| Hotline: 0983.970.780

3 dưa, 1 khoai tây

Thứ Năm 05/09/2013 , 10:15 (GMT+7)

Cách đây 5 năm, tại thôn Đại Công, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã diễn ra một cuộc “cách mạng” rầm rộ chuyển đổi đất 2 lúa sang trồng dưa hấu, khoai tây.

Cách đây 5 năm, tại thôn Đại Công, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) đã diễn ra một cuộc “cách mạng” rầm rộ chuyển đổi đất 2 lúa sang trồng dưa hấu, khoai tây.

Ngoạn mục

Chuyện bắt đầu từ năm 2008. Khi ấy, cánh đồng thôn Đại Công vẫn xanh rì màu xanh của lúa. Chỉ ngán ngẩm ở chỗ, người dân nai lưng khuya sớm, đầu tư bao công sức, tiền bạc mà số thóc thu về chẳng đủ trang trải cuộc sống. Vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng trở thành một nhu cầu cấp thiết. Nhưng, thay thế cây lúa bằng cây gì? Có hiệu quả hơn không, hay lại “chữa lợn lành thành lợn què”, càng chuyển đổi càng đói nghèo?

Trong bối cảnh u buồn ấy, có một dự án nông nghiệp thuộc loại “tầm cỡ” về làng. Phòng NN-PTNT và Trạm Khuyến nông huyện Tiên Lãng hỗ trợ nông dân chuyển lúa sang trồng luân canh dưa hấu, khoai tây.

Khi ấy, giá dưa hấu ngoài thị trường đang cao ngất ngưởng, dân sốt sắng lắm. Nhưng địa hình của địa phương trũng thấp quá, lúa còn ngập úng huống chi rau màu. Thứ nữa, chất đất phù hợp để cây dưa hấu, khoai tây phát triển phải là cát pha hoặc phù sa sông tơi xốp và thoát nước nhanh.


Nông dân xã Tiên Cường thu hoạch những quả dưa cuối cùng để bắt tay vào gieo trồng vụ mùa mới

Chẳng lẽ bó tay ư? Không, những người nông dân như ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên trưởng thôn thôn Đại Công) nhất quyết phải thực hiện bằng được. Để tôn nền đất trũng, ông và một số nông dân khác đã bỏ ra hàng chục triệu đồng/sào mua đất phù sa sông đổ lên bề mặt ruộng lúa với tổng diện tích 2 mẫu, “dọn đường” đón tiếp cán bộ nông nghiệp huyện về chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu, khoai tây.

Sau một tháng chăm sóc (kể từ khi xuống giống), cây dưa hấu Hắc Mỹ Nhân đã cho thu hoạch. Trọng lượng quả trung bình đạt từ 3,5 - 4 kg, vỏ ngoài bóng, mỏng, lõi đỏ, ngọt, nhiều nước nên thị trường rất chuộng. Với năng suất 1,5 tấn/sào, giá bán tại ruộng 5.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí đầu tư (đất tôn nền, phân bón, thuốc sâu,…) ông thu lãi trên 5 triệu đồng.

Ông Tâm cho biết: “Thời gian cho thu hoạch của cây dưa hấu chỉ 60 ngày nên mỗi năm có thể trồng được 3 vụ. Vụ xuân từ tháng 2 đến tháng 3; vụ xuân hè từ đầu tháng 4 đến tháng 5; vụ hè thu từ tháng 8 đến tháng 9 (trừ vụ đông, thời tiết lạnh nên cây dưa không thể sinh trưởng được). Thời gian quay vòng đất nhanh và không tốn nhiều công làm đất như trồng lúa”.

Để khai thác tối đa tiềm năng của vụ đông, các chuyên gia khuyến nông đã hướng dẫn ông Tâm trồng giống khoai tây Atlantic. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, năng suất khoai tây đạt khoảng 9 tạ/sào. Với giá bán ngoài thị trường khoảng 7.000 đ/kg, trừ chi phí ông thu lãi khoảng 5 triệu đồng.

Lãi gấp nhiều lần lúa

Chứng kiến sự “phất” lên của gia đình ông Tâm, nhiều nông dân ở thôn Đại Công và các thôn lân cận như Tiên Kha, Tiên Cựu, Sinh Đan, Đại Độ… đã mạnh dạn bỏ tiền thuê người đổ đất phù sa tôn nền để trồng luân canh dưa hấu, khoai tây. Đến nay, diện tích chuyển đổi của toàn xã Tiên Cường đã lên tới 70 ha. Trong đó, riêng thôn Đại Công có khoảng 40 ha.

Ông Vũ Trọng Phụng, Chủ nhiệm HTXNN Tiên Cường cho biết: “Toàn thôn Đại Công có 353 hộ thì 320 hộ chuyển từ trồng lúa sang dưa hấu và khoai tây (chiếm tỷ lệ 90,7%). Nhiều nông hộ có tiền xây nhà tầng khang trang cũng nhờ mô hình này”.

Ông Nguyễn Kim Công ở thôn Tiên Kha, chia sẻ: “Nhà tôi có 5 sào ruộng, trước đây trồng 1 năm 2 vụ lúa, năng suất trung bình 2 tạ/sào. Trừ chi phí còn lãi khoảng 2 triệu đồng/vụ. Số tiền rẻ mạt ấy không đủ chi trả cho con ăn học. Cực nhọc lắm! Năm ngoái, tôi vay mượn tiền của anh em đầu tư vào vườn dưa hấu này, 2 vụ mùa vừa rồi thu lãi trung bình 22 triệu đ/vụ”.

Theo ông Công, để có được ruộng dưa cho năng suất cao thì trước tiên phải làm đất thật kỹ, đánh luống cao khoảng 50 cm, rộng 1,5 m. Sau đó, phủ kín ni lông trên bề mặt để ngăn cỏ mọc. Cách 40 cm đục 1 lỗ tròn bằng cổ tay cấy cây giống (An Tiêm 103, An Tiêm 109, Hắc Mỹ Nhân…).

Cây dưa hấu cần đất có độ ẩm, nhưng lại chịu úng kém, vì thế, hệ thống tiêu nước trong ruộng phải đảm bảo hoạt động tốt trong điều kiện mưa nhiều.

Nói về hiệu quả của mô hình 3 dưa, 1 khoai tây, anh Nguyễn Thanh Tuấn ở thôn Đại Công cho biết: Giá dưa thường không ổn định, lên xuống thất thường nhưng tính trung bình dao động trong khoảng 3.500 - 4.000 đ/kg. Với mức giá này, nông dân vẫn thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Còn đối với khoai tây, vì giá cả không biến động nhiều nên mỗi vụ cầm chắc từ 5 đến 7 triệu đồng trở lên.

Để ổn định đầu ra cho củ khoai tây, Cty TNHH Thực phẩm Orion Vina đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản lượng khoai tây của địa phương làm nguyên liệu bánh kẹo với mức giá hợp lý. Đây là tiền đề quan trọng để nông dân yên tâm SX và có thu nhập ổn định.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Tiên Cường có rất nhiều nông dân đang rất muốn chuyển đổi đất trũng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng luân canh dưa hấu, khoai tây. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không thể thực hiện được vì vướng Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa.

Ông Nguyễn Văn Min, Chủ tịch UBND xã Tiên Cường cho biết:

Năm 2012, tổng GDP của toàn xã đạt 109 tỷ đồng (theo giá trị thực tế), tăng 8% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2011. Đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện các tiêu chí NTM. Thành công đó có được là nhờ phần lớn vào việc thực hiện hiệu quả mô hình 3 dưa, 1 khoai tây.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.