| Hotline: 0983.970.780

3 số phận dưới lòng đất lạnh

Thứ Ba 02/10/2007 , 09:15 (GMT+7)

Sáng qua (1/10), anh Mạnh Hồng Thái (SN 1983), ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, Vĩnh Long sau 6 ngày nằm viện đã tắt thở tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Quân y 121. Số nạn nhân tử vong đã lên đến con số 50. Còn tại hiện trường vẫn còn 3 người mất tích, đều cùng ở xã Mỹ Hoà.

 

Phó TTg Trương Vĩnh Trọng thăm hỏi nạn nhân vụ sập cầu

1. Anh Nguyễn Văn Hai (1971) ngụ ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hoà (Bình Minh, Vĩnh Long). Làm công nhân vệ sinh cho Cty VSL khoảng 2 tháng, chưa có hợp đồng lao động thì bị nạn. Vợ anh Hai là chị Nguyễn Thị Kim Sang (1975) đang mang bầu 6 tháng. Bao đêm thức trắng, thai nghén hoành hành, sau 6 ngày chờ đợi mòn mỏi, chị đã rời khỏi hiện trường về nhà nghỉ. Chị đang mang thai con trai đầu đời của anh chị.

Có mặt tại hiện trường vào lúc 10 giờ sáng ngày 1/10 chờ ngóng xác anh Hai hiện chỉ còn lại ba người anh em ruột thịt. Trông họ cũng hốc hác hẳn đi vì thức trắng đêm. Nguyễn Quốc Đạt, em ruột anh Hai cho biết, anh không dám ngủ vì sợ người ta tìm thấy xác đưa ra mà không kịp nhìn mặt thì không kiếm được anh mình. Còn anh Nguyễn Văn Niệm là anh em chú bác với anh Hai cũng mỏi mòn. Thân nhân anh Hai cho biết, trước khi vào làm tại cầu Cần Thơ anh Hai hành nghề chạy xe ôm. Nhà nghèo không ruộng đất anh tần tảo sớm hôm để chuẩn bị nuôi đứa con trong bụng sắp chào đời. Cách đây 6 tháng anh hai từ Malaysia trở về vì hết hạn xuất khẩu lao động. Sau mấy năm ly xứ lao động tại nước ngoài, về nhà lần này chưa đầy năm thì anh gặp nạn.

2. Anh Trần Văn Hơn (1971) ở ấp Mỹ Thới 2 cũng thuộc xã Mỹ Hoà cảnh tình thật éo le. Người nhà cho biết hai vợ chồng mâu thuẫn vì nghèo khó, một hôm chị ẵm theo đứa con nhỏ (Trần Thị Cẩm Tiên, 8 tuổi) trốn mất, tính đến nay cũng đã hai năm trời. Anh Hơn bao lần tìm vợ đều không thấy. Buồn chán chuyện gia đình anh cũng chẳng muốn chấp nối với ai. Vợ chồng anh Hơn có với nhau hai mặt con, lúc chưa gặp nạn anh sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Đứa con lớn còn lại sống chung với anh là Trần Thị Cẩm Tú năm nay 12 tuổi, đang học lớp năm Trường tiểu học Mỹ Hoà D. Bây giờ anh mất, bé Tú chẳng còn nơi nương tựa, vì cha mẹ anh Hơn cũng đã già yếu. “Vợ chồng sống với nhau có tới hai mặt con vậy mà khi hay tin thằng Hơn mất tích vợ nó cũng chẳng màng đến đây. Khi hay tin nó gặp nạn, bên nhà này nhắn ngay cho gia đình bên vợ nó. Vậy mà suốt mấy ngày qua cũng chưa thấy bóng dáng vợ nó đâu” - ngồi trong chiếc lều tạm của đội quân cứu nạn ngóng về phía cầu đổ, anh Trần Văn Hậu (anh ruột anh Hơn) oán trách. 

Thân nhân anh Hơn cho biết anh mới vào làm cho Công ty Vĩnh Thịnh gần 2 tháng nay, không hợp đồng lao động. “Nghe nó nói nó chỉ mới tạm ứng được của công ty bảy tám trăm ngàn gì đó. Còn lương thì chưa lãnh đồng nào đã bị tai nạn”– anh Hậu nói.

3. Lê Hoàng Quốc Việt (1979) ở ấp Mỹ Hưng 1 cũng thuộc xã Mỹ Hoà, làm cho Cty Vĩnh Thịnh, mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy xác. Khi được hỏi đến, người cha vợ anh Việt như thất thần, hả hả, rồi im luôn. Ngồi ngóng ngó hiện trường, ông Hà Văn Năm (cha vợ anh Việt) từ từ nhớ lại. “Nó có vợ và một con. Vợ nó là Hà Thị Kiều Vân, con nó là Thư, không nhớ họ gì nữa”. – ông Năm lẩm nhẩm, giọng yếu ớt nói. Năm nay Thư sáu tuổi, vừa vào mẫu giáo. Trước đây hai vợ chồng được cha mẹ cho ở nhờ trên phần đất nền và cho công vườn trồng bưởi kiếm sống. Mấy năm sau vợ chồng bươn chải, cuộc sống cũng đỡ vất vả. Gần đây, Nhà nước quy hoạch khu công nghiệp Bình Minh dính hết phần vườn nhà anh nên cuộc sống bắt đầu bấp bênh. Hai vợ chồng tuy nghèo nhưng hơn sáu năm chung sống rất hạnh phúc. Hai năm nay anh Việt xin vào làm công nhân cho Cty Vĩnh Thịnh, lương càng ngày được nâng cao, từ một triệu lên hơn hai triệu. “Tưởng vậy có thể chắc mót góp nhặt cho gia đình sung túc hơn, chưa gì thì...” – một thân nhân anh Việt thương tiếc nói.

Chị Vân (vợ anh Việt) kể: Anh ấy rất chịu khó, biết tính toán. Hàng đêm vợ chồng hay tâm sự chuyện làm ăn, nhưng chưa khi nào nghe ảnh nhắc đến chuyện ký kết hợp đồng lao động. Trước ngày anh Việt gặp nạn, ảnh còn bảo em là con Thư nhà mình năm nay đã sáu tuổi rồi, vợ chồng ráng dành dụm lo cho nó vào lớp một không thua kém con người ta. Anh làm công trình cầu này chừng một năm nữa là xong. Sau đó anh sẽ học một nghề gì đó để làm cho đỡ cực. “Cái ngày định mệnh ấy, không hiểu sao ảnh đi làm rất sớm!” – chị Vân vừa nghẹn, vừa trách hờn anh.

Bảo Trân

Một công nhân Cty Vĩnh Thịnh cho biết, thông thường làm việc một ngày Cty điểm danh hai lần. Lần thứ nhất vào lúc 7 giờ sáng, chiều là 6 giờ để biết chấm công và quản lý công nhân. Hôm xảy ra tai nạn, chúng tôi có tìm gặp một giám sát công trình của Công ty VSL. Anh này cho biết hôm đó chưa điểm danh nên không có danh sách đầy đủ số công nhân vào ngày hôm đó là bao nhiêu.

Nhưng thực tế, theo nhiều công nhân còn sống sót thì Cty có danh sách đầy đủ hết, nếu 8 giờ (giờ xảy ra sự cố) mà không điểm danh thì công nhân không thể lên sàn làm việc. Chắc chắn là có điểm danh rồi công nhân mới dám vào làm, danh sách bên Cty nắm rất rõ, họ nói thế là thiếu trung thực. Những thông tin này chúng tôi chưa có điều kiện kiểm chứng. Tuy nhiên, cho mãi đến giờ chưa có một công bố nào về phía các nhà thầu phụ, cho biết danh sách có bao nhiêu công nhân mà họ thuê làm. Có hay không chuyện huỷ bỏ danh sách công nhân để lập danh sách mới (toàn những người chết, mất tích và bị thương), nhằm giảm bớt gánh nặng “trách nhiệm” pháp lý của các nhà thầu?

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất