho các hộ dân trước đây”. Động thái này không chỉ vấp phải sự phản ứng dữ dội của hàng trăm người dân thôn Bằng Tạ, mà ngay cả UBND TP Hà Nội cũng không đồng tình. Bởi theo báo cáo số 1278 ngày 5/5/2017 của Thanh tra TP gửi UBND TP Hà Nội, việc các ông/bà Nguyễn Mạnh Thản, Nguyễn Văn Năng và Nguyễn Thị Thuý Hằng tiến hành thoả thuận bồi thường, hỗ trợ với các hộ dân có đất ở thôn Bằng Tạ thực chất là thoả thuận dân sự. Mặt khác, trên cơ sở đơn xin thuê đất của các chủ đầu tư, UBND huyện Ba Vì có 03 quyết định thu hồi đất do UBND xã Cẩm Lĩnh quản lý (không ghi thu hồi đất của các hộ dân). Đề nghị trên của UBND huyện Ba Vì được Thanh tra TP Hà Nội xác định là “không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Huyện Ba Vì cấp đè sổ đỏ của nhiều hộ dân thôn Bằng Tạ cho chủ đầu tư Khu du lịch Đầm Long

Điều đó chứng tỏ, hơn 160.000 m2 đất mà 267 hộ dân thôn Bằng Tạ (đang được ông Thản và 2 cá nhân khác sử dụng để kinh doanh du lịch) không nằm trong phạm vi nhà nước thu hồi đất. Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trong trường hợp này, các hộ dân thôn Bằng Tạ không có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các chủ đầu tư dự án khu du lịch Đầm Long. Như vậy, việc UBND huyện Ba Vì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ông Thản, Năng và bà Hằng chồng lên sổ đỏ của 267 hộ dân là không đúng quy định của pháp luật.
 

Người dân và doanh nghiệp đều thiệt hại

Trong những năm qua, nhiều hộ dân ở thôn Bằng Tạ lâm vào tình cảnh khó khăn. Ví dụ như gia đình bà Nguyễn Thị Dung có 8 sào ruộng đang được chủ đầu tư khu du lịch Đầm Long sử dụng. Không đòi được ruộng để gieo trồng hoa màu, 16 khẩu phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi để sinh sống. Còn những người già và trẻ nhỏ chỉ trông chờ vào 2 sào cấy lúa.

Ông Nguyễn Chí Thâm có 8 sào ruộng “cho doanh nghiệp thuê” để kinh doanh du lịch, đến nay doanh nghiệp không trả. Bản thân ông Thâm đang phải nuôi mẹ liệt sỹ. Gánh nặng cơm áo dồn trên vai, các con ông Thâm đành phải tha hương cầu thực. “Đề nghị UBND huyện Ba Vì, xã Cẩm Lĩnh trả lại đất cho tôi và nhân dân thôn Bằng Tạ”, ông Thâm nói.

Hồ sơ bồi thường hoa màu, bồi thường đất của chủ đầu tư dự án và người dân không rõ ràng, dễ gây hiểu lầm

Ông Chu Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ao Vua cho biết: Mấy năm nay, người dân đi khiếu nại ở huyện, thành phố thậm chí lên tới Trung ương rồi. TP cũng đã có rất nhiều văn bản, cuộc họp chỉ đạo; Công an thành phố, thanh tra thành phố cũng đã về làm việc. Nhưng người dân cho rằng, cơ quan nhà nước phải khắc phục cái sai của mình bằng việc trả lại quyền lợi cho họ. TP cũng đã có văn bản chỉ đạo là phải kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật những đơn vị, tổ chức, cá nhân làm sai ở thời điểm 2002, 2003. Nhưng UBND huyện, UBND xã không kiểm điểm, không kỷ luật ai nên dân họ rất bức xúc.

“Chúng tôi cũng rất chia sẻ với bức xúc của người dân và đã tổ chức đối thoại với người dân để hỗ trợ thêm 13 triệu đồng/sào, nhưng họ không đồng ý”, ông Tuấn nói.

Khi không tìm được tiếng nói chung, người dân thôn Bằng Tạ tụ tập đám đông, kéo ra cổng khu du lịch Đầm Long để đòi quyền lợi. Do tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo, Công ty CP Ao Vua đã phải đóng cửa và ngừng hoạt động từ 3/12/2016 đến nay. Theo ước tính, mỗi năm ngừng hoạt động khu du lịch Đầm Long, Cty Ao Vua thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Khu du lịch Đầm Long đóng cửa suốt 2 năm nay, thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Trong thời gian vừa, Cty Ao Vua liên tục có báo cáo, đề nghị các cơ quan nhà nước giải quyết dứt điểm đi để doanh nghiệp mình hoạt động trở lại. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do những tồn tại, khuyết điểm của cán bộ nhà nước. Thứ hai, cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề này trì trệ, không dứt khoát. Khi huyện triển khai thu hồi đất, hồ sơ, thủ tục không chặt chẽ. Thậm chí huyện còn không có Ban giải phóng mặt bằng. Phòng Địa chính tham mưu không đến nơi đến chốn, lãnh đạo thì chỉ biết cấp dưới trình lên là ký thôi. Nhưng bây giờ mới biết là các hồ sơ, giấy tờ pháp lý mình làm lỏng quá, từ đó dẫn đến việc người dân cho rằng mình vẫn còn quyền lợi trên những thửa đất của mình. Thực tế, doanh nghiệp chúng tôi cũng đang chịu tổn thất rất lớn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.