| Hotline: 0983.970.780

3 công ty thủy lợi thành 'con nợ' vì 6 tháng không có kinh phí

Thứ Tư 29/06/2022 , 08:37 (GMT+7)

Mất hàng chục tỷ đồng vận hành hệ thống công trình, nợ lương công nhân 6 tháng, nhưng 3 công ty thủy nông trực thuộc Bộ NN-PTNT vẫn chưa nhận được 1 xu kinh phí.

“Công ty chúng tôi thực sự là một con nợ”

Câu chuyện 3 doanh nghiệp công ích do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm: Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà; Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa) nợ lương công nhân suốt nửa năm qua, khiến nhiều người bất ngờ, và là tình huống chưa có trong tiền lệ.

Ông Nguyễn Đình Kính (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác của Viện Quy hoạch thủy lợi kiểm tra trang thiết bị trạm bơm trong hệ thống.

Ông Nguyễn Đình Kính (thứ 2 từ trái sang) cùng đoàn công tác của Viện Quy hoạch thủy lợi kiểm tra trang thiết bị trạm bơm trong hệ thống.

Bởi, đây là những công ty được nhà nước giao quản lý và vận hành các hệ thống công trình thủy lợi mang tính chất liên tỉnh, giữ vai trò đặc biệt quan trọng phục vụ cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, dân sinh và các ngành kinh tế khác cũng như phòng, chống thiên tai. Muốn vận hành và khai thác hiệu quả thì cần chi phí rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Kính, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Bắc Nam Hà chia sẻ: “6 tháng qua, 3 công ty thủy lợi trực thuộc Bộ NN-PTNT chưa nhận được 1 xu nào kinh phí cấp dự toán của năm 2022”.

Trong khi đó, thực hiện Quyết định số 501 ngày 26/1/2022 của Bộ NN-PTNT về việc giao kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công ích năm 2022, Công ty Bắc Nam Hà đã tổ chức vận hành hệ thống công trình thủy lợi an toàn, kịp thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân.

Nhưng do biến đổi khí hậu, lượng mưa bình quân từ ngày 23/5 – 31/5 trên 130mm, nhiều nơi lượng mưa vượt tần suất thiết kế. Đây là đợt mưa rất đặc biệt, trái quy luật. Lần đầu tiên Công ty Bắc Nam Hà phải vận hành tất cả các trạm bơm để tiêu úng, cứu lúa mùa, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Kinh phí vận hành bơm tiêu úng hết 4-5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do không có kinh phí để mua vật tư, thiết bị chuyên dùng phục vụ sửa chữa các tổ máy bơm lớn nên công ty chỉ tập trung bảo dưỡng máy bơm, cống dưới đê… còn một số hạng mục công trình chưa đảm bảo an toàn để vận hành, phòng chống lũ lụt, úng năm 2022.

Theo báo cáo ngày 1/6/2022 của Công ty Bắc Nam Hà gửi Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, về chi phí tiền điện vận hành máy bơm, đến ngày 31/5, công ty đã sử dụng trên 10 tỷ đồng nhưng chưa có kinh phí để thanh toán trả điện lực 2 tỉnh Nam Định, Hà Nam. Nếu không có kinh phí thanh toán tiền điện, ngành điện lực sẽ tạm dừng cung cấp điện cho 12 trạm bơm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh tế xã hội, đời sống của trên 1,3 triệu người dân trong hệ thống.

Về tiền lương, hàng tháng công ty chỉ tạm ứng lương cho người quản lý, người lao động, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động trong điều kiện giá sinh hoạt ngày càng tăng.

Muốn vận hành hệ thống phải có điện, dầu

Ông Nguyễn Đình Kính trần tình, sau 4 năm thực hiện Luật Thủy lợi năm 2017 và các Nghị định, thông tư hướng dẫn, các công ty thủy lợi chuyển từ phục vụ sang dịch vụ và chuyển từ phí sang giá hết sức khó khăn. Nghị định 96/2018/NĐ-CP quy định về giá sản phẩm thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi nêu rõ là hỗ trợ dịch vụ công ích thủy lợi và hỗ trợ tài chính khác được cấp phát bằng lệnh chi tiền.

Tuy nhiên hiện nay Bộ Tài chính đã thay đổi hình thức cấp phát thanh toán từ lệnh chi tiền sang rút dự toán, khiến các công ty thủy lợi vô cùng khó khăn. Trong khi đó, Nghị định 96 vẫn đang còn hiệu lực, chưa được sửa đổi.

Nếu không có kinh phí thanh toán tiền điện, ngành điện lực sẽ tạm dừng cung cấp điện cho 12 trạm bơm trong hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.

Nếu không có kinh phí thanh toán tiền điện, ngành điện lực sẽ tạm dừng cung cấp điện cho 12 trạm bơm trong hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà.

“Anh em chúng tôi cơm cháo nuôi nhau vẫn có thể chia sẻ được. Nhưng chúng tôi vẫn phải vận hành hệ thống, đảm bảo tuyệt đối an toàn, góp phần phát triển kinh tế cho các địa phương. Máy móc, thiết bị vẫn phải dùng điện, vẫn phải dùng xăng dầu. Đến nay, công ty chúng tôi thực sự là một con nợ”, ông Kính cho biết.

Cùng chung cảnh ngộ với Công ty Bắc Nam Hà, ông Tô Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa nói: “Kinh phí hoạt động của công ty chủ yếu bằng nguồn ngân sách của nhà nước, nhưng chúng tôi chưa có kinh phí để hoạt động trong 6 tháng đầu năm”.

Mặc dù được giao quản lý vận hành, khai thác hồ Dầu Tiếng (hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam với dung tích thiết kế 1,58 tỷ m3), phục vụ đa mục tiêu từ cấp nước sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt, phát điện… cùng nhiều tài sản kết cấu hạ tầng, tuy nhiên, việc khai thác các tài sản này vướng rất nhiều quy định từ Luật Đất đai, Luật Tài nguyên và Môi trường, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Thủy lợi và Luật Quản lý sử dụng tài sản công.

Đặc biệt, vừa qua công ty còn được Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ quản lý vận hành “siêu công trình” lớn bậc nhất ĐBSCL, đó là cống Cái Lớn – Cái Bé. Do đó, công ty rất cần kinh phí để tổ chức triển khai quản lý, vận hành, khai thác các công trình hiệu quả.

Sớm tháo gỡ khó khăn cho các công ty thủy lợi

Trước kiến nghị của các công ty thủy lợi, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) khẳng định: “Đến nay, gần hết quý II/2022 nhưng các công ty thủy lợi trực thuộc Bộ chưa được cấp kinh phí, nên chưa thể trả lương cho công nhân và người lao động. Chúng tôi đã phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp và các đơn vị liên quan để trao đổi rất nhiều lần về vấn đề này. Vướng mắc chính là chúng ta sửa Nghị định 96 năm 2018. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết trong thời gian ngắn nhất sẽ có kinh phí cho các công ty hoạt động”.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng đây là câu chuyện không mới. Trước đó, Thành phố Hà Nội cũng xảy ra tình trạng công nhân thủy nông bị nợ lương do vướng mắc trong quá trình chuyển từ đặt hàng sang đấu thầu và ngược lại từ đấu thầu sang đặt hàng phức tạp. Sau khi Bộ NN-PTNT can thiệp, phối hợp với Hà Nội tháo gỡ thì khó khăn trên đã được giải quyết.

Tuy nhiên, sự việc lần này có tính chất hoàn toàn khác, vì liên quan đến cơ chế tài chính theo quy định chi đặt hàng, dẫn đến tình trạng tiền thì có nhưng không tiêu được. Trong khi đó, các công ty thủy nông là công ty công ích, không phải là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, mặc dù có quỹ phát triển doanh nghiệp nhưng không thể đủ để trả lương cho người lao động.

Bộ NN-PTNT đã chủ động liên hệ làm việc với Bộ Tài chính để sớm tháo gỡ. Dự kiến, trong tuần sau sẽ tổ chức một hội nghị do lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo Bộ Tài chính trực tiếp chủ trì để giải quyết vấn đề này. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng thẳng thắn nhận xét, bản thân các công ty thủy lợi trực thuộc Bộ chưa chủ động và nỗ lực xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi. Ông cho rằng, đây vừa là khó khăn, nhưng vừa là cơ hội cuối cùng để tái cơ cấu lại các công ty. “Không thể một công ty 300 người mà phụ trách mấy tuyến mương như thế. Không thể nào căn cứ vào văn bản cách đây mười mấy năm, định mức là mỗi người 1km bờ đê… kéo theo câu chuyện lương thấp, người lao động bỏ việc”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói thêm, các công ty thủy nông “không thể trông chờ vào bầu sữa của nhà nước”, được cấp bao nhiêu tiêu bấy nhiêu rồi tuyển dụng nhân sự ồ ạt.

“Hôm trước tôi gặp một công nhân thủy nông ở một trạm bơm. Tôi hỏi chị công nhân lương tháng được bao nhiêu? Chị nói được 5 triệu/tháng. Tôi nói rằng, nếu lương 5 triệu mà tính ra giờ công thì lương chị cao hơn tôi rất nhiều, vì bình quân mỗi ngày chị chỉ làm khoảng 2 giờ, đây là điều bất hợp lý”.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất