| Hotline: 0983.970.780

'3 con đường' của chim yến

Thứ Năm 16/05/2019 , 13:10 (GMT+7)

Mới đây, hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), các nhà khoa học, nhà quản lý đã đưa ra cảnh báo đứng trước biến đổi khí hậu, chim yến bắt buộc phải có “3 lựa chọn” đó là, thích nghi, di cư hoặc chết.

11-25-43_1_2
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự phát triển đàn yến.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến đời sống con người và tất cả mọi sinh vật, trong đó có sự sinh tồn và phát triển của đàn chim yến. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ĐH Bách khoa Hà Nội, đàn chim yến chia thành 2 nhóm. Một là, chim yến đảo-yến hàng được phân bổ ngoài tự nhiên tại các hang đảo. Yến hàng thuộc nhóm chim hoang dã vì chúng chỉ cư trú ở trong hang và kiếm mồi hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên.

Hai là, chim yến nhà thuộc nhóm chim bán hoang dã vì chúng cư trú trong các ngôi nhà do con người xây dựng, còn nơi kiếm mồi phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, chim yến đảo và chim yến nhà đều có một điểm chung là sống bầy đàn và cư trú trong không gian che khuất đảm bảo an toàn, ít bị thú săn mồi đe dọa.

Điều kiện khí hậu, môi trường thích hợp để chim yến sống và làm tổ ở hang động cũng như trong nhà từ 26o-31oC, tốt nhất từ 27o- 29oC; độ ẩm không khí 74-85%, cường độ ánh sáng không lớn 0,5 lux. Ở điều kiện này, số lượng cá thể chim yến làm tổ trong mùa sinh sản luôn cao và ổn định. Nếu độ ẩm cao hơn 90%, sản lượng tổ yến có thể giảm 15-18% và nếu độ ẩm thấp hơn 70%, chim yến sẽ phát triển kém, thậm chí không vào làm tổ.

Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, BĐKH đã làm xuất hiện nhiều yếu tố cực đoan về nhiệt độ, độ ẩm, mưa bão, giống tố, hạn hán, lũ lụt... Những yếu tố này đã, đang và sẽ vượt mức chịu đựng của chim yến, làm thay đổi môi trường sống và kiếm mồi của đàn yến, ảnh hưởng xấu đến sự sinh sản, phát triển và làm tổ của chim yến. Đứng trước BĐKH, chim yến chim yến bắt buộc phải có “3 lựa chọn” đó là, thích nghi, di cư hoặc chết.

TS Nguyễn Cử, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học cũng cho rằng, BĐKH làm suy thoái môi trường sống, trong đó có quần thể chim yến. Do đó, cần có cảnh báo sớm, kịp thời tác động BĐKH vùng ven biển, hải đảo và biển khơi, nhất là tại các đảo yến được cho là trọng điểm, quy tụ các hang yến có tiềm năng phát triển tốt, cung cấp nguồn lợi tổ yến cao hàng năm.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học, quản lý còn cảnh báo BĐKH có thể làm các thảm thực vật thay đổi và dịch chuyển lên các vị trí cao hơn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm thức ăn của chim yến, đặc biệt chim yến đảo. Theo khảo sát của Cty Yến sào Khánh Hòa, chim yến đảo di chuyển thành đàn theo hướng Tây Bắc để tìm kiếm thức ăn tại Khánh Sơn và khu vực cao nguyên. Những năm qua, ghi nhận sự xuất hiện của chim yến nhà tại khu vực phía Bắc, cụ thể tỉnh Thanh Hóa, song do khí hậu không phù hợp đã khiến chim yến bị chết hàng loạt.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học cũng chia sẻ giải pháp để chim yến sống yên ổn nơi cư trú đã định, cần phải có biện pháp tránh tới mức cao nhất ảnh hưởng của biến đổi nhiệt độ và độ ẩm.

11-25-43_2
Hiện nay cả nước có 42 tỉnh, TP phát triển nuôi yến trong nhà

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, với chim yến nhà, cần phải có giải pháp để điều chỉnh nhiệt độ trong nhà yến cư trú khi nhiệt độ và độ ẩm môi trường quá cao hoặc quá thấp. Trước hết phải thiết kế tường, trần và cửa ra vào nhà yến có khả năng cách nhiệt và thoát nhiệt tốt nhất nhằm giảm bớt sự hấp thu nhiệt từ môi trường.

Vào ngày nắng nóng, có thể phun nước trên mái nhà và ngoài mặt tường để giảm nhiệt độ, kết hợp lưu thông không khí và phun ẩm trong nhà. Vào mùa đông, khi ngoài trời nhiệt độ xuống thấp, cần chủ động che chắn cửa ra vào để tránh gió lạnh lùa vào nhà yến. Thông gió nhân tạo hoặc thông gió tự nhiên kết hợp phun ẩm duy trì độ ẩm ít nhất 80% để tổ yến không bị bong rơi khi làm tổ.

Đối với yến đảo, riêng cửa hang hướng Bắc là ít thuận lợi nhất, dễ bị gió lạnh mùa đông lùa vào hang, cũng như nhiệt độ trong hang dễ bị xuống thấp, ảnh hưởng đến sự sống và làm tổ của chim yến.

Khi cửa hang tự nhiên đã theo hướng Đông, Nam, Bắc thì không thể thay đổi được, song việc điều tiết nhiệt độ trong hang có thể làm bằng cách tăng hoặc giảm kích thước cửa hang nhờ các bức tường xây hoặc có thể mở thêm cửa hang ra hướng thuận lợi nhất. Cần lắp đặt thêm hệ thống phun sương trong hang và trồng cây xanh để điều chỉnh độ ẩm và điện độ trong hang....

Theo khảo sát hang đảo yến năm 2018 của Công ty Yến sào Khánh Hòa, vùng duyên hải Nam Trung Bộ có số lượng hang yến tự nhiên lớn nhất nước với 223 hang yến. Trong đó, Khánh Hòa có 173 hang yến, Bình Định 16 hang, Quảng Nam 9 hang, Quảng Ngãi 3 hang, Phú Yên 13 hang và Ninh Thuận 9 hang.

Đối với chim yến nhà có 42 tỉnh, TP hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến với tổng số trên 8.540 nhà yến, trong đó nhiều nhất tại ĐBSCL, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, khu vực duyên hải miền Trung..

Xem thêm
Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất