| Hotline: 0983.970.780

30 hoạt động đa phương và song phương của Thủ tướng tại Nhật Bản

Thứ Năm 11/10/2018 , 08:36 (GMT+7)

Tối 10/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Từ ngày 8 - 10/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 30 hoạt động, gồm cả đa phương và song phương: dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản; yết kiến Nhà vua Nhật Bản, có các cuộc làm việc với Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản – Mekong, Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản Keidanren, dự Diễn đàn đầu tư Mekong – Nhật Bản. Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng đã dự lễ đón chính thức, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, họp báo chung và chứng kiến ký kết các văn kiện hợp tác giữa hai bên; gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện; dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam và có 4 cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin cùng nhiều cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Thủ tướng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong – Nhật Bản, Thủ tướng đã cùng các nhà lãnh đạo rà soát tình hình hợp tác thời gian qua, thảo luận các phương hướng lớn hợp tác giai đoạn mới.

Thủ tướng cho rằng, hợp tác Mekong – Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, nhất là mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Mekong và tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp các nước thành viên. “Tất cả đều hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, là mục tiêu vừa qua cũng như sắp đến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Về phương hướng hợp tác giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng nêu bật một số ưu tiên, như thúc đẩy kết nối giao thông, bao gồm phát triển hành lang kinh tế đông tây, hành lang phía Nam, nghiên cứu phát triển cao tốc Viêng Chăn-Hà Nội, giao thông đường thủy giữa Việt Nam-Campuchia; cải thiện kết nối hạ tầng mềm bao gồm cả các quy định thuận lợi thương mại, đầu tư, hải quan; tăng cường kết nối con người đặc biệt thông qua giáo dục, đào tạo nghề; hiện thực hóa tầm nhìn chung về một Mekong xanh với trọng tâm là hợp tác quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững…

Thủ tướng cũng đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới sáng tạo Mekong -Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong. Các đề xuất của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao và phản ánh trong các văn kiện của Hội nghị.

Về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ tính cấp thiết của việc bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi tuân thủ Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử COC có hiệu lực và hiệu quả.

Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược và thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021, tập trung vào ba trụ cột chính gồm kết nối sống động và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa một Mekong xanh. Những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 cùng với các chương trình đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực… do Chính phủ Nhật Bản tài trợ được các nhà lãnh đạo kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới cho hợp tác Mekong – Nhật Bản.

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Mekong – Nhật Bản với sự tham dự của hơn 600 doanh nghiệp, Thủ tướng đã nhấn mạnh vai trò của khu vực Mekong, vị trí địa chính trị, địa kinh tế, địa thương mại chiến lược của Việt Nam; cho rằng “nằm ở trung tâm châu Á phát triển năng động, khu vực Mekong đang trỗi dậy với tất cả quyết tâm, tiềm năng và sức mạnh của mình”. Thủ tướng khẳng định, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Mekong và Nhật Bản, đồng thời nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đặt ưu tiên cao về chất lượng của các dự án đầu tư.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới toàn diện và thực chất hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy liên kết kinh tế giữa hai nước theo tinh thần hai bên cùng có lợi, các biện pháp để thúc đẩy tiến độ một số dự án đang triển khai về năng lượng điện, giao thông, đào tạo…, tạo điều kiện để hoa quả của hai nước vào được thị trường của nhau trong đó có cam, táo của Nhật và vải, nhãn, vú sữa của Việt Nam.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, lao động, theo đó Nhật Bản sẵn sàng tiếp nhận nhiều hơn nữa thực tập sinh Việt Nam sang lao động tại Nhật Bản; đồng thời xử lý các công ty môi giới phái cử lao động hoạt động không lành mạnh. Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản xem xét miễn thuế thu nhập và thuế cư trú cho thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản và tạo thêm thuận lợi trong việc cấp thị thực nhập cảnh cho người du lịch Việt Nam sang Nhật Bản.

“Để Việt Nam đạt được sự tăng trưởng bền vững, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ nỗ lực của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cải cách hành chính, phát triển công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, năng lượng...”, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ. “Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan tỏa trên thế giới, chúng ta khẳng định tiếp tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ về xúc tiến thương mại và đầu tư tự do, công bằng tới thế giới thông qua Hiệp định CPTPP và RCEP”.

Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi 9 văn kiện hợp tác.

Cũng trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản “Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, thu hút hơn 1.200 doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản- Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp của Nhật Bản có tiềm lực mạnh về tài chính, năng lực quản trị tốt, mạng lưới thị trường quốc tế, sẽ trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam theo các thủ tục đơn giản về chuyển nhượng vốn, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam để 2 bên hợp tác cùng có lợi, phát triển bền vững, lâu dài.

Ngay tại Hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, hai bên đã ký kết, trao đổi 19 biên bản thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, có tổng giá trị cam kết gần 10 tỷ USD.

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong – Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong cũng như phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới.

Xem thêm
Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm