| Hotline: 0983.970.780

3 đứa trẻ ở phía bên kia đồi cao

Thứ Năm 24/09/2020 , 12:11 (GMT+7)

Cuộc sống liệu có quá khắt khe khi cướp đi 3 đứa trẻ ở Bản Phung và đây không phải lần đầu tiên những gia đình ấy bị lấy đi điều quý giá nhất.

Anh Ma Seo Sỉn bên căn nhà liếp. Ảnh: H.Đ.

Anh Ma Seo Sỉn bên căn nhà liếp. Ảnh: H.Đ.

Sách vở của chúng vẫn dùng lại được

Cách đây vài năm, Bản Phung còn chưa có đường đi, muốn tới nơi phải để xe cách bản tới 15 cây số, rồi cuốc bộ vào. Tới khi điểm trường Bản Phung (Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, Lào Cai) được xây dựng ở đây, không chỉ giúp các em nhỏ ở vùng hẻo lánh này học được con chữ, mà còn là tia hy vọng của những người dân bản địa. Cuộc sống của họ bao năm cơ cực, chỉ có kiến thức mới mong có thể thay đổi cuộc đời của các em sau này.

Cổng trường Bản Phung mở ra bao hy vọng thì cũng chính cánh cổng ấy dập tắt mọi hy vọng của 3 gia đình khi đổ sập lấy đi mạng sống của 3 em.

Anh Giàng Seo Séng mới 35 tuổi nhưng già nua như tuổi 50, uể oải mở cánh cửa gỗ ọp ẹp mời khách vào nhà. Gia đình anh vay mượn họ hàng được 80 triệu đồng xây dựng căn nhà gỗ này để ở, còn chưa trả được đồng nợ nào, thế mà bao biến cố đã xảy ra.

“Con mất thì đau lòng lắm, tôi không muốn đi làm gì cả, tất cả có 6 đứa thì mất 2 đứa rồi. Con đầu mất năm kia, mới 7 tuổi, khi đi về ngoại rồi đi bơi không may chết đuối. Giờ lại đến con bé này”, anh Séng nói.

Sau hôm cái hôm định mệnh, bà ngoại cháu lên nhà để xoa dịu nhưng bà cũng chỉ nằm một góc bởi không có nỗi đau nào hơn.

Lễ tang 3 cháu không tổ chức rườm rà vì ở đây bà con đã bỏ hết hủ hục, hôm trước mất hôm sau là mai táng. Trong đám tang, không có tiếng la khóc nhưng ai cũng hiểu, cả xóm đã mất đi cùng lúc những tiếng cười ròn tan mỗi chiều về của 3 đứa trẻ.

Chính vì thế, 3 gia đình quyết định chôn cất 3 con của họ ở cạnh nhau ở phía bên kia đồi. Ở đâu, đi đâu chúng cũng có bạn.

Ở Bản Phung, bà con không có tục lệ bốc mộ, cải táng mà đào sâu chôn chặt, mỗi năm đắp mộ một lần cho ngôi mộ lớn lên.

3 đứa trẻ khi ra đi chỉ mang theo chút đồ dùng là vài bộ quần áo, chăn và tấm vải trắng. Còn sách vở của chúng vẫn dùng lại được nên những gia đình sẽ đem tặng hoặc cho những nhà nghèo hơn.

“Có những đồ cá nhân của nó mà mình không muốn thấy, nó làm mình đau thì mang đi huỷ. Ở đây đồ vật đó cho tặng cũng không sao, không phải kiêng gì cả”, anh Séng nói.

Gia đình anh Giàng Seo Séng bần thần khi mất đứa con. Ảnh: H.Đ

Gia đình anh Giàng Seo Séng bần thần khi mất đứa con. Ảnh: H.Đ

Chỉ mong cả nhà nằm chung chiếc giường chật

Cách đó mấy trăm mét đường đất là nhà của gia đình anh Ma Seo Sỉn. Có khách, anh Sỉn gài vội con dao vào góc cột hiên nhà. Căn nhà chỉ vỏn vẹn 20m2, kê đủ chiếc giường, bếp ga và mấy cái ghế con tự đóng. Gió, nắng lùa qua những tấm liếp xung quanh nhà, căn nhà dường như đã ấm cúng trở lại khi có người.

Ở đây, bà con không kiêng đưa người chết vào nhà. Hôm rồi, con bé cũng được nằm ở đây làm lễ. Con bé được về nhà rồi mới đi. Nói đoạn, anh Sỉn chỉ tay vào nền đất khô khốc.

Chuyện đứa con mới mất, anh Sỉn chưa nguôi. Anh kể, ở nhà mấy đứa vẫn thường chơi với nhau, đứa ở trên, đứa ở dưới gọi nhau í ới, cùng nhau đi học, cùng nhau nghịch đất. Hôm đó, ăn cơm xong thì mấy đứa rủ nhau ra trường chơi một lúc rồi 1h30 thì vào học. Chỉ khoảng 15 phút sau thì xung quanh người ta báo. Chúng nó chỉ đu đu mấy cái rồi vào học thôi, thế mà không may nó lại xảy ra.

Ở Bản Phung, trẻ 5 - 6 tuổi là có thể tự đến trường, không cần bố mẹ đưa đi như dưới xuôi nên có những hiểm nguy khi xảy ra chúng đều phải tự đối mặt. Vì vậy, trẻ vùng cao tự lập sớm, chúng tự chơi, tự ăn và cũng tự học.

Đường đi lại ở Bản Phung. Ảnh: H.Đ.

Đường đi lại ở Bản Phung. Ảnh: H.Đ.

Vợ chồng anh Sỉn là thế hệ 9x, cũng mới ra riêng. Gia đình anh sống nhờ vào cây ngô, cây sắn nhưng đất quá ít muốn canh tác lớn cũng không được, nên chỉ đủ nuôi ăn các con. Chúng không chết đói, thiếu thốn là vậy nhưng gia đình vẫn vui. Cả nhà còn nằm chung một giường chật chội, thế mà giờ… chỉ mong được như thế.

Cách đây mấy năm con trai đầu của vợ chồng anh Sỉn cũng mất vì bệnh máu trắng, chưa nguôi ngoai thì giờ lại đến đứa sau. Chẳng hiểu sao, sau câu chuyện, đứa con út của anh Sỉn đang chơi, tắm ngoài sân lại khóc oà lên. Chạy vội ra ngoài, anh Sỉn bế vội con, áp nó vào ngực để dỗ dành…

Trước khi xảy ra sự việc trên, gia đình anh Sỉn có một miền vui nho nhỏ khi được xã đã đặt vấn đề hỗ trợ, xây dựng nhà mới, xoá căn nhà tạm của anh. Thế nhưng, chưa kịp thực hiện thì con anh Sỉn lại mất. Chắc phải một thời gian nữa, khi mọi người tinh thần ổn định, xã sẽ đến đặt lại vấn đề này với phía gia đình.

Học sinh đã trở lại trường

Cùng cảnh ngộ, sau khi xảy ra chuyện mọi người trong gia đình anh Vàng Seo Cư đều ở nhà cho nguôi ngoai bớt. Có khách, chị vợ lấy vội mấy cái bát rót nước vì cốc không có, chén cũng không. Tài sản giá trị nhất của gia đình anh Cư có lẽ là vài bao ngô, bao lúa ở góc nhà.

Lo nhất với anh Cư lúc này là đứa con trai học bán trú ở trường huyện cách nhà gần 20km.

“Sáng hôm thứ 2 đưa nó đi lớp ở dưới huyện, chiều đã phải đón về vì em nó mất. Xong việc rồi phải mất mấy hôm, bảo nó, nó mới đi học lại được, mong ở trường nó có bạn mà bớt nhớ em đi”, anh Cư nói…

Sau cái chết của 3 học sinh, cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đến động viên, chia buồn với các gia đình và lo hậu sự chu tất cho các cháu. Xã cũng kêu gọi vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ những hộ gia đình này và Bản Phung, bởi ở đây còn rất nhiều khó khăn...

Những đứa trẻ nô đùa trong sân trường ở Bản Phung. Ảnh: H.Đ.

Những đứa trẻ nô đùa trong sân trường ở Bản Phung. Ảnh: H.Đ.

Khi con đường Tằng Loỏng - Quý Xa được mở ra, người dân ở Bản Phung đặt nhiều kỳ vọng về sự thay đổi. Có đường nhựa chạy qua, thế nhưng lối lên bản nơi các em ở, cách đường cái chính không xa vẫn men theo lối mòn, trơn trượt.

Ông Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng tâm sự, chúng tôi đã xin công ty làm đường hỗ trợ đổ bê tông lối đi lên cho bà con đỡ vất vả, đoạn ngắn thôi. Họ cũng đã đồng ý nhưng đường Tằng Loỏng - Quý Xa còn chưa xong.

Sau mấy hôm, mọi người ở Bản Phung cũng đã cho con đến trường. Cổng đổ được rào lại. Họ mở một lối đi bênh cạnh, phía những cây bụi trồng làm hàng rào cho nhà trường.

Chưa đến giờ vào lớp, mấy đứa trẻ con tiếp tục có mặt sớm trước giờ học vô tư chơi xích đu, xem chung chiếc điện thoại của một anh lớp trên. Chúng ngồi gần ngay cánh cổng đổ. Chắc chúng cũng không thể hiểu rõ ràng chuyện gì đã xảy ra với bạn học, chỉ biết rằng bạn sẽ không đến lớp nữa…

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất