| Hotline: 0983.970.780

3 năm chuyển đổi lúa giống

Thứ Năm 06/10/2011 , 11:45 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện công tác chuyển đổi giống lúa đã đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh Cà Mau tăng lên 4,46 tấn/ha, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt 500.000 tấn.

Ruộng nhân giống lúa nguyên chủng của Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau

Cà Mau hiện có 89.000 ha lúa, được chia làm các trà lúa như lúa hè thu, lúa mùa, lúa – tôm và lúa lấp vụ 2. Trước đây, do điều kiện sản xuất khó khăn, công tác chuyển đổi giống lúa chưa được nông dân chú trọng nên năng suất bình quân đạt rất thấp, 3,6 tấn/ha.

Sau 3 năm thực hiện công tác chuyển đổi giống lúa đã đưa năng suất lúa bình quân toàn tỉnh tăng lên 4,46 tấn/ha, sản lượng lúa bình quân hàng năm đạt 500.000 tấn. Được biết sản xuất lúa ở Cà Mau những năm trước đây gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn đất đai bị nhiễm phèn, mặn, mặt ruộng không đồng đều. Nông dân sản xuất lúa phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, do hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng chưa được hoàn chỉnh. Nhiều vùng không chủ động được tưới tiêu, thường xuyên thiếu nước tưới khi có nắng hạn kéo dài hoặc ngập úng khi mưa nhiều.

Bên cạnh đó, trình độ đầu tư thâm canh của nông dân chưa cao, công tác chuyển đổi giống lúa mới chưa được nông dân quan tâm. Nhiều nơi nông dân vẫn còn tập quán sử dụng các giống lúa cũ tự để giống, tự trao đổi qua nhiều năm nên lúa bị thoái hóa, lẫn tạp, nhiễm sâu bệnh, năng suất, chất lượng thấp. Nhiều nơi vẫn còn tập quán sạ dày, bón thừa đạm, sử dụng thuốc BVTV không đúng nguyên tắc dẫn đến chi phí sản xuất gia tăng.

Trước thực trạng trên, tỉnh đã triển khai “Đề án chuyển đổi và nâng cao chất lượng lúa giống trong sản xuất đại trà tỉnh Cà Mau giai đoạn 2008 – 2010” và “Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm, lúa tỉnh Cà Mau giai đoạn 2009 – 2012”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2015 có 80% diện tích sử dụng giống lúa mới, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận. Đến năm 2012, năng suất lúa của tỉnh sẽ tăng khoảng 15% và đến năm 2015 tăng 25%.

 Qua 3 năm triển khai thực hiện hai đề án nêu trên kết quả đạt được rất khả quan. Cụ thể, từ năm 2008 cho đến nay, Trung tâm KNKN và Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm, sản xuất thử, trình diễn trên 100 giống lúa mới. Kết quả đã tuyển chọn đưa vào sản xuất trên 20 giống lúa mới có năng suất chất lượng cao, thích nghi với điều kiện địa phương như: OM 2717, OM 2718, OM 4489, OM 4655, OM 2395, OM 4900, OM 6162, OM 6073, OM 5472, OM 6677, OM 6976 OM 6161, OM 7347, OM 6677, OM 8923, OM 3995…

Đặc biệt, đã tuyển chọn được một số giống lúa thích nghi trên đất nhiễm phèn, mặn như: AS 996, OM 2395, OM 6677, OM 4900, B-TE1, PAC 807… Ngoài ra, ngành nông nghiệp của tỉnh đã phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ Cà Mau, Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) phục tráng thành công 2 giống mùa địa phương là Một bụi đỏ và Tép hành phục vụ cho vùng sản xuất lúa tôm.

Nếu như năm 2008 diện tích sản xuất lúa giống của tỉnh chỉ là 415 ha thì đến năm 2009- 2010 đã tăng lên 1.000 ha. Hằng năm, có trên 6.000 tấn lúa giống cấp nguyên chủng và xác nhận được sản xuất từ Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, các tổ giống trong dân, hợp tác xã, tổ hợp tác được cung ứng ra thị trường.

Sau 3 năm triển khai, xã hội hóa công tác giống đã từng bước được thực hiện. Thông qua các mô hình sản xuất lúa giống, tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất lúa giống cho cộng đồng đã giúp nhiều nông dân nắm vững quy trình sản xuất lúa giống. Đến nay, các địa phương đã tự sản xuất cung ứng lúa giống đáp ứng được trên 50% nhu cầu sản xuất.

Riêng Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng Trại sản xuất lúa giống với quy mô 20 ha và nhà kho, máy sấy, máy loại hạt, phòng kiểm nghiệm giống. Đồng thời đào tạo lực lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm nghiệm đánh giá giống, phục vụ cho công tác sản xuất giống lúa ở địa phương.

Từ đó, ý thức của người dân về chuyển đổi các giống lúa mới, giống lúa chất lượng đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ sử dụng lúa giống cấp xác nhận năm 2008 là 20%, năm 2009 là 42% và năm 2010 là trên 50%, dự kiến năm 2011 là trên 60%. Năng suất lúa bình quân của tỉnh từ 3,6 tấn/ha (năm 2005) đã tăng lên 4,46 tấn/ha (năm 2010), trong đó có nhiều hộ đạt năng suất 5,5-6,5 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt 7 tấn/ha.

Bên cạnh việc chuyển đổi giống lúa mới, nhiều mô hình sản xuất lúa tiến bộ cũng được chuyển giao cho dân áp dụng như: “3 giảm, 3 tăng”, sản xuất lúa giống... Lợi nhuận của mô hình “3 giảm 3 tăng” từ 12-15 triệu đồng/ha/vụ, cá biệt 20 đồng/ha/vụ, mô hình sản xuất lúa giống từ 18-20 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt 30 triệu đồng/ha. Mật độ gieo sạ giảm rõ rệt từ 150-170 kg/ha xuống còn 100-120 kg/ha, sử dụng phân bón cân đối và hiệu quả hơn, riêng phân đạm giảm trung bình 30 kg/ha. Số lần phun thuốc trên ruộng giảm bình quân 3 lần/vụ, chủ yếu là giảm phun thuốc trừ sâu, bệnh.

Sau 3 năm tỉnh Cà Mau thực hiện đề án chuyển đổi công tác giống lúa đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, hiệu quả sản xuất của người dân ngày càng nâng lên. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tạm thời không xuống giống lúa do xâm nhập mặn

BẠC LIÊU Do tình hình xâm nhập mặn, UBND huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có công văn gửi các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đề nghị tạm thời không xuống giống lúa vụ hè thu.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.